Thứ Năm, 21/08/2014 09:22

TP. Hồ Chí Minh: Tín dụng phục hồi mạnh mẽ

“Với tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng qua, tăng trưởng tín dụng năm 2014 của hệ thống ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt khoảng 10%. Điều này hoàn toàn có cơ sở với các chính sách tiền tệ hiện thời của NHTW và các giải pháp hỗ trợ thị trường ở địa phương, 5 tháng còn lại mức tăng tín dụng vào khoảng 5,75% là phù hợp với tính mùa vụ hàng hóa cuối năm” – ông Tô Duy Lâm cho biết.

Lãi vay thấp gần giá vốn

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau khi tổng hợp số liệu thực tế tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tính đến hết tháng 7 năm nay, có mức tăng trưởng 4,25% so với cuối năm 2013.

Nguyên do tín dụng ở đầu tàu kinh tế lớn của đất nước có bước nhảy vọt được cho là một số dự án lớn vay vốn ngàn tỷ đồng bắt đầu kích hoạt. Thực tế tăng trưởng tín dụng của các TCTD ở TP. Hồ Chí Minh bắt đầu phục hồi từ tháng 6 với mức tăng 2,16% và 1,37% trong tháng 7 đã bù đắp rất lớn cho hai tháng đầu năm nay bị âm.

Bên cạnh đó, thống kê chỉ báo sản xuất công nghiệp trong 7 tháng qua đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Dù rằng hàng hóa xuất nhập khẩu giảm, tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm đều nhúc nhích tăng, nâng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tính đến tháng 7/2014 tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Những chỉ số này đã hỗ trợ quan trọng cho đà tăng trưởng tín dụng của thành phố.

Nhiều dự án lớn đã được giải ngân kịp thời

Tín dụng tăng trưởng trở lại ở TP. Hồ Chí Minh trong 7 tháng đầu năm 2014, có nguyên nhân của chính sách cho vay trọng tâm vào các lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong tháng 6 và 7/2014, cơ chế mua vào ngoại tệ của NHNN Việt Nam đã chặn đà giảm sâu của USD sau khi các NHTM liên tục bán ngoại tệ. Với chính sách lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng nội tệ thấp thời gian qua đã nâng đỡ cho rất nhiều dự án dang dở từ hai, ba năm trước đây phục hồi và tháo gỡ nguồn vốn dồi dào của các TCTD ra nền kinh tế.

Cơ chế lãi suất tín dụng thấp đã hướng về khu vực tư nhân, thúc đẩy việc làm và tạo ra nhiều sản phẩm. Chỉ tính 5 nhóm ngành, lĩnh vực cho vay ưu đãi, 7 tháng đầu năm nay, các NH trên địa bàn thành phố đã giải ngân 136.297 tỷ đồng, riêng cho vay DNNVV dư nợ đã lên tới 85.689 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 5 nhóm lĩnh vực tín dụng ưu tiên, đặc biệt hiệu suất sử dụng vốn của khu vực này có tốc độ nhanh nhất.

Ngoài ra, các giải pháp đẩy vốn vào các khu công nghiệp và khu chế xuất lên đến gần 1.000 tỷ đồng trong 7 tháng. Và hoạt động kết nối DN – NH đến nay đã cam kết cho vay hơn 20 ngàn tỷ đồng, lấy dòng tiền thay thế cho tài sản đảm bảo nợ vay. Ở lĩnh vực này, một đồng dư nợ lãi suất thấp cho DN sẽ tạo ra lực cầu hàng hóa, dịch vụ cho thị trường rất lớn, góp phần giải phóng hàng tồn kho, khuyến khích sức mua.

Theo đó, co kéo lãi suất cho vay trên thị trường giảm mạnh và đẩy các NHTMCP đua nhau “xô” các gói tín dụng lãi suất xuống sát lãi suất huy động. Hiện lãi vay theo gói tín dụng ở các ngân hàng phổ biến ở mức 6,5%-6,8%/năm, cá biệt có gói tín dụng lãi vay bằng lãi suất huy động ngắn hạn 6%/năm.

Nợ xấu được trích lập đủ

Thế nhưng thực tế nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh vẫn còn rất nặng nề. Trong buổi làm việc hôm 7/8 với đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND TP. Hồ Chí Minh công bố con số nợ xấu trên địa bàn tính đến tháng 2/2014 vẫn còn 46.000 tỷ đồng. “70% nợ xấu có khả năng mất vốn, nhưng tất cả các khoản nợ dưới chuẩn này đã được trích lập đầy đủ” - đại diện NHNN chi nhánh thành phố nói với phóng viên TBNH ngày 19/8.

Tín dụng tăng trở lại nhưng yếu tố thị trường còn nhiều rủi ro

Theo các ngân hàng, “nợ xấu chưa tan biến” nhưng suốt thời gian qua các TCTD đã sử dụng nhiều công cụ, thậm chí dùng cả lãi để trích lập dự phòng. Thông tin cho thấy hàng chục ngàn tỷ đồng đã được sử dụng để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ dưới chuẩn từ năm 2013 đến nay. Hơn 2/3 các ngân hàng có Hội sở ở TP. Hồ Chí Minh xác nhận, hoạt động kinh doanh của họ trong nửa đầu năm nay đã phục hồi và có lãi để bù đắp chi phí.

Theo thống kê của NHNN chi nhánh thành phố, quy mô lãi của khối NHTMCP trong 7 tháng đầu năm 2014 bằng 71% so với cả năm 2013. Tương đương với mức lợi nhuận trước thuế khoảng 3.800 tỷ đồng. Trong đó Sacombank (STB), DongABank, HDBank… là những TCTD có lợi nhuận cao.

Thực tế, lợi nhuận sẽ là cơ sở đảm bảo cho việc trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu, cơ hội cho các ngân hàng mở rộng tín dụng những tháng cuối năm 2014. “Với tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng qua, tăng trưởng tín dụng năm 2014 của hệ thống ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt khoảng 10%. Điều này hoàn toàn có cơ sở với các chính sách tiền tệ hiện thời của NHTW và các giải pháp hỗ trợ thị trường ở địa phương, 5 tháng còn lại mức tăng tín dụng vào khoảng 5,75% là phù hợp với tính mùa vụ hàng hóa cuối năm” – ông Tô Duy Lâm cho biết.

Phạm Hà Nguyên

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Quân đội (MBB) thua kiện phải thanh toán bảo lãnh 28 tỷ đồng (20/08/2014)

>   Có cổ đông chiến lược ngoại, lợi nhuận ngân hàng vẫn “bèo” (20/08/2014)

>   Xử lý nợ xấu: Vì sao chưa “mở van” một dòng tiền lớn? (20/08/2014)

>   Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào ngoại tệ (20/08/2014)

>   Vẫn chưa thể sáp nhập SouthernBank vào Sacombank (20/08/2014)

>   Nợ xấu đang thực sự... “phát phì” (20/08/2014)

>   Vay đóng mới tàu vỏ thép chỉ trả lãi 1%/năm (19/08/2014)

>   Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng (19/08/2014)

>   Hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối của TCTD (19/08/2014)

>   Sốc với phí phạt trả nợ ngân hàng trước hạn (19/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật