Thứ Hai, 11/08/2014 07:01

Đàm phán TPP: Đừng để lặp lại vết xe đổ

Với quá nhiều vấn đề phức tạp, TPP khó mà kết thúc được trong năm nay.

Không thể phủ nhận việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã mang lại động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam. Biểu hiện rõ nhất là giá trị xuất nhập khẩu tăng đều qua các năm và Việt Nam đã nổi lên là một trong những điểm đến mới của dòng vốn đầu tư quốc tế.

Tuy vậy, những hạn chế về năng lực quản lý vĩ mô đã phần nào khiến giấc mơ thịnh vượng nhờ WTO chưa thể mang lại quả ngọt như mong muốn. Và hiện nay, trước ngưỡng cửa gia nhập một hiệp định lớn khác là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), WTO chính là chiếc gương để Việt Nam có thể nhìn vào đó mà tự soi xét: liệu ngày mai sẽ sáng sủa hơn?

TPP là một hiệp định rất phức tạp, dù hiện chỉ có 12 quốc gia tham gia đàm phán. Đáng chú ý, có một số nội dung quan trọng lại không được đề cập đến trong các vòng đàm phán vừa qua. Trong đó, có một nội dung là liệu các quốc gia có bị ràng buộc về khả năng sử dụng các công cụ tiền tệ và tài khóa để mang lại lợi thế cạnh tranh cho mình.

Vấn đề nhạy cảm này không phải do những người ngoài cuộc nêu ra mà chính người trong cuộc đã bộc lộ. Sau khi kết thúc vòng đám phán TPP mới đây tại Ottawa (Canada), ông Koji Tsuruoka, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật, đã đặt ra một câu hỏi: “Tại sao các chính sách tiền tệ và tài khoá không được đàm phán trong Hiệp định? Có phải là bởi vì đã có một liên minh giữa các nhà làm luật trong lĩnh vực tài chính và họ không muốn bất kỳ ai can thiệp vào thế giới riêng của mình?”.

Lời bộc bạch của ông Tsuruoka đã gợi nhắc đến một vấn đề kinh điển: nếu không cẩn thận, những nước nhỏ với năng lực quản lý yếu hơn như Việt Nam có thể sẽ rơi vào một ván bài đầy những xảo thuật của các tay chơi dày dạn kinh nghiệm hơn.

Thực vậy, một khi hàng rào thuế quan không còn nữa, việc một quốc gia sử dụng chính sách tỉ giá hay điều khiển lãi suất cho vay theo hướng có lợi cho mình có thể trở thành nhân tố sống còn, quyết định khả năng cạnh tranh của quốc gia đó trong các hiệp định thương mại quốc tế.

Lấy ví dụ, gói nới lỏng định lượng của Mỹ trước đó hay chính sách kích thích kinh tế của Nhật gần đây chắc chắn đã giúp doanh nghiệp các quốc gia này có lợi thế nhiều hơn so với các đối thủ cạnh tranh về phương diện chi phí vốn. Còn chính sách duy trì đồng nhân dân tệ yếu của Trung Quốc luôn bị các đối tác phàn nàn là đã mang lại lợi thế xuất khẩu to lớn cho nước này.

Rõ ràng, trong những cuộc chơi tương tự mà dễ thấy nhất là cuộc chơi WTO, Việt Nam vẫn còn cho thấy một số hạn chế về kỹ năng sử dụng các công cụ này. Chính sách tỉ giá của Việt Nam vẫn kém linh hoạt so với diễn biến thực tế và tiền đồng vẫn đang được định giá cao hơn so với giá trị thực. Điều đó đã góp phần hạn chế khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam và đặc biệt là dẫn đến thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, dù lãi suất đã giảm nhiều so với cách đây 3 năm, nhưng nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải gánh trên vai chi phí lãi vay cao hơn so với các doanh nghiệp trong khu vực, khiến giá cả hàng hóa Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn.

Đó còn là vấn đề bản quyền. Chẳng hạn như bản quyền về thuốc khi Mỹ muốn kéo dài thêm thời gian duy trì bản quyền bằng sáng chế trước khi cho phép các quốc gia khác sản xuất lại.

Ngoài ra, một điều thấy rõ là nhiều quốc gia phát triển đều có thừa kỹ năng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để lập nên các hàng rào phi thuế quan mới, điều mà Việt Nam vẫn còn dò dẫm học hỏi.

Vì thế, những bài học đúc kết từ WTO cần phải được nghiền ngẫm lại trước khi Việt Nam đặt bút ký vào những hiệp định thương mại sắp tới như TPP hay Hiệp định Thương mại tự do giữa châu Âu - Việt Nam, nếu không hậu quả sẽ khó lường. Trong đó, một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ là điều hành chính sách tỉ giá làm sao cho có thể đối phó được với những cú sốc từ bên ngoài trong tương lai.

“Việc định giá thấp tỉ giá VND/USD thiếu gắn kết với thông điệp và các chính sách khác về ổn định vĩ mô đã góp phần làm tăng lạm phát. Kết quả là không những không giúp tăng xuất khẩu, mà còn dẫn đến nhập khẩu lạm phát. Điều quan trọng đối với chính sách tỉ giá là vừa đảm bảo khả năng cạnh tranh của xuất khẩu, đồng thời tạo không gian để điều hành linh hoạt hơn chính sách tiền tệ”, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, nói về một trong những bài học đáng giá nhất hậu WTO.

Quay trở lại với TPP, sau vòng đàm phán giữa các trưởng đoàn tại Canada chưa đạt được nhiều tiến triển, vòng đàm phán kế tiếp sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 1-10.9 tới. Nhưng với quá nhiều vấn đề phức tạp cũng như do bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, theo chuyên gia kinh tế Trinh Nguyen thuộc Ngân hàng HSBC, đàm phán TPP khó mà kết thúc được trong năm nay.

Còn ở Mỹ, giữa tháng 7 vừa qua, 23 nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa tiếp tục gửi tuyên bố rõ ràng đến người đại diện đàm phán thương mại Mỹ rằng họ sẽ không chấp nhận nội dung đàm phán của TPP trừ khi Quốc hội Mỹ đồng ý thành lập Cơ chế thúc đẩy thương mại (TPA), một cơ chế giúp đẩy nhanh tiến trình đàm phán TPP.

Được biết, hai trong số những quốc gia đàm phán căng thẳng nhất là Mỹ và Nhật, đặc biệt trong việc tiếp cận thị trường nông nghiệp của Nhật. Cuộc đàm phán song phương giữa hai quốc gia diễn ra vào đầu tháng 8 đã đạt được một số tiến bộ nhất định dù khoảng cách giữa hai bên vẫn còn lớn, theo đánh giá của đại sứ Nhật Hiroshi Oe.

Tại Việt Nam, tuy TPP được đánh giá sẽ mang lại những tác động tích cực đối với các sản phẩm có ưu thế xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản; nhưng một số quy tắc chặt chẽ trong TPP có thể khiến những tác động tích cực này bị vơi đi ít nhiều.

Lấy ví dụ, ngành dệt may vẫn đang đối mặt với quy tắc “từ sợi trở đi” có thể khiến việc hưởng lợi từ TPP của ngành dệt may không đáng kể (vì Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu từTrung Quốc). Và mới đây ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới nhận định rằng ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam cũng sẽ gặp thách thức lớn từ TPP.

Cụ thể hơn, theo ông Đức, TPP có quy định về hàm lượng giá trị khu vực. Sản phẩm phải đạt tỉ lệ nội địa hóa từ 55% tổng giá trị trở lên, tức doanh nghiệp chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ nước ngoài để sản xuất, kể cả chi phí gia công. Nhưng đây là điều mà cơ cấu sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của TPP. Chẳng hạn, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, trên 80% gỗ súc dùng để sản xuất sản phẩm gỗ của Việt Nam là phải nhập khẩu.

Để đối phó với thách thức này, theo đề xuất của ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ thuộc Bộ Công Thương, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và vùng nguyên liệu để làm căn cứ cho các doanh nghiệp có định hướng trong đầu tư phát triển.

Sơn Nguyên

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Nâng sức cạnh tranh của ngành mía đường (10/08/2014)

>   “Đèn xanh” cho kinh doanh tên miền (10/08/2014)

>   Cái giá của rủi ro (10/08/2014)

>   Công nghiệp sau gần 30 năm đổi mới (10/08/2014)

>   TP.Hồ Chí Minh: Siết chặt kinh doanh bán lẻ gas (10/08/2014)

>   Chuyển giá né thuế: Bịt chiêu này lòi chiêu khác (10/08/2014)

>   Vận tải biển “than” khó đủ bề (09/08/2014)

>   Được gì khi các tập đoàn công nghệ đầu tư vào Việt Nam? (09/08/2014)

>   Kiến nghị dừng nhập săm lốp ô tô đã qua sử dụng (09/08/2014)

>   Xuất khẩu tôm: Kỳ vọng cao (09/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật