Nợ xấu đang thực sự... “phát phì”
Quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng mới dù chỉ mới được áp dụng hơn 1 tháng trở lại đây cũng vừa “đủ” khiến tỉ lệ nợ xấu leo thang tại hàng loạt ngân hàng và diễn biến này đang buộc các ông chủ nhà băng phải đứng trước một lựa chọn không hề dễ dàng: Hy sinh lợi nhuận cho một tương lai... an toàn.
Ám ảnh nợ
Dù được nới lỏng hơn nhiều so với thông tư 02, thông tư 09 sửa đổi của NHNN quy định cách thức phân loại và trích lập dự phòng có hiệu lực từ đầu tháng 6.2014 nhanh chóng làm xấu hình ảnh chất lượng tài sản của khá đông các ngân hàng (NH) niêm yết.
Vietinbank, ACB và Vietcombank là ba minh chứng điển hình cho thấy, nợ xấu có xu hướng gia tăng rõ rệt trong quý II vừa qua, trùng khớp với thời điểm các quy định về phân loại nợ mới bắt đầu được áp dụng.
Ngay tại ACB, chất lượng tài sản đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm khi nợ xấu sau 6 tháng đầu năm - vừa được NH này công bố - tăng tới 22% so với cùng kỳ và tăng tới 24% so với thời điểm đầu năm, đưa tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lên con số 3,65%. Vietinbank trong phiên họp đại hội cổ đông bất thường mới đây cũng tiết lộ tỉ lệ nợ xấu tiếp tục tăng lên mức 2,03% tổng dư nợ khi NH áp dụng cách thức phân loại nợ mới.
Xu hướng gia tăng nợ xấu tại NH này rõ ràng chưa dừng lại khi tỉ lệ nợ xấu trước đó vốn tăng từ con số 0,82% thời điểm cuối năm 2013 lên mức 1,78% vào ngày 31.3.2014. Ở con số tuyệt đối, tỉ lệ nợ xấu của Vietinbank sau 3 tháng đầu năm tương ứng mức tăng tới 2.535 tỉ đồng nợ xấu. Mức tăng này là rất lớn và theo đó đưa tổng nợ xấu của Vietinbank lên con số 6.305 tỉ đồng, chỉ tính đến cuối tháng 3.2014.
Một NH lớn thuộc diện nhất nhì hệ thống như Vietcombank (VCB) cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các thay đổi trong phân loại nợ. Bản báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất vừa mới được nhà băng này công bố tiết lộ một thực tế, các thay đổi trong đánh giá chất lượng nợ dường như là yếu tố chính khiến nợ xấu vào thời điểm cuối tháng 6.2014 tăng tới 21% so với đầu năm, chiếm 3,06% tổng dư nợ.
Dù diễn biến nợ xấu sẽ gia tăng và sẽ tăng vượt con số 3% được chính Vietcombank dự báo ngay tại ĐHCĐ hồi đầu năm, mức tăng nợ xấu tới 21% tại một NH có chất lượng tài sản thường được duy trì ở mức tốt một lần nữa cho thấy, tầm ảnh hưởng của thông tư 09 sẽ không chừa bất kỳ NH nào.
Ngân hàng tự xoay xở
Xu hướng tăng mạnh của nợ xấu NH trong 6 tháng đầu năm gây nhiều lo lắng khi diễn biến trái ngược với tốc độ mua vào nợ xấu đang chậm lại tại Cty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC). Được biết, sau ít tháng sôi động hồi cuối năm ngoái, VAMC trong nửa đầu năm nay mới mua hơn 10.000 tỉ đồng nợ xấu từ khoảng 20 NH, thấp hơn nhiều con số xấp xỉ 40.000 tỉ đồng trong 3 tháng cuối năm 2013. Việc bán nợ cho VAMC rõ ràng không dễ dàng và trong lúc chờ đợi có thể bán được nợ cho đơn vị này, các NH sẽ phải tự xoay xở thông qua việc trích lập dự phòng rủi ro.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, nguyên Thống đốc NHNN – ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, muốn hay không các NH vẫn phải thực hiện việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ, đặc biệt trích lập tỉ lệ cao 20-100% cho các khoản nợ nhóm 3 - 4 và 5. Ông Kiêm nhấn mạnh: “Dù ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và lợi nhuận kinh doanh vốn có của các NH, việc trích lập là bắt buộc, song cũng là giải pháp đảm bảo an toàn dài hạn cũng như duy trì các đánh giá tích cực cho chất lượng tài sản của các NH".
Ông Kiêm cũng bác bỏ khả năng các NH phải chi nhiều cho dự phòng do VAMC hạn chế mua vào nợ xấu, đồng thời khẳng định, đơn vị mua nợ vẫn mua mạnh nhưng việc các NH có bán được nợ hay không phụ thuộc vào điều kiện khoản nợ phải có tài sản đảm bảo cũng như chất lượng của tài sản đảm bảo đến đâu.
Song việc trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu lại đang được ứng xử khá khác nhau theo cách riêng của mỗi NH. Dù chủ động tăng dự phòng, tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu cho đến cuối tháng 6 tại ACB vẫn chỉ đạt 48%, khiến ACB đứng trước áp lực tăng mạnh hơn nữa chi phí dự phòng nhằm duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức hợp lý hơn trong năm 2014.Theo ông Nghiêm Xuân Thành - TGĐ Vietcombank, dù đạt được gần 5.180 tỉ đồng lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của NH sau khi trích lập 2.400 tỉ đồng, chỉ còn lại xấp xỉ 2.780 tỉ đồng, đổi lại tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu được đưa lên con số 96%.
Việc mất tới hàng nghìn tỉ đồng cho dự phòng là việc không hề muốn đối với không chỉ riêng Vietcombank, đặc biệt trong bối cảnh lợi nhuận NH ngày càng giảm sút cùng sự kém hài lòng của số đông cổ đông. Song như nhiều đánh giá, với tỉ lệ dự phòng cao, các ngân hàng có thể chịu ít áp lực hơn vào đầu năm 2015 là thời điểm bộ mặt thật của nợ xấu ngân hàng sẽ thực sự được phơi bày khi thông tư 02 được áp dụng đầy đủ.
lao động
|