Cơ hội và thách thức cho XK vào thị trường Nga
Ngày 29-8, tại TP.HCM, UBND TP.HCM, phối hợp với Bộ Công Thương và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Tọa đàm “ Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư – thương mại vào Liên bang Nga”.
Thị trường giàu tiềm năng
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ hữu nghị toàn diện từ nhiều năm nay với kim ngạch thương mại hai chiều luôn tăng trưởng ổn định. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Nga trong năm 2013 đạt 2,76 tỉ USD, tăng gần 13,6% trong đó XK từ Việt Nam sang Nga đạt 1,91 tỉ USD tăng gần 18% và nhập khẩu từ Nga đạt 853 triệu USD tăng 2,7%.
Tính đến hết tháng 6-2014, Nga đứng thứ 18 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với nguồn vốn đầu tư trực tiếp đạt gần 2 tỉ USD, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dầu khí, công nghệ cao, chế tạo, khai khoáng, giao thông, vân tải. Đồng thời Nga cũng là quốc gia đứng thứ 3 về đầu tư cuả Việt Nam ra nước ngoài với 17 dự án với tổng vốn 2,4 tỉ USD tập trung vào các lĩnh vực khai thác dầu khi, chế biến thực phẩm, dệt may, da giày.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thắng Hải bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, kim ngạch thương mại song phương cũng như đầu tư giữa Việt Nam và Nga vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và thực lực của hai bên.
Nhận định về thị trường Nga, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT, Ngân hàng BIDV cho rằng, đang có nhiều cơ hội từ thị trường truyền thống và giàu tiềm năng này vì Nga là một thị trường có sức tiêu thụ lớn và ổn định về nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp nhẹ. Năm 2013, Nga là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới với dân số 143 triệu người. Hiện Nga đang là thị trường tiêu dùng đứng đầu châu Âu và đứng thứ 9 trên thế giới. Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng kinh tế như giai đoạn 2009-2013 thị trường tiêu dùng Nga sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và có thể vươn lên vị trí đứng thứ 4 thế giới vào năm 2020.
Theo ông Trần Bắc Hà, việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2012 đã mang lại cơ hội lớn cho hàng hóa XK Việt Nam. Theo đó, một số mặt hàng XK của Việt Nam sang Nga theo lộ trình cam kết của Nga sẽ chịu mức thuế thấp hơn từ 30% đến 50% so với mức thuế cũ. Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam XK sang thị trường Nga còn được giảm thêm 25% thuế quan so với mức thuế Nga cam kết vì Việt Nam nằm trong nhóm các nước hưởng ưu đãi thuế quan của Liên minh Hải quan. Điều này không chỉ là giúp mở rộng cửa cho hàng hóa Việt Nam vào Nga mà còn mở cửa cho hàng hóa Việt Nam vào các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu. Đáng chú ý là các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế như điện máy, thiết bị, trà, thủy sản, dệt may lại là những mặt hàng có thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu, đáp ứng được nhu cầu của phía bạn cả về số lượng, chất lượng trong suốt một thời gian dài.
Còn nhiều khó khăn
Cơ hội vào thị trường Nga đang rộng mở, tuy nhiên, theo các chuyên gia, để chiếm lĩnh được thị trường này các DN cũng phải đối mặt với một số khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là các DN XK của Việt Nam hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại thị trường Nga nên còn bị hạn chế trong việc theo dõi, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời có điều chỉnh và chiến lược phù hợp. Việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước chủ yếu do các DN tư nhân và tư thương người Việt ở Nga nên còn thiếu bài bản.
Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh rất lớn của hàng hóa bất hợp pháp từ các nước khác đối với hàng hóa Việt Nam cũng gây khó khăn cho việc XK hàng hóa vào thị trường này. Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập vào thị trường này dễ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự về chủng loại hàng hóa, thương hiệu, uy tín, mẫu mã, giá cả. Trong khi đó, vấn nạn hàng giả, hàng lậu càng gia tăng sức ép cạnh tranh đối với các DN khi hàng hóa bất hợp pháp tiêu thụ tràn lan và chiếm tới 1/3 thị trường.
Ngoài ra, dù là thị trường NK lớn nhưng thị trường Nga cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi hệ thống pháp lí của Nga chưa được đảm bảo. Cơ chế thanh toán khi làm ăn với đối tác Nga còn khó khăn, đặc biệt việc thanh toán bằng tín dụng thư (L/C) còn ít. Ngoài ra chi phí vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Nga còn khá cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa XK…
Nguyễn Huế
hải quan
|