Thứ Tư, 13/08/2014 23:21

HUD nói không “chây ì” trong việc lập ban quản trị chung cư

Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 13/8 tại Hà Nội xoay quanh việc thành lập Ban quản trị tại các chung cư do HUD làm chủ đầu tư, ông Cầm Anh Tuấn - Chánh văn phòng Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) khẳng định HUD không “chây ì” trong việc lập ban quản trị chung cư.

Các chung cư tại khu đô thị Mỹ Đình 2 do HUD làm chủ đầu tư. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ông Tuấn cho biết HUD đã đầu tư xây dựng và đang vận hành 126 tòa nhà chung cư trên toàn quốc, có tới 123 tòa nhà tại Hà Nội. Theo kế hoạch, HUD sẽ thành lập 38 ban quản trị tại các tòa nhà này. Đến thời điểm này, HUD đã hoàn tất việc lập 17 ban quản trị và số còn lại dự kiến thực hiện xong trong năm 2014.

Việc chậm trễ hình thành các ban quản trị chung cư cũng là một thực tế chung đang diễn ra tại Hà Nội với con số lên tới 80%. Tuy nhiên, trước thông tin cho rằng HUD chưa sẵn sàng và chưa tạo điều kiện thuận lợi để thành lập các ban quản trị chung cư, ông Tuấn khẳng định HUD không “chây ì” trong việc lập ban quản trị chung cư mà có nhiều nguyên nhân cần phải xem xét và đều liên quan đến các yếu tố như bàn giao hồ sơ, nguồn kinh phí bảo trì 2%, quyền sở hữu phần diện tích chung...

Tại các hợp đồng mua bán nhà ở giữa HUD với khách hàng cũng đã xác định quyền sở hữu diện tích kiốt và siêu thị là của chủ đầu tư, không thuộc diện tích sử dụng chung của tòa nhà. Nội dung này cũng được ghi nhận tại các văn bản pháp lý như Quyết định số 567/QĐ-BXD (13/4/2007) của Bộ Xây dựng; Kết luận số 78/KL-TTr (26/3/2014) của Thanh tra Bộ Xây dựng; Phán quyết tại bản án sơ thẩm số 03/2014/KDTM-ST (10/4/2014) của Tòa án Nhân dân quận Hoàng Mai.

Theo quy định, khi thành lập ban quản trị thì đây sẽ đơn vị được nắm giữ kinh phí bảo trì 2% của tòa nhà và quyết định việc lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này cũng đang còn nhiều tranh cãi. Phía HUD viện dẫn giai đoạn trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực (1/7/2006), trong hợp đồng mua bán đã ký với khách hàng không quy định giá bán bao gồm kinh phí bảo trì công trình và kể từ khi hợp đồng mua bán căn hộ được ký kết đến thời điểm tháng 8/2014 tổng công ty chưa thực hiện thu tiền bảo trì của khách hàng.

Thời điểm đó, mặc dù trong hợp đồng, quy định của nhà nước không yêu cầu có 2% phí bảo trì nhưng để đảm bảo thuận lợi trong việc vận hành các tòa nhà cũng như lợi ích của khách hàng, HUD vẫn trích lập một khoản chi phí để phục vụ công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Vì vậy, đối với các chung cư kinh doanh trước thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì HUD không có trách nhiệm bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị mà sẽ nhập trả về tổng công ty.

Tuy nhiên, sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực và Nghị định 90/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở có nội dung quy định về kinh phí bảo trì 2% thì tại những dự án có hợp đồng mua bán trong thời điểm Luật có hiệu lực (sau 1/7/2006) tổng công ty sẽ thực hiện trích đúng theo quy định và bàn giao cho ban quản trị, kể cả các hợp đồng ký sau năm 2006 nhưng không ghi quy định giá bán có bao gồm 2% phí bảo trì. Trên thực tế, trong quá trình các nhà chung cư này đi vào sử dụng, HUD đã phải sử dụng nguồn kinh phí bảo trì để đảm bảo hoạt động của tòa nhà (bảo trì thang máy, phần sở hữu chung...). Vì vậy, HUD đang thống kê quỹ bảo trì còn lại để tiến hành bàn giao cho các Ban quản trị theo quy định.

Tham gia phát triển các khu đô thị mới từ năm 1994, ngay sau khi các tòa nhà hoàn thiện và đi vào hoạt động, HUD đã chủ động thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS) để quản lý, vận hành, cung cấp các dịch vụ liên quan cho tòa nhà. Mức giá dịch vụ bình quân tại các chung cư do HUDS quản lý và cung cấp khoảng hơn 2.000 đồng/m2. Đây là mức giá được đánh giá là phù hợp với chất lượng phục vụ duy trì ổn định, tốt. HUD đã giảm thiểu chi phí bằng cách bàn giao cho các đơn vị sở tại cùng quản lý, nhất là phần hạ tầng kỹ thuật chứ không khép kín như một vài dự án khu đô thị khác. Mặt khác, HUD cũng không tính lợi nhuận định mức và chi phí quản trị vào giá dịch vụ.

Khu X2 Linh Đàm đã được HUD bàn giao lại cho ban quản trị để tự tìm đơn vị cung cấp dịch vụ nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được đơn giá. Ngoài ra, hai ban quản trị khác đang dự kiến thành lập tại Khu đô thị Pháp Vân cũng đang đề nghị “giãn” thời gian chính thức ra mắt với e ngại chất lượng quản lý chưa chắc đã tốt hơn của HUDS với cùng mức phí dịch vụ tương đương.

Theo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, việc thành lập ban quản trị chung cư cần được cân nhắc kỹ. Trên thực tế đã có trường hợp ban quản trị do dân lập ra nhưng không nắm chắc các quy định pháp lý liên quan, thậm chí có tài khoản nhưng lại không có con dấu dẫn đến thất thoát nguồn kinh phí được giao nắm giữ phục vụ hoạt động cũng như công tác bảo trì, bảo dưỡng của tòa nhà./.

Thu Hằng

vietnam+

Các tin tức khác

>   "Cải tạo chung cư cũ là trách nhiệm của nhà nước và dân" (13/08/2014)

>   Làm luật cần dân chủ và minh bạch (13/08/2014)

>   Người Việt đủ 21 tuổi có thể được vào casino (12/08/2014)

>   WHO đánh giá nguy cơ lây nhiễm Ebola ở Việt Nam rất thấp (12/08/2014)

>   Công ty vàng nợ thuế: Cục thuế cưỡng chế, chính quyền can thiệp (12/08/2014)

>   Hầm bộ hành ở Hà Nội: Kém hiệu quả, “chôn” tiền tỷ dưới lòng đất (12/08/2014)

>   Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc công ty kinh doanh thiết bị y tế (12/08/2014)

>   Trung Quốc trợ cấp cho ngư dân xuống đánh bắt phi pháp ở Hoàng Sa, Trường Sa (11/08/2014)

>   Thủy điện nợ 18 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (11/08/2014)

>   Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP bị mất 1,6 tỷ đồng (11/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật