Dân có quyền biết tài sản của quan chức
Cần một cơ chế đặc biệt cho phép kiểm tra đột xuất nếu phát hiện cán bộ có dấu hiệu thu nhập bất thường.
Liên quan đến sự vụ một số cán bộ lãnh đạo bị mất trộm tiền tỉ gây ra hồ nghi trong dư luận về nguồn gốc số tiền, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều lãnh đạo từng và đang làm công tác kiểm tra, phòng chống tham nhũng (PCTN) đề xuất cần phải công khai bản kê khai tài sản rộng rãi cho người dân biết để giải các mối nghi ngờ, nếu nhận thấy có dấu hiệu bất minh. Thậm chí, các lãnh đạo cấp cao phải công khai tài sản của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phải có cơ quan giám sát độc lập tài sản cán bộ
Chia sẻ quan điểm cá nhân, một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho hay: “Do thực tế hiện nay, theo quy định thì việc công khai tài sản của cán bộ chủ chốt chỉ có hai hình thức công khai: dán thông báo tại cơ quan đó về tài sản của cán bộ hoặc họp thông báo toàn cơ quan đó biết. Tuy nhiên, việc công khai này không phải nơi nào cũng thực hiện đầy đủ. Như vậy cần phải có cơ chế yêu cầu việc kê khai tài sản phải đi kèm với việc công khai rộng rãi chứ không chỉ công khai nội bộ. Việc công khai cần đi kèm giải trình cụ thể nguồn gốc tài sản. Đồng thời, phải có một cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập tài sản của cán bộ thì mới kịp thời phát hiện những tài sản bất thường của cán bộ”.
Nói về việc kê khai tài sản, một lãnh đạo UBND TP.HCM cũng nhìn nhận: “Với cách kê khai hiện nay, thực sự mà nói rất khó để chứng minh cán bộ thu nhập nguồn tiền đó từ đâu. Vì cán bộ chỉ ghi vào bản kê khai, rồi họp thông báo nội bộ, thế là xong việc kê khai. Trong khi đó ai, cơ quan nào hậu kiểm việc kê khai đó có chính xác không? Biết đâu tài sản có 10 nhưng chỉ kê khai một thì cũng khó mà nói được. Vì không phải ai cũng kê khai đúng!”.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề trên, vị lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cũng cho biết cần điều chỉnh các quy định về kê khai, công khai tài sản một cách cụ thể. Chẳng hạn, có một cơ chế đặc biệt để nếu phát hiện cán bộ có dấu hiệu thu nhập bất thường thì cơ quan thẩm quyền nào được quyền kiểm tra đột xuất hoặc áp dụng biện pháp nghiệp vụ. “Việc phát hiện, ngăn chặn sớm hành vi tham nhũng trong công tác của cán bộ càng sớm càng hiệu quả, trong đó thông qua việc kê khai tài sản minh bạch sẽ sớm phát hiện những biểu hiện vi phạm” - vị này chia sẻ.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng: “Cần phải có một cơ chế đặc biệt để kiểm tra thường xuyên tài sản của cán bộ, nhất là cấp lãnh đạo cơ quan đó. Và khi có dư luận về cán bộ, về việc cán bộ kê khai tài sản gian dối, giàu bất minh thì cơ quan thanh, kiểm tra vào cuộc xử lý ngay”.
Lãnh đạo cần công khai tài sản rộng rãi
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương, cho rằng: “Lãnh đạo càng cao thì càng phải kê khai tài sản một cách minh bạch và công khai rộng rãi trên công luận. Ở các nước như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore… lãnh đạo đều phải công khai tài sản trên báo chí từ trước khi nhậm chức, trong lúc đương chức, mãn nhiệm”. Theo ông Hùng, việc công khai bản kê khai phải bắt đầu từ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước rồi tới lãnh đạo tỉnh, các sở ngành… và đã công khai thì phải công khai trên báo chí để nhân dân biết rộng rãi chứ như hiện nay chỉ công khai trong nội bộ cơ quan là chưa ổn, chưa đảm bảo tính minh bạch. Ông Hùng cho rằng người dân có quyền được biết tài sản của vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh, bộ, ngành, trung ương bao nhiêu, thu nhập từ đâu và cần công khai đến mức như vậy thì người dân mới giám sát được.
“Trên thực tế, tài sản của lãnh đạo cấp cao trong nội bộ còn chưa biết thì làm sao mà nhân dân biết được. Thực tế là hiếm có cơ quan nào đi thẩm tra việc kê khai của các vị lãnh đạo. Người dân không hiểu vì sao ngày càng có nhiều cán bộ giàu lên rất nhanh mà không hiểu họ làm giàu bằng cách nào” - ông Hùng nói. Vì vậy theo ông Hùng, khi vị này vị kia bỗng dưng giàu lên bất thường thì cơ quan có thẩm quyền cần yêu cầu giải trình, làm rõ nguồn gốc.
Giám sát thường xuyên việc kê khai tài sản
Việc một số cán bộ giàu lên cần phải nhìn toàn diện, có thể cán bộ đó có thu nhập khác từ việc kinh doanh của người trong gia đình hay tài sản riêng của con cái góp lại xây dựng nhà cho cha mẹ. Việc kê khai tài sản là cần thiết và cần phải được giám sát, kiểm tra thường xuyên để đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống những dấu hiệu vi phạm của cán bộ.
Ông Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
Cán bộ giàu từ kinh doanh cũng phải công khai
Việc kê khai tài sản thời gian qua chưa hiệu quả, hình thức, khó giám sát. Nếu vị cán bộ đó có kinh doanh gì, thu nhập ra sao thì cũng cần phải công khai. Nếu họ giàu lên từ kinh doanh, từ thu nhập khác chính đáng của gia đình thì đáng quý. Nhưng nếu cả nhà đều làm công chức mà giàu lên bất thường thì cấp thẩm quyền cần phải làm rõ.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương
|
Nguyễn Đức
pháp luật tphcm
|