Đàm phán thất bại, Argentina vỡ nợ lần thứ 2 trong 13 năm
Theo dự báo, tác động của lần vỡ nợ này đối với nền kinh tế Argentina sẽ không giống như lần vỡ nợ năm 2001 khi hàng chục người bị giết chết trong các cuộc biểu tình đường phố và các nhà chức trách phải đóng băng tài khoản của người gửi tiền để ngăn chặn tình trạng rút vốn ồ ạt khỏi các ngân hàng.
* Standard & Poor's tuyên bố Argentina vỡ nợ một phần
* Argentina đứng bên bờ vực vỡ nợ
* Argentina cận kề vỡ nợ, IMF xem xét cải tiến tái cơ cấu nợ quốc gia
Argentina vừa vỡ nợ lần thứ hai trong 13 năm sau khi các cuộc đàm phán vào phút chót tại New York với một nhóm chủ nợ bị thất bại vào ngày thứ Năm.
Các nhà đầu tư được xem là các “quỹ kền kền” này đã yêu cầu Argentina thanh toán đủ 1.3 tỷ USD cho số trái phiếu mà họ đang nắm giữ.
Tuy nhiên, Argentina cho biết không thể đáp ứng được yêu cầu này và đã tố cáo các “quỹ kền kền” về việc lợi dụng vấn đề nợ nần của nước này để thu lãi lớn.
Một tòa án của Mỹ đã đặt ra thời hạn chót vào lúc 4h giờ GMT (tức 11h theo giờ Việt Nam) ngày thứ Năm để hai bên đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên cho đến khuya ngày thứ Tư, Bộ trưởng Kinh tế Argentina – Axel Kicillof – cho biết nhà đầu tư đã từ chối đề nghị mới nhất của Chính phủ. Phát biểu tại cuộc họp báo ở New York, ông Kicillof cho biết Argentina không làm gì bất hợp pháp.
Hôm thứ Tư (30/07), Standard & Poor’s (S&P) đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Argentina xuống mức “vỡ nợ một phần”. Động thái của S&P có thể gia tăng chi phí vay mượn của Argentina cũng như gia tăng sức ép lên nền kinh tế vốn đã yếu kém của nước này.
S&P cho biết có thể điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm của Argentina nếu nước này tìm được cách để thanh toán nợ nần. Được biết, cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát từ lần vỡ nợ vào năm 2001 của Argentina.
Phước Phạm (Theo BBC)
|