Fed cắt QE3 bớt 10 tỷ USD lần thứ 6 liên tiếp khi kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng trong quý 2
Đà phục hồi mạnh của nền kinh tế trong quý 2 đã không thay đổi quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và cơ quan này tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng sau khi kết thúc cuộc họp 2 ngày vào ngày thứ Tư.
* Khi Fed tăng lãi suất
* Chủ tịch Fed: Có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản sớm hơn dự kiến
Chủ tịch Janet Yellen cho biết QE3 có thể kết thúc vào tháng 10 tới.
|
Theo đó, dù Fed bỏ phiếu nhất trí cắt giảm chương trình mua trái phiếu thứ 3 (QE3) bớt 10 tỷ USD nhưng giữ nguyên mục tiêu lãi suất ngắn hạn gần mức 0% và thể hiện sự phấn khích vừa phải về đà tăng trưởng. Fed cũng thông qua việc tiếp tục tái đầu tư khoản lợi nhuận có được từ số trái phiếu đáo hạn khi bảng cân đối của ngân hàng trung ương đã phình lên sát mức 4.5 ngàn tỷ USD.
Như vậy, quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng của Fed hiện còn 25 tỷ USD sau 6 lần cắt giảm liên tiếp tại các cuộc họp Fed với tốc độ 10 tỷ USD/lần. Chủ tịch Janet Yellen cho biết chương trình này có thể kết thúc vào tháng 10 tới.
Fed nhận định bức tranh kinh tế Mỹ đang ngày càng khả quan hơn và rủi ro giảm phát đã biến mất, nhưng lại không phát đi bất kỳ tín hiệu nào về việc nâng lãi suất sớm hơn dự kiến trước đó là vào mùa hè tới.
Nhắc lại quan điểm trước đây, Fed cho biết sẽ nâng lãi suất sau khi QE3 kết thúc được “một thời gian dài”. Quyết định này một lần nữa vấp phải sự phản đối của ông Charles Plosser, Chủ tịch Fed Khu vực Philadelphia và là thành viên ủng hộ chính sách thắt chặt tiền tệ của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Thường thì các thành viên ủng hộ chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed mong muốn ngân hàng trung ương bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Chứng khoán Mỹ chuyển sang sắc xanh sau thông báo của FOMC với hai luồng quan điểm trái chiều về việc nới lỏng và thắt chặt tiền tệ.
Ở khía cạnh ủng hộ nới lỏng tiền tệ, thông báo cho biết các điều kiện của thị trường lao động đã cải thiện nhưng “nhiều chỉ báo của thị trường này cho thấy tài nguyên lao động vẫn chưa được sử dụng đúng mức gần với mục tiêu dài hạn của FOMC”.
Trong một tín hiệu ủng hộ chính sách nới lỏng tiền tệ khác, thông báo của Fed không trích lại nhận định của Chủ tịch Yellen tại phiên điều trần trước Quốc hội về việc lãi suất có thể tăng nhanh hơn nếu thị trường lao động tiếp tục cải thiện mạnh hơn so với kỳ vọng của Fed.
Ở khía cạnh ủng hộ thắt chặt tiền tệ, ngân hàng trung ương cảnh báo về tình trạng lạm phát thấp khi cho rằng “khả năng lạm phát duy trì dưới ngưỡng 2% trong một thời gian dài đã phần nào suy giảm”. Theo nhận định của Fed, lạm phát “đã dịch chuyển về sát mục tiêu dài hạn của ngân hàng trung ương”.
Điều mà các thị trường quan tâm là những gì sẽ xảy ra sau khi chương trình mua trái phiếu của Fed kết thúc và số liệu GDP khả quan đã làm dấy lên lo sợ về khả năng Fed nâng lãi suất sớm hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, các tín hiệu cho đến nay cho thấy các quan chức Fed sẽ chưa nâng lãi suất cho đến mùa hè tới.
Trước đó trong ngày, Bộ Thương mại Mỹ công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2/2014 tăng trưởng mạnh 4% so cùng kỳ năm ngoái, trái với mức lao dốc 2.1% trong 3 tháng đầu năm. Quan trọng hơn, báo cáo của Bộ Thương mại còn cho thấy chi tiêu tiêu thụ cá nhân – một trong những yếu tố đo lường lạm phát quan trọng của Fed – tăng 2.5%.
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý của Mỹ từ năm 2011 đến nay - Nguồn: CNN Money
|
Phước Phạm (Theo CNBC, CNN Money, Marketwatch)
|