Thứ Năm, 21/08/2014 11:22

Chơi vơi Eximbank

Eximbank (HOSE: EIB), một trong những ngân hàng gạo cội, góp phần tạo nên hình ảnh thị trường tiền tệ, đang trở nên chơi vơi trước những biến động của các chỉ số tài chính cơ bản.

Sự chơi vơi của các chỉ số tài chính của Eximbank không phải tự nhiên mà có.
Nó là phần tiếp theo của sự biến động vai vế một số ông chủ ngân hàng.

Cổ đông Eximbank (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu) có lẽ lo nhiều hơn mừng khi đọc báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của ngân hàng vừa được công bố. Với những tổ chức tín dụng cổ phần khác sụt giảm tổng tài sản, cho vay, huy động vốn, lợi nhuận nợ xấu tăng đã là cần suy nghĩ.

Nhưng với Eximbank, sự quan tâm trước những biến động của các chỉ số tài chính cơ bản nhiều gấp đôi đơn giản vì đây là một trong những ngân hàng gạo cội, là cái tên góp phần tạo nên hình ảnh thị trường tiền tệ.

Vậy mà sự gạo cội ấy đang trở nên chơi vơi!

Tỷ lệ cho vay trên huy động 103%

Hai năm trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng đưa số dư huy động vàng ra ngoại bảng, tổng tài sản của Eximbank, cũng như các ngân hàng có truyền thống huy động vốn bằng vàng khác, vơi đi ít nhiều. Nay sáu tháng đầu năm, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên, tổng tài sản vẫn đội nón ra đi tới 38.000 tỉ đồng, tương đương 22,35% so với cuối năm ngoái - một tỷ lệ cao. Trong số này tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác giảm hơn 30.000 tỉ đồng, các khoản nợ Chính phủ và NHNN giảm 418 tỉ đồng. Đáng ngại hơn, vốn huy động giảm 2.380 tỉ đồng. Trong khi các ngân hàng cổ phần tốp 5 và một số ngân hàng nhỏ có tỷ lệ huy động vốn tăng khá tốt, sự sụt giảm vốn huy động của Eximbank là một dấu trừ không thể phủ định.

Dấu trừ cũng xuất hiện trong mảng tín dụng khi dư nợ cho vay giảm 3.168 tỉ đồng. Tỷ lệ cho vay trên huy động vọt qua mốc 103% với số tuyệt đối 79.475/77.092 tỉ đồng. Nếu theo thống kê mới đây của NHNN, tỷ lệ cho vay/huy động của toàn hệ thống bình quân 87%, một số ngân hàng thấp hơn, khoảng 85%, thì tỷ lệ ở Eximbank đang nhấp nháy đèn đỏ.

Cái mà Eximbank cần hiện nay là sự ổn định nhân sự lãnh đạo cấp cao để tập trung vào kinh doanh thuần túy.

Thực ra cuối năm ngoái, tỷ lệ cho vay/huy động của Eximbank còn cao hơn, gần 104% (82.643/79.472 tỉ đồng). Điều này phản ánh hoặc Eximbank quá khát khao tăng trưởng tín dụng kéo dài dưới áp lực lợi nhuận, hoặc việc thu hồi các khoản nợ xấu không mấy thành công và chuyển qua cơ cấu nợ. Ở trang 26 báo cáo tài chính, Eximbank có khoản cho vay khách hàng đã quá hạn 4.155,7 tỉ đồng. Trang 30 chỉ rõ 2.364 tỉ đồng từ số này quá hạn trên ba tháng. Không biết toàn bộ số nợ quá hạn phát sinh trong nửa đầu năm hay từ trước đó?

Dấu trừ kế tiếp là nợ xấu. Ở trang 13, nợ nhóm 4 và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tổng cộng 655 tỉ đồng, tương đương tăng 47,4%. Trong kỳ Eximbank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng được gần 90 tỉ đồng, khá thấp so với sự gia tăng của nợ xấu. Tuy nhiên, mức trích lập dự phòng của quí 2 đã tăng đáng kể so với quí 1 (mức trích của quí 1 có 10 tỉ đồng).

Nhìn từ những con số, Eximbank còn không ít vấn đề phải xử lý.

Biến động chủ sở hữu

Sự chơi vơi của các chỉ số tài chính của Eximbank không phải tự nhiên mà có. Nó là phần tiếp theo của sự biến động vai vế một số ông chủ ngân hàng. Đầu năm ngoái, có lần Vietcombank - cổ đông tổ chức đang sở hữu tầm 8% cổ phần Eximbank - bày tỏ ý định thoái vốn khỏi Eximbank. Tuy nhiên sau đó không thấy Vietcombank đề cập đến chuyện này nữa. Tin tức hành lang cho biết có thể NHNN đã không chấp thuận cho Vietcombank thoái vốn.

Cho đến trước khi ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và một số lãnh đạo ACB bị bắt tạm giam, ACB và nhóm công ty liên quan đã từng là cổ đông lớn nhất của Eximbank với tỷ lệ nắm giữ trên 20%. Bản thân bầu Kiên cũng sở hữu một tỷ lệ nhất định cổ phiếu Eximbank cho dù chưa đến mức 5% để phải công khai là cổ đông lớn. Từ cuối năm 2012 trở đi, ACB và nhóm công ty liên quan đã dần thoái vốn khỏi Eximbank. Cho đến giờ, dư luận vẫn chưa biết người mua thật sự số lượng cổ phần ACB bán ra là ai. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn TBKTSG năm 2013, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, có nói đại ý một số cá nhân, tổ chức liên quan đến hội đồng quản trị đã mua vào để cổ phiếu không lọt ra ngoài.

Sau sự “chia tay” của ACB, các cổ đông tổ chức của Eximbank còn Sumitomo Mitsui Banking Corporation, Vietcombank, Quỹ VOF (do VinaCapital quản lý) và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC). SJC không phải cổ đông lớn vì nắm giữ 2,08%. Trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra tháng 4 năm nay, có ba cá nhân được các cổ đông ủy quyền cho khoảng 10% cổ phần mỗi người là ông Lê Hùng Dũng, ông Phạm Hữu Phú, ông Đặng Phước Dừa. Ông Dũng và ông Phú trước đây đã từng là thành viên Hội đồng quản trị Eximbank. Riêng ông Dừa là cái tên mới. Ông Dừa đã có thời là cổ đông được nhiều người biết đến ở Ngân hàng TMCP Đông Á.

Trên sổ sách giấy tờ Eximbank hiện không có cổ đông cá nhân sở hữu đến 5% cổ phần. Một điểm nữa là cả chủ tịch hội đồng quản trị lẫn tổng giám đốc hiện tại của Eximbank đều không xuất thân từ dân ngân hàng chuyên nghiệp. Tất nhiên, ngay cả điều này cũng không nói được gì nhiều vì quan trọng là các ông chủ ngân hàng biết sử dụng, tập hợp quanh họ đội ngũ những người giỏi, kinh nghiệm, chứ họ không nhất thiết phải là dân kinh doanh tiền tệ từ trứng nước.

Đã có thời điểm, ngay cả lãnh đạo Eximbank cũng nói đến khả năng Sacombank và Eximbank sáp nhập. Những người nắm bắt được sự chuyển động hậu trường của hai ngân hàng đều không lên tiếng. Có người nhận xét sự sáp nhập chỉ là một game (trò chơi) tưởng tượng. Trên thực tế, Sacombank dường như đã được định đoạt từ rất lâu cho một cuộc “hôn nhân” khác (với Ngân hàng TMCP Phương Nam) mà ở thời điểm đó người ta chưa tiện nhắc đến mà thôi!

Eximbank đã từng và cho đến nay vẫn nổi danh là một tổ chức tín dụng mạnh về kinh doanh ngoại hối. Trong quãng thời gian khó khăn, tỷ giá là một đường thẳng kéo dài cả năm, Eximbank vẫn có lời ở mảng này. Dấu ấn của ông Trương Văn Phước, nguyên Tổng giám đốc nhiều năm ở Eximbank, với những cú vận dụng kinh điển vẫn còn in dấu trong kinh doanh ngoại hối tại đây.

Cái mà Eximbank cần hiện nay là sự ổn định nhân sự lãnh đạo cấp cao để tập trung vào kinh doanh thuần túy. Trong thời buổi đa phần người ta đi buôn ngân hàng thay vì làm ngân hàng thực sự, một cơ cấu cổ đông tương đối đại chúng (và lại niêm yết) như Eximbank không phải lúc nào cũng là dấu cộng. Eximbank còn không ít thách thức trước mặt.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Danh sách các CTCK nộp BCTC SX bán niên và Báo cáo tỷ lệ ATTC bán niên năm 2014 (tính đến hết ngày 20/08/2014) (21/08/2014)

>   Danh sách các Công ty Niêm yết đã nộp BCTC Q2-2014 và BCTC bán niên soát xét năm 2014 (tính đến hết ngày 20/08/2014) (21/08/2014)

>   LGC: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 15 (21/08/2014)

>   BSC: Giải trình ý kiến kiểm toán (21/08/2014)

>   SPI: Giải trình chênh lệch lợi nhuận 6 tháng năm 2014 tăng so với cùng kỳ năm 2013 (21/08/2014)

>   VIE: Giải trình ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán tại Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2014 (21/08/2014)

>   TET: Báo cáo tài chính quý 2/2014 (21/08/2014)

>   STS: Báo cáo tài chính bán niên 2014 (UPCOM) (21/08/2014)

>   OCH: Giải trình chênh lệch lợi nhuận BCTC hợp nhất Quý 2 năm 2014 (21/08/2014)

>   L18: Báo cáo tài chính bán niên năm 2014 (21/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật