‘Sóng ngầm’ Philippines lấn dần vào Việt Nam
Không ồn ào nhưng các nhà đầu tư lớn từ nền kinh tế "nóng" nhất châu Á - Philippines đã ồ ạt mở rộng kinh doanh tại Việt Nam với sự quan tâm hướng vào ngành thiết yếu ở Việt Nam như: thực phẩm và đồ uống, cơ sở hạ tầng, nước sạch, dược phẩm...
* Tỷ phú Malaysia âm thầm ‘cắm rễ’ trên đất Việt
Sánh ngang McDonald's, KFC... ở Việt Nam
Công ty Vĩnh Hoàn (VHC) cuối tháng 5/2014 cho biết, DN này đã chuyển nhượng 70% số lượng cổ phiếu VHC sở hữu tại Công ty cổ phần thức ăn thủy sản Vĩnh Hoàn 1 (VHF) cho một DN Philippines, thu về 19,6 triệu USD.
Đối tác mua cổ phần của VHC là Pilmico International Pte.Ltd, một công ty con của tập đoàn chuyên sản xuất bột và thức ăn gia súc tại Philippines là Aboitiz Equity Ventures, Inc..
Thương vụ bán nhà sản xuất thức ăn thủy sản lớn thứ 4 Việt Nam (với công suất 130.000 tấn/năm) giúp Vĩnh Hoàn lãi lớn do giá vốn đầu tư có 70 tỷ đồng (khoảng 3,4 triệu USD). Cũng theo hợp đồng, 30% cổ phần còn lại sẽ được Pilmico mua nốt trong 5 năm với mức giá đã thỏa thuận.
Như vậy, Vĩnh Hoàn đã tiến thêm một bước trong kế hoạch tái cấu trúc, tập trung vào nuôi trồng và chế biến cá tra. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với Vĩnh Hoàn phải bỏ bớt thế mạnh sản xuất thức ăn chăn nuôi - một lĩnh vực mà các tỷ phú trong khu vực ASEAN đang rất hứng thú. Ngược lại, Pilmico của Philippines có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi và tiến sâu vào thị trường Việt Nam.
Các nhà đầu tư lớn từ nền kinh tế "nóng" nhất châu Á - Philippines đã ồ ạt mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
|
Trước đó, đại gia trong ngành công nghiệp đồ ăn nhanh trên thế giới là Jollibee của Philippines đã bỏ ra 25 triệu USD mua 50% cổ phần thương hiệu Phở 24 và một thương hiệu cà phê đình đám ở Việt Nam là Highlands Coffee.
Với thương vụ này, đại gia JolliBee sánh ngang với các tên tuổi đồ ăn nhanh đình đám trên thế giới là McDonald's, KFC... không những muốn nắm bắt thị trường đồ ăn nhanh và đồ uống của Việt Nam mà còn chinh phục các thị trường khác trong khu vực.
Gần đây, một tập đoàn thực phẩm lớn của Philippines Universal Robina Corp (URC) cũng đã có những bước đi mạnh mẽ để bánh trướng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam thành thị trường trọng tâm và hướng tới doanh thu 1 tỷ USD ở thị trường 90 triệu dân này.
URC gần đây nổi lên mạnh mẽ trong lĩnh vực F&B ở Việt Nam với sản phẩm trà xanh đóng chai C2. URC cạnh tranh trực tiếp với đại gia Việt là Tân Hiệp Phát, thậm chí cả 2 ông lớn Coca Cola và PepsiCo. DN Philippines này cũng đã sản xuất thêm bánh, snack khoai tây chiên Jack n Jill và một sản phẩm nước tăng lực khá bắt mắt gần đây là Rồng Đỏ.
Mê lĩnh vực cơ sở hạ tầng
Bên cạnh các đại gia thực phẩm- đồ uống, khá nhiều tập đoàn hàng đầu Philippines đã và đang đổ tiền vào Việt Nam để thâu tóm cổ phần của các DN trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bất động sản.
Sự quan tâm của họ hướng vào ngành thiết yếu ở Việt Nam như: thực phẩm và đồ uống, cơ sở hạ tầng, nước sạch, dược phẩm...
|
Đầu tháng 10/2013, CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) chọn đối tác chiến lược là Manila Water South Asia Holdings Pte Ltd - công ty con của Manila Water Company Inc. đã mua toàn bộ 18,37 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ. Với mức giá 16.900 đồng/cổ phần, Manila Water đã phải bỏ ra trên 310 tỷ đồng và sở hữu gần 31,5% cổ phần tại SII.
Đông thái Manila Water đầu tư mua cổ phần lớn tại SII không khiến giới đầu tư bất ngờ bởi đây là công ty trực thuộc Tập đoàn Ayala của Philippines, một tập đoàn đã có bề dầy đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại TP.HCM. Ayala là tập đoàn của gia tộc Zobel de Ayala có ảnh hưởng lớn tại Philippines suốt 2 thế kỷ qua
Tập đoàn Ayala trước đó đã là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII) với tỷ lệ sở hữu trên 10% thông qua công ty con VIP Infrastructure Holdings Pte. Ltd. CII, trong khi đó, là cổ đông lớn của SII với trên 44%.
Trước đó, tập đoàn có tài sản gần chục tỷ USD và hoạt động trong các lĩnh vực BĐS, cung cấp nước sạch, tài chính ngân hàng và viễn thông Ayala của Philippines cũng đã mua 47% cổ phần của CTCP cấp nước Kênh Đông. Ayala cũng đã mua lại 49% cổ phần của CII tại Công ty BOO nước Thủ Đức.
Trong lĩnh vực dược phẩm, một đại gia khác của Philippines là United International Pharma (UIP) của Unilab Group cũng đã hiện diện tại Việt Nam với việc xây dựng nhà máy từ năm 1997, khi mà các công ty đa quốc gia khác vẫn còn là văn phòng đại diện. Tập đoàn này đã xây dựng nhà máy mới tại khu công nghiệp VSIP 2 để thâm nhập sâu hơn vào thị trường dược phẩm trị giá hàng tỷ USD/năm đầy tiềm năng của Việt Nam.
Gần đây, thông tin từ Reuters cho thấy, một tập đoàn của Philippines khác là Metro Pacific Investments Corp. cũng đã xem xét tham gia vào một dự án cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam.
Với tổng số lượng các dự án và số tiền chưa thực sự nhiều nhưng đó đều là các khoản đầu tư khá hiệu quả. Các đại gia Philippines đang dần chiếm lĩnh một số lĩnh vực khá quan trọng và tiềm năng như cơ sở hạ tầng ngành nước, thực phẩm đồ uống, dược phẩm và gần đây là thức ăn chăn nuôi.
Sự lớn mạnh của ông lớn đồ uống URC đã khiến ngay cả những đại gia Việt Nam như Tân Hiệp Phát cũng phải dè chừng. Sự mở rộng sản xuất của United International Pharma (UIP) với mục tiêu 80% sản phẩm tiêu thụ tại Việt Nam cũng khiến các DN như Traphaco hay Dược Hậu Giang phải chú ý.
Một điều đáng lưu ý là hầu hết các tập đoàn Philippines vào Việt Nam đều có bề dày hoạt động trong khu vực như Jollibee hay Ayala. Cùng với hàng loạt các ông lớn khác từ các nước Đông Nam Á, các đại gia Philippines thực sự là một thách thức đối với các DN Việt Nam còn khá non nớt, yếu kém về nhiều mặt từ vốn, công nghệ cho tới kinh nghiệm.
Mạnh Hà
vef
|