Công ty vàng nợ thuế: Cục thuế cưỡng chế, chính quyền can thiệp
Hai lần Cục Thuế Quảng Nam quyết định cưỡng chế thuế với hai công ty con của Besra VN (Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH khai thác vàng Phước Sơn) thì hai lần chính quyền tỉnh Quảng Nam can thiệp.
* Xông vào phòng họp báo đòi nợ chủ công ty vàng
* "Ông chủ" mỏ vàng tố cáo hàng loạt tờ báo Việt Nam
* Đào mỏ vàng cũng kêu lỗ: Không làm được thì giải thể!
Và hệ lụy này là hàng trăm tỉ đồng tiền thuế từ việc khai thác vàng đứng trước nguy cơ thất thu.
Nợ thuế của Công ty khai thác vàng Bồng Miêu
|
Công văn cấp trên thì phải thi hành
Theo tài liệu từ Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, ngày 7-12-2012, Công ty TNHH khai thác vàng Phước Sơn đã bắt đầu xuất hiện nợ. Theo Luật quản lý thuế, nếu số nợ phát sinh quá 90 ngày, bắt đầu từ ngày 91 thì phải cưỡng chế để thu hồi nợ thuế.
Số nợ được Cục Thuế Quảng Nam ghi sổ đến ngày 31-12-2012 của Công ty TNHH khai thác vàng Phước Sơn là 101,7 tỉ đồng. Đến tháng 5-2013 lên 102 tỉ và đến cuối năm 2013 là 152 tỉ đồng. Đến tháng 4-2014 con số này vọt lên 177 tỉ và đến tháng 7-2014 là 231 tỉ.
Trong khi đó, một công ty khác của Besra VN là Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu cũng lâm vào cảnh tương tự.
Tháng 3-2013, số nợ thuộc diện phải cưỡng chế (tức quá 90 ngày) là 19,2 tỉ đồng. Đến cuối năm 2013 là 30,9 tỉ đồng, đến tháng 6-2014 số nợ lên đến 47 tỉ đồng.
Ngoài ra còn một khoản mà Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu phải nộp thay cho nhà thầu nước ngoài là 23,6 tỉ đồng. Tổng cộng các khoản phải nộp của doanh nghiệp này là 62 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi Cục Thuế Quảng Nam ra quyết định cưỡng chế thu hồi nợ thuế bằng cách phong tỏa hóa đơn lần 1 vào tháng 9-2013 thì ngay lập tức, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn gửi đến Cục Thuế Quảng Nam.
Nợ thuế của Công ty khai thác vàng Phước Sơn
|
Ông Lê Đình Đường, phó cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, cho rằng việc UBND tỉnh có công văn thì cục thuế phải chấp hành. Và cục thuế đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại bằng cách tháo gỡ việc cưỡng chế.
“Rõ ràng về quản lý nhà nước thì công văn của cấp trên phải thi hành nhưng áp lực của chúng tôi là không ít. Chúng tôi nhìn nhiều mặt, thứ nhất là doanh nghiệp nước ngoài, sử dụng nhiều người lao động miền núi, vấn đề an ninh xã hội, giáp tết... và đặc biệt là công ty cũng có làm việc với Bộ Tài chính” - ông Đường nói.
Ông Đường cho biết thêm sau một thời gian tạo điều kiện cho hai công ty này hoạt động, tình hình nợ không được thanh toán mà ngày càng tăng. Đến tháng 4-2014, Cục Thuế Quảng Nam đã quyết định cưỡng chế lần 2 để thu nợ thuế.
Cũng như lần trước, UBND tỉnh Quảng Nam cũng có công văn đề nghị cục thuế: “Kiểm tra hồ sơ xem xét, xử lý nếu hai công ty có cam kết bằng văn bản nộp dần nợ thuế thì xem xét giãn nợ thuế trong thời gian tối đa là 24 tháng và tạm dừng việc cưỡng chế thu nợ thuế”.
Chính quyền Quảng Nam: không lo lắng!
Ông Đường cho rằng khả năng gỡ bỏ việc cưỡng chế không thể được bởi cục thuế đã tạo điều kiện ưu ái cho doanh nghiệp quá nhiều. Trong khi đó, chính quyền hai huyện Phước Sơn và Phú Ninh, nơi hai nhà máy vàng của hai công ty này đặt trụ sở, phải rơi vào cảnh “cháy túi”.
Lần đầu tiên chính quyền huyện Phước Sơn phải thay đổi kế hoạch chi tiêu ngân sách vì không thu được thuế ở doanh nghiệp đóng trên địa bàn và không có tiền để chi. “Dự toán ngân sách hai huyện bị vỡ. Hàng loạt mục đích, nhiệm vụ không thực hiện được. Trách nhiệm cơ quan thuế chúng tôi phải chịu” - ông Đường nói.
Để nợ kéo dài đến ngày nay và hệ lụy như vậy trách nhiệm của Cục Thuế Quảng Nam như thế nào? Ông Đường cho rằng: “Về chuyên môn thì thuộc về ngành thuế, nhưng mọi việc đều đã được báo cáo một cách cụ thể và chi tiết với các cơ quan cấp trên có liên quan”.
Áp lực về thu thuế không dừng lại ở đó, ông Đường cho hay nhân dân khối phố 4, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn có hẳn một lá đơn gửi đến Tổng cục Thuế yêu cầu giải thích tại sao không thu thuế để các khoản nợ kéo dài. Và ngay lập tức Tổng cục Thuế có văn bản gửi Cục Thuế Quảng Nam đôn đốc việc thu thuế này.
Một vấn đề nan giải khác mà Cục Thuế Quảng Nam đang đối mặt là không biết số tài sản của doanh nghiệp này còn bao nhiêu. “Họ báo cáo tài chính kết thúc vào tháng 6 hằng năm. Ngày 1-7 thì bắt đầu cho năm tài chính mới. Đến thời điểm này, chúng tôi không biết tài sản họ còn cái gì, cái nào cầm cố, cái nào thế chấp?” - ông Đường lo lắng.
Trong khi đó, nói về việc nợ nần thuế của hai công ty này, chính quyền tỉnh Quảng Nam rất tự tin. Ông Đinh Văn Thu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng quan điểm của tỉnh là tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Và thực tế nhiều doanh nghiệp sau khi tạo điều kiện cho hoạt động trở lại, bình ổn thì chính quyền đã thu được nợ thuế. “Vấn đề ở đây là phương án trả nợ của Besra VN và Cục Thuế tỉnh Quảng Nam chưa đồng nhất. Mọi việc phải chờ ý kiến của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế để xử lý” - ông Thu nói.
Trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì các khoản nợ trong dân, doanh nghiệp nhỏ và nợ thuế mà công ty này để lại chính quyền xử lý như thế nào? Ông Thu cho rằng: “Riêng tài liệu khoan thăm dò địa chất của Besra VN đã không dưới 20 triệu USD. Chưa kể nhiều tài sản khác, thậm chí nhiều đơn vị sẵn sàng kế tục việc này nên điều đó không lo lắng” - ông Thu nói.
Tấn Vũ
tuổi trẻ
|