Thứ Sáu, 22/08/2014 11:03

Phó thủ tướng: Vay tiền đóng tàu vỏ thép, lãi chỉ 1-3%/năm

“Vừa qua, có nhiều ngư dân có điều kiện kinh tế khó khăn tới mức phải vay “nóng” để trang trải cho gia đình mình trong quãng thời gian đi biển. Điều này gây hạn chế cho việc ra khơi, nhất là ra khơi xa, đánh bắt dài ngày của bà con”.

Đây là thông tin được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cung cấp, khi ông nói về Nghị định 67/2014 của Chính phủ, có hiệu lực từ 25/8 tới, với nhiều chính sách phát triển thủy sản, ưu tiên đánh bắt xa bờ.

Phó thủ tướng: "Chính phủ luôn chỉ đạo phải nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho ngư dân"

Trọng tâm của nghị định này, là Nhà nước sẽ tạo điều kiện tối đa trên cơ sở hỗ trợ lãi suất, để ngư dân và các ngân hàng có thể làm việc trực tiếp với nhau có hiệu quả nhất.

Trao đổi với báo giới, Phó thủ tướng nói:

- Điểm mới cốt yếu, quan trọng nhất của Nghị định 67/CP là quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta.

Đó là các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên.

Điểm mới quan trọng thứ hai là quan điểm khuyến khích đóng tàu công suất lớn vỏ thép/vật liệu mới, trong đó ưu tiên hơn cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Tàu dịch vụ hậu cần này là yếu tố cơ bản để cho một đội tàu khai thác xa bờ hoạt động hiệu quả.

Đi vào cụ thể, chính sách tín dụng được Chính phủ xây dựng trên quan hệ tín dụng thương mại, không phải việc lấy tiền từ ngân sách Nhà nước cho ngư dân đóng tàu một cách ồ ạt. Ngư dân và các ngân hàng thương mại làm việc với nhau, tính toán bài toán kinh tế rồi quyết định việc vay, cho vay. Nhà nước hỗ trợ về mặt lãi suất, hạn mức vay,...

Đối với ngư dân vay vốn đóng tàu, nhất là tàu vỏ thép, Nghị định quy định dải mức lãi suất hết sức ưu đãi, cụ thể là từ 1 - 3%/năm, có thể nói mức lãi suất thấp nhất hiện giờ, thời gian vay dài là 11 năm. Hạn mức cho vay cũng hết sức cao từ 70 - 95% giá trị đóng mới tàu.

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho thân tàu và thuyền viên với thủ tục nhanh gọn nhất cũng sẽ giúp ngư dân của chúng ta an tâm bám biển hơn.

Nhưng có ý kiến cho rằng, chỉ với một nghị định thì khó mà thay đổi được chiến lược phát triển thuỷ sản của Việt Nam?

Mục tiêu của Chính phủ không phải điều chỉnh mọi vấn đề của thủy sản mà chỉ giới hạn trong các vấn đề cốt yếu nhất, quan trọng nhất có thể tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành thủy sản. Các nội dung hiện nay của nghị định đã được Chính phủ, ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc, xem xét trên nhiều mặt, thảo luận kỹ, cẩn trọng, nhiều lần, rút kinh nghiệm từ việc triển khai các chính sách hỗ trợ đóng tàu trước đây.

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành nhiều lần trực tiếp đi khảo sát thực tế tại địa phương, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo địa phương, với bà con ngư dân sở hữu tàu, trực tiếp đánh bắt thủy sản.

Qua thực tiễn triển khai nghị định, Chính phủ sẽ sơ kết việc thực hiện vào cuối năm 2016 để rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.

Trước đây, chúng ta cũng đã từng có nhiều chính sách phát triển thuỷ sản nhưng hiệu quả rất thấp, đặc biệt là chương trình tín dụng cho vay đánh bắt xa bờ đã gần như thất bại hoàn toàn?

Theo Nghị định 67, việc quyết định đầu tư đóng tàu là quyền của bà con ngư dân, bà con tự quyết định nơi vay vốn, mẫu tàu, hiệu quả đầu tư. Nhà nước chỉ đưa ra các hỗ trợ về tín dụng, về bảo hiểm… cho ngư dân.

Chính phủ cũng rất thận trọng trong việc triển khai thực hiện. Trong Nghị định 67, Chính phủ cho phép từ thực tế tại địa phương, các địa phương quyết định lựa chọn đối tượng thí điểm triển khai thực hiện Nghị định trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả thực hiện hiệu quả thì nhân rộng ra toàn địa phương.

Nghị định 67 được xây dựng công phu, dựa trên cơ sở ý kiến của ngư dân, kết quả khảo sát thực tế, kinh nghiệm triển khai các chính sách trước đây và đúng với chủ trương của Nhà nước ta. Các bộ, ngành liên quan đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn Nghị định theo thẩm quyền, đảm bảo Nghị định được triển khai ngay khi có hiệu lực.

Có thông tin cho rằng, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo ngư dân thay toàn bộ tàu đánh cá hiện tại bằng tàu vỏ thép?

Ưu điểm của tàu sắt trong đánh bắt xa bờ là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc đầu tư tàu vỏ thép cũng có những khó khăn riêng như đầu tư lớn, chi phí vận hành cao, thuyền viên phải được đào tạo…Chính phủ đã xác định không cứng nhắc trong hỗ trợ bà con ngư dân.

Quan điểm của Chính phủ là không chuyển đổi toàn bộ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép bằng mọi giá mà cần tiến hành có lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm. Chính vì thế, trong Nghị định 67, song song với việc hỗ trợ đóng tàu vỏ thép, Chính phủ vẫn có chính sách hỗ trợ đầu tư đóng mới tàu vỏ gỗ công suất lớn xa bờ, hỗ trợ ngư dân nâng cấp tàu đang hoạt động, hỗ trợ chi phí đào tạo thuyền viên, hỗ trợ chi phí bảo dưỡng tàu…

Chính phủ luôn chỉ đạo phải nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho ngư dân, coi đây là mục tiêu quan trọng nhất và kết hợp với đó là khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước ta.

Song Hà

vneconomy

Các tin tức khác

>   Ngân hàng sẽ không bỏ qua sân chơi casino (22/08/2014)

>   Nhân viên ngân hàng sai sót, bỗng dưng khách hàng nhận được 4 tỉ đồng (21/08/2014)

>   NamABank đẩy mạnh mở rộng thị phần (21/08/2014)

>   Lãi cận biên ngân hàng đang trong xu hướng giảm (21/08/2014)

>   Đã giải ngân được 2.613,4 tỷ đồng từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng (21/08/2014)

>   Ngân hàng phải thực hiện yêu cầu của thừa phát lại (21/08/2014)

>   Chơi vơi Eximbank (21/08/2014)

>   Cho vay sai quy định, Agribank mất hơn 966 tỉ đồng (21/08/2014)

>   TP. Hồ Chí Minh: Tín dụng phục hồi mạnh mẽ (21/08/2014)

>   Ngân hàng Quân đội (MBB) thua kiện phải thanh toán bảo lãnh 28 tỷ đồng (20/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật