Khủng hoảng đi vào giai đoạn mới
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's tuyên bố, Argentina đã ở tình trạng “vỡ nợ có lựa chọn”, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đã qua thời hạn chót trả 539 triệu USD tiền nợ tái cấu trúc. Đây là lần thứ hai Argentina bị vỡ nợ kỹ thuật trong vòng 13 năm qua.
Tình trạng này diễn ra sau khi các cuộc thương lượng gấp rút với các chủ nợ tại New York không đạt được thỏa thuận về việc gia hạn khoản nợ đáo hạn.
Còn trước đó, cuộc khủng hoảng ngân hàng của Bulgaria đã khiến không ít nhà đầu tư vào “xứ hoa hồng” này phải thót tim. Chưa có kết luận chính xác về thông tin đổ vỡ ngân hàng của Bulgaria, nhưng làn sóng hoang mang trong dư luận đã “hối thúc” người dân đổ đi rút tiền. Hậu quả là 2 NHTM lớn ở Bulgaria gồm Corporate Commercial Bank (KTB) và First Investment Bank (FIB) bị sụp đổ chỉ sau một tuần.
KTB và FIB từng được đánh giá là ngân hàng lớn thứ 3 và thứ 4 ở Bulgaria, xét theo tài sản. Trong đó, KTB có tài khoản của hầu hết các bộ và DNNN. Ngân hàng này cũng có cổ phần tại một số tờ báo và 2 đài truyền hình kiểm soát bởi Delyan Peevski - người gửi tiền lớn nhất tại KTB, cũng như cổ phần ở nhà máy thuốc lá và công ty viễn thông lớn nhất Bulgaria.
Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 17 năm qua đã buộc Chính phủ Bulgaria phải mở rộng gói tín dụng trị giá 2,3 tỷ USD dành cho KTB và FIB để ổn định tình hình. Sau đó, 2 ngân hàng này đã mở cửa giao dịch trở lại từ ngày 21/7. Song theo giới quan sát, niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng nước này chưa thực sự phục hồi.
Có thể thấy, kinh tế toàn cầu suy giảm đang khiến ngành tài chính một số nước có nền tảng tốt cũng phải đối mặt với rất nhiều biến cố. Sự lung lay của hệ thống tài chính đang kéo theo nhiều hệ lụy. Đầu tiên, cuộc khủng hoảng ngân hàng vừa qua khiến các nhà đầu tư nước ngoài và cộng đồng kinh doanh đa quốc gia thêm lo lắng về sự ổn định của nền kinh tế này.
Niềm tin đối với khả năng giám sát hệ thống tài chính đất nước của Ngân hàng Trung ương Agentina hay Bulgaria đang bị lung lay dữ dội. Bên cạnh đó, những bất ổn về chính trị cũng là nguy cơ kìm hãm quá trình cải cách của những đất nước này.
Vừa qua, Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev cho biết sẽ giải tán Quốc hội vào ngày 25/7 và tổ chức cuộc bầu cử sớm ngày 5/10. Song, theo các nhà quan sát, chưa chắc giải pháp này có thể dẹp yên sóng gió trên chính trường. Vì vậy, cho dù với nguyên nhân nào thì cuộc khủng hoảng bất ngờ của KTB và FIB đã làm lộ thêm nhiều mắt xích yếu trong nền kinh tế mong manh của “xứ hoa hồng”. Trên thị trường chứng khoán, các ngân hàng nêu trên đã từng phải chứng kiến giá cổ phiếu của mình sụt giảm kỷ lục đến 30% chỉ trong một phiên giao dịch.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phải nói rằng, đây là thách thức lớn nhất đối với ECB trong lịch sử 10 năm qua. Trong những ngày qua, bằng mọi hình thức, tự hành động, phối hợp các ngân hàng trung ương khác hoặc thông qua các thủ tục khác nhau, ECB đã phải cắt giảm lãi suất xuống âm 0,1% và đổ rất nhiều tiền từ nguồn dự trữ của mình để duy trì được khả năng thanh toán tín dụng, giữ cho thị trường thanh khoản không rơi xuống đáy.
Các chuyên gia tài chính châu Âu cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng tài chính đã đi vào một giai đoạn mới và điều cần thiết là phải kiềm chế được cuộc khủng hoảng càng sớm càng tốt, trước khi nó bước vào giai đoạn nguy hiểm, khi người tiêu dùng bắt đầu rút tiền của họ, bất chấp các ngân hàng đang hoạt động tốt.
Bất ổn gia tăng với ngành tài chính của nhiều nước thế giới hiện nay là bài học đắt giá cho hệ thống tài chính của những nước đang phát triển. Theo một số chuyên gia, sự đổ vỡ có thể xảy đến với bất kỳ hệ thống tài chính nào và bất kỳ nước nào. Do đó, đây là lúc các quốc gia phải có sự cải thiện môi trường kinh doanh và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mạnh mẽ nhất.
Lâm Anh
thời báo ngân hàng
|