Thứ Năm, 21/08/2014 06:27

Sự im lặng đầy thách thức Bộ trưởng Đầu tư

Đáp lại yêu cầu rà soát, cắt giảm số ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Kế hoạch - Đầu tư thì câu trả lời nhận được chỉ là sự im lặng. Không những thế, con số này lại tăng lên trong thời gian qua.

Vi phạm nguyên tắc tự do kinh doanh?

Với nhiều ngành nghề kinh doanh đòi hỏi phải có điều kiện kèm theo, nhiều giấy phép con, cháu, chắt... đang vi phạm nguyên tắc tự do thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Tọa đàm về quyền tự do kinh doanh của Câu lạc bộ Pháp chế DN (Bộ Tư Pháp) tổ chức ngày 20/8.

Theo các chuyên gia, quyền tự do kinh doanh đã được đề cập đến từ lâu, trong các bản Hiến pháp và nhiều đạo luật. Mặc dù vậy, trên thực tế DN vẫn bị "trói" rất chặt bởi có quá nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện buộc phải đáp ứng.

Theo số liệu mới nhất được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, hiện có 386 ngành, nghề kinh doanh đòi hỏi phải có điều kiện đi kèm, trong đó có 895 điều kiện kinh doanh "cấp 1" (giấy phép "cha"), 2.129 điều kiện "cấp 2" (giấy phép "con") và 1.745 điều kiện "cấp 3" (giấy phép "cháu").

Các quy định này thuộc phạm vi quản lý của 16 bộ ngành và rất rắc rối. Có những ngành, điều kiện kinh doanh chung thì nằm ở luật, nghị định, nhưng điều kiện "con, cháu, chắt" thì nằm ở thông tư, quyết định, thậm chí công văn của các Bộ. Sự thiếu rõ ràng này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DN.

Hiện có 386 ngành, nghề kinh doanh đòi hỏi phải có điều kiện đi kèm.

Theo ông Nguyễn Việt Thanh, Phòng pháp chế Tổng công ty May 10 thì hiện nay việc đăng ký thành lập DN khá dễ dàng nhưng không phải như vậy đã có thể kinh doanh được. Bởi nhiều ngành nghề đòi hỏi phải có điều kiện kinh doanh, có giấy phép con.

"Chẳng hạn như muốn bán rượu phải có giấy phép của Bộ Y tế, Công thương. Tôi đã chứng kiến có DN thành lập 6 tháng nhưng không thể đi vào kinh doanh được vì vướng ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải chờ xin giấy phép con, cháu... Những giấy phép này trên thực tế đang cản trở quyền tự do kinh doanh của DN", ông Phong nói.

Không những vậy, nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay lại mang tính áp đặt chủ quan, hoàn toàn không có căn cứ khoa học nào.

Chẳng hạn như ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, đòi hỏi rất nhiều các điều kiện trong đó có những điều kiện rất oái ăm, như yêu cầu mỗi xe chỉ được đăng ký chạy 2 tuyến, nếu chạy tuyến thứ 3 là vi phạm.

Quy định này dẫn đến tình trạng khi một xe hỏng, DN không thể lấy xe chạy ở tuyến khác vào thay thế. Hoặc muốn tăng chuyến trên một tuyến, thì các xe hiện đang chạy trên tuyến đó phải đạt trên 50% công suất trong 6 tháng liên tục. Trong khi lỗ hay lãi, công suất đạt bao nhiêu phần trăm là chuyện của DN.

Theo các chuyên gia, những quy định như vậy không khuyến khích cạnh tranh, sáng tạo, tăng thêm chi phí và rủi ro cho người kinh doanh.

Im lặng và thách thức?

Theo tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng, Viện nghiên cứu Lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật DN sửa đổi lần 6 đang được soạn thảo, sẽ dựa trên tinh thần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, "cởi trói" cho DN.

Trong đó, danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện là điều "cốt tử" để tạo một cuộc cách mạng về môi trường kinh doanh. Thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phát văn bản yêu cầu các bộ, ngành rà soát trên tinh thần cắt giảm số ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện là điều "cốt tử" để tạo một cuộc cách mạng về môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến không tin tưởng rằng các bộ, ngành sẽ làm được việc tự mình rà soát, thống kê danh mục trên, bởi điều kiện kinh doanh là công cụ quản lý của họ và đây vẫn là 1 "cuộc chiến" khó khăn.

Trên thực tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã cho biết, sau khi phát văn bản yêu cầu các bộ, ngành rà soát cắt giảm số ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì câu trả lời nhận được chỉ là sự im lặng như một sự thách thức. Không những chưa cắt bỏ được mà số lượng này lại tăng lên trong thời gian qua.

Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế DN cho biết, việc các cơ quan quản lý Nhà nước giành thuận lợi cho hoạt động quản lý của mình như lập danh mục nhiều ngành nghề đòi hỏi kinh doanh có điều kiện để quản cho thật chặt DN, đang đi ngược lại nguyên tắc tự do thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Theo bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Pháp chế Công ty cp Chứng khoán Bảo Việt, cộng đồng DN đề nghị giảm đến mức tối đa và lập danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và quy định thật chi tiết về vấn đề này cùng chế tài với các bộ, ngành để khắc phục tình trạng tùy tiện đưa ra các điều kiện hạn chế kinh doanh.

Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ sáng 19/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu xây dựng danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, cấm đầu tư, kinh doanh, cùng những quy định nhằm đạt mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và DN.

Theo tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, để giải quyết tình trạng này, sẽ đưa ra quy định chỉ có luật, pháp lệnh và nghị định mới được đặt ra điều kiện kinh doanh. Đồng thời, ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải được ban hành tại cùng một văn bản, quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh là gì, chấm dứt chuyện các bộ, ngành hướng dẫn thêm.

Trần Thủy

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Đề xuất ưu đãi 6 dịch vụ CNTT (20/08/2014)

>   Hé lộ thêm các khoản nợ “khủng” của CTCP Máy tính Hoàn Long (20/08/2014)

>   Doanh nghiệp Việt chỉ chiếm hơn 10% thị phần vận tải biển (20/08/2014)

>   Buộc ngành than dừng thuê các doanh nghiệp bên ngoài làm dịch vụ: Không quản lý được thì... cấm (20/08/2014)

>   Tập đoàn Dầu khí Thái Lan sẽ góp 40% vốn cho dự án Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội (20/08/2014)

>   Thuốc lá lậu chiếm 30% thị phần trong nước (20/08/2014)

>   Đề xuất chỉ còn 8 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh (20/08/2014)

>   "Không muốn nộp phí quá cảnh nên tìm cửa khẩu khác" (20/08/2014)

>   Sếp Petro Vietnam lĩnh lương 32 - 36 triệu đồng/tháng (20/08/2014)

>   Thả lỏng FDI: 'Có trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ' (20/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật