Chủ Nhật, 10/08/2014 16:19

Cái giá của rủi ro

Điều mà nhiều người thắc mắc là tại sao Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) khi thua kiện nhà thầu Hàn Quốc SK E&C tại dự án Vân Phong, lại gửi đơn “kêu cứu” lên Thủ tướng, trong khi Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) là do hai bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp khi ký hợp đồng.

* Thủ tướng yêu cầu sớm xem xét vụ Vinalines thua kiện hơn 3 triệu USD

Không đề nghị Chính phủ can thiệp nội dung sự vụ

Trước hết xin được tóm tắt vụ việc này như sau: hồi đầu năm 2014, VIAC đã xử Vinalines thua kiện Công ty SK Engineering & Construction (Hàn Quốc), gọi tắt là SK E&C, và buộc Vinalines phải bồi thường cho SK E&C 65,2 tỉ đồng (chưa tính 781 triệu đồng phí trọng tài) do Vinalines vi phạm hợp đồng thi công xây dựng cầu tàu cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa).

Điều khúc mắc ở đây là sự bất nhất trong việc ra phán quyết của VIAC.

Vào tháng 1-2014, VIAC ra phán quyết buộc Vinalines phải bồi thường cho nhà thầu Hàn Quốc 47,9 tỉ đồng. Sau đó, ngày 26-2, VIAC lại có quyết định sửa chữa văn bản trên và nâng số tiền Vinalines phải bồi thường lên thành 65,2 tỉ đồng, bao gồm các khoản lãi phát sinh.

Không chấp thuận phán quyết này, Vinalines đã có đơn gửi Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu hủy phán quyết của VIAC. Tòa án Hà Nội đã thông báo thụ lý vụ việc ngày 7-3-2014. Tuy nhiên, đến nay vụ việc chưa được xét xử.

“Chúng tôi không gửi văn bản đề nghị Chính phủ can thiệp nội dung vụ việc mà chúng tôi chỉ muốn Chính phủ có ý kiến để vụ việc được Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử. Bởi sự chậm trễ của việc xét xử tại tòa sau năm tháng chúng tôi gửi đơn đang gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp”, một lãnh đạo Vinalines nói.

Ông nhấn mạnh, điều Vinalines cần bây giờ là một phiên xét xử tại tòa theo đúng luật, bất kể sau đó phán quyết cuối cùng của tòa thế nào thì doanh nghiệp phải theo. Bởi trong khi chờ xét xử, nhiều tàu của Vinalines đã bị tòa án Hàn Quốc ra trát bắt giữ, phải đóng tiền cọc hơn 70 tỉ đồng mới giải phóng được tàu.

Hợp đồng thi công gói thầu 6B1 thuộc dự án khởi động cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) được ký năm 2009 giữa Vinalines và nhà thầu Hàn Quốc. Xuất phát điểm của nó là việc Vinalines, dưới thời ông Dương Chí Dũng (đã bị kết án tử hình) làm Chủ tịch HĐTV, được Chính phủ chỉ định làm chủ đầu tư toàn bộ dự án này.

Tại thời điểm Chính phủ ra quyết định cho Vinalines làm chủ đầu tư dự án (2007), Vinalines vẫn làm ăn có lãi nhưng những người am hiểu ngành hàng hải đã dự báo rằng, việc đầu tư ồ ạt các cảng biển, nhất là các cảng quan trọng như Vân Phong trong điều kiện các cụm cảng lớn ở Đông Nam bộ còn chưa khai thác hết là chưa đúng thời điểm. Và cho dù đang có lãi nhưng việc đầu tư cảng quy mô như vậy là quá sức Vinalines.

Hai năm sau đó, khi kinh tế bắt đầu suy thoái, tín dụng thắt chặt, làm ăn thua lỗ, Vinalines vẫn gắng sức khởi công dự án. Thực tế, dự án chưa làm được gì (trừ gói thầu dang dở của nhà thầu SK E&C nói trên) đã bị bỏ đó vì thiếu vốn, thiếu hiệu quả. Đến tháng 9-2012, Chính phủ ra văn bản đồng ý việc dừng dự án này, chấm dứt vai trò chủ đầu tư của Vinalines, chuyển dự án về Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải).

Do toàn bộ dự án phải dừng nên chủ đầu tư và nhà thầu buộc phải thanh lý hợp đồng dang dở, quyết toán tại thời điểm thanh lý và đây là nguồn cơn dẫn đến vụ kiện của nhà thầu, đòi đủ giá trị vật tư đã chuyển về Việt Nam. Nó dẫn đến phán quyết của VIAC mà Vinalines thua kiện.

Chỉ phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Liên quan đến phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) trong vụ kiện Vinalines của nhà thầu Hàn Quốc SK E&C, bà Nguyễn Hải Chi, thành viên Hội đồng Khoa học pháp lý của VIAC, đã trả lời thêm một số câu hỏi của TBKTSG.

Vinalines đã kiện ra Tòa án Nhân dân Hà Nội để xin hủy phán quyết của VIAC và tòa cũng đã thụ lý vụ việc, nếu chỉ dừng ngang ở mức này người ta có thể hiểu rằng VIAC có sai trong quá trình tố tụng không?

- Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là quyền của các bên. Yêu cầu này không đồng nghĩa với việc phán quyết trọng tài có sai sót trong quá trình tố tụng. Luật Trọng tài quy định về cơ chế hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp các bên cho rằng Hội đồng Trọng tài đã tiến hành tố tụng trọng tài trái với thỏa thuận của các bên hoặc quy định của Luật này. Theo đó, tòa không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng Trọng tài đã giải quyết mà chỉ kiểm tra xem yêu cầu hủy có thuộc các căn cứ hủy phán quyết trọng tài quy định trong Luật Trọng tài hay không. Theo quy định của Hiến pháp, tòa án độc lập khi xem xét để hủy hay không hủy phán quyết trọng tài căn cứ vào qui định của pháp luật. Điều quan trọng là bên yêu cầu hủy phải chứng minh yêu cầu của mình thuộc các căn cứ hủy theo quy định pháp luật.

Nếu tòa mở phiên xét xử và tuyên hủy phán quyết của VIAC thì vụ việc sẽ diễn tiến tiếp như thế nào?

- Trong trường hợp phán quyết trọng tài bị tuyên hủy thì theo quy định tại điều 71 Luật Trọng tài, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại tòa án. Trường hợp phán quyết trọng tài không bị hủy thì sẽ được thi hành. Tuy nhiên, giả sử phán quyết trọng tài bị tuyên hủy tại Việt Nam thì vẫn có thể được công nhận và cho thi hành tại các quốc gia thành viên còn lại của Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài nếu tòa án tại quốc gia đó thấy rằng việc hủy phán quyết trọng tài thiếu căn cứ pháp luật.

Việc VIAC từ chối bình luận vào nội dung vụ việc khiến dư luận rất khó hiểu đúng bản chất vụ việc, thậm chí nghi ngờ có gì đó gì đó uẩn khúc từ trọng tài?

- Dư luận nếu có nghi ngờ và cho rằng có uẩn khúc thì cũng không phải là ngạc nhiên nếu như không nắm được quy định của pháp luật trọng tài vì trên thực tế, các trung tâm trọng tài không trực tiếp giải quyết vụ tranh chấp. Việc giải quyết tranh chấp được tiến hành bởi Hội đồng Trọng tài do các bên lựa chọn, thành lập. Theo quy định của Luật Trọng tài, trừ khi phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, VIAC và các trọng tài viên đều không được phép tiết lộ thông tin nào liên quan đến vụ tranh chấp.

Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài luôn sẵn sàng cung cấp những ý kiến giải trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.


Một bài học phải trả giá đắt

Điều đáng nói là nếu như hợp đồng kinh tế này bị hủy trong trường hợp bất khả kháng, nhưng không đến từ sự can thiệp của Chính phủ, thì mọi tranh chấp hợp đồng kinh tế sau đó dù kết quả thế nào cũng không cần bàn cãi.

Đằng này, tại thời điểm đó, rất nhiều dự án lớn buộc phải dừng theo Nghị quyết 11/2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nên Vinalines không thể muốn hay không muốn thực hiện dự án mà được.

Nói khác đi, nếu không có quyết định dừng dự án, kể cả nó bị “treo” vô thời hạn thì có thể cũng không dẫn đến vụ kiện này.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng, trong trường hợp Vinalines, thay vì gửi văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ việc được giải quyết tại tòa như đơn xin tuyên hủy phán quyết trọng tài, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đề nghị Chính phủ cùng tham gia giải quyết vụ việc với tư cách bên thứ ba, là bên ra quyết định chấm dứt vai trò của Vinalines tại dự án. Bởi nếu không, tương lai có thể còn nhiều doanh nghiệp trong nước được chỉ định là chủ đầu tư các dự án lớn, trong trường hợp bị dừng bất khả kháng theo kiểu này sẽ kéo theo những hệ lụy không mong muốn.

Còn trong vụ việc này, phía VIAC trả lời TBKTSG rằng, đã tính đến cả trường hợp bất khả kháng của Vinalines. Tuy nhiên, do nội dung xét xử theo quy định là giữ bí mật nên không rõ nội dung phán quyết của VIAC đã được xem xét trên cơ sở nào.

Mặt khác, sở dĩ doanh nghiệp không chấp thuận phán quyết của trọng tài và tiếp tục kiện ra Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội bởi sau lần ra phán quyết thứ nhất (1-2014), được xem là phán quyết chung thẩm, Vinalines phải đền đối tác 47,9 tỉ đồng. Gần một tháng sau, phán quyết này được sửa, nâng mức đền bù lên 65,2 tỉ đồng. Chênh lệch giữa hai lần điều chỉnh là 17,1 tỉ đồng.

Cho dù Luật Trọng tài cho phép sửa phán quyết của trọng tài từ lỗi chính tả đến số liệu nhưng mức sai số lớn đến vậy khiến người ta có quyền nghi ngờ về năng lực trọng tài và độ chính xác của phán quyết.

Lỗ hổng ở đây là Luật Trọng tài và nghị định hướng dẫn không quy định cho phép việc sửa chữa số liệu trong sai số ở mức độ nào mà chỉ quy định cho sửa do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.

Đó cũng có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến mức độ lựa chọn trọng tài kinh tế cho các tranh chấp hợp đồng ở Việt Nam chỉ chiếm 1% so với giải quyết tại tòa án, theo thống kê của Bộ Tư pháp. Và một số phán quyết của trọng tài đã bị tuyên hủy bởi tòa án sau đó.

Mặt khác, sự chậm trễ về thời gian của tòa Hà Nội khi thụ lý vụ này cũng là sai với quy định của Luật Trọng tài.

Bởi luật này yêu cầu trong thời hạn bảy ngày làm việc, Chánh án tòa án phải chỉ định một Hội đồng xét đơn và 30 ngày sau đó phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu hủy phán quyết rồi tiến hành các bước tiếp theo. Song đã năm tháng trôi qua, lá đơn của Vinalines vẫn không nhận được hồi đáp.

Đây là một bài học lớn cho doanh nghiệp nhà nước khi ồ ạt chạy theo các dự án lớn, vượt tầm kiểm soát, nhất là trong môi trường kinh doanh có nhiều rủi ro từ thực tế đến quy định như ở Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Tòa án Tối cao giải quyết kiến nghị của Vinalines

Hôm 31-7, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về các kiến nghị của Vinalines gửi tới Chính phủ trước đó. “Đề nghị đồng chí Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao theo thẩm quyền, sớm xem xét, giải quyết kiến nghị của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) theo quy định của pháp luật và thông báo Thủ tướng Chính phủ biết kết quả”, văn bản ghi như vậy.

Kiến nghị của Vinalines xuất phát từ việc, năm tháng trước đó, doanh nghiệp này có đơn gửi Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu tuyên hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 28/12 (ngày 25-2-2014) giữa Vinalines và nhà thầu SK E&C (Hàn Quốc) trong hợp đồng xây dựng dự án cảng Vân Phong (giai đoạn khởi động).

Quyết định của phán quyết này là Vinalines thua kiện nhà thầu, bị buộc bồi thường 65,2 tỉ đồng cho đối tác.

Tuy nhiên, Vinalines không chấp nhận và kiện ra tòa Hà Nội. Tòa đã thông báo thụ lý đơn kiện hôm 7-3-2014 nhưng đến nay vẫn chưa xét xử theo quy định (là phải mở phiên xét xử 90 ngày sau khi thụ lý đơn kiện). Trong thời gian này, Vinalines đã chịu nhiều thiệt hại do sự chậm trễ này (các tàu của Vinalines bị bắt giữ ở nước ngoài, phải nộp tiền đặt cọc mới giải phóng được tàu).

Theo Luật Trọng tài, tòa không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà hội đồng trọng tài đã giải quyết, chỉ kiểm tra xem yêu cầu hủy có thuộc các căn cứ hủy phán quyết trọng tài theo quy định không.
Sở dĩ Vinalines kêu cứu lên Chính phủ để mong sớm được tòa xét xử. Do dự án Vân Phong bị dừng nửa chừng, theo quyết định của Chính phủ, nên đã dẫn đến vụ kiện trên.

Lan Nhi


Lan Nhi

tbktsg

Các tin tức khác

>   Công nghiệp sau gần 30 năm đổi mới (10/08/2014)

>   TP.Hồ Chí Minh: Siết chặt kinh doanh bán lẻ gas (10/08/2014)

>   Chuyển giá né thuế: Bịt chiêu này lòi chiêu khác (10/08/2014)

>   Vận tải biển “than” khó đủ bề (09/08/2014)

>   Được gì khi các tập đoàn công nghệ đầu tư vào Việt Nam? (09/08/2014)

>   Kiến nghị dừng nhập săm lốp ô tô đã qua sử dụng (09/08/2014)

>   Xuất khẩu tôm: Kỳ vọng cao (09/08/2014)

>   Ốm yếu như… thị trường bán lẻ Việt Nam (09/08/2014)

>   Gỡ vướng cho doanh nghiệp NK ô tô không có giấy ủy quyền (09/08/2014)

>   Xây dựng văn bản quy phạm thống nhất về phân loại hàng hóa (09/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật