Mò mẫm phát triển công nghiệp hỗ trợ:
“Bó tay” từ cái sạc pin, tai nghe...
Trong danh sách các linh kiện của Samsung đề nghị phía VN tìm đối tác sản xuất có cái rất đơn giản như: sạc pin, cáp USB... nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn “bó tay”.
Sản xuất điện thoại di động tại Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronics Việt Nam (SEV) - Yên Phong, Bắc Ninh
|
Ông Trương Thanh Hoài, phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương, cho biết như vậy.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoài nói: Thực tế công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở VN, ngoại trừ ngành xe máy linh phụ kiện trong nước cung cấp được đến 85-90% do áp lực buộc phải giảm giá thành phát triển trong nước khi xe máy Trung Quốc giá rẻ ập vào, còn lại nền CNHT chúng ta vẫn rất hạn chế.
"Chúng tôi mới được Tập đoàn Samsung cung cấp danh sách trên 170 linh kiện, phụ tùng mà VN có thể làm để cung ứng cho GalaxyS4 và Tab7 của họ. Tuy nhiên khi hỏi các hiệp hội, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp điện tử đã có 40-50 năm truyền thống, câu trả lời là: chưa làm được (không đáp ứng được công nghệ và giá thành)! Mà trong đó có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe..."
Samsung cho biết chỉ riêng sạc pin các loại, mỗi năm họ cần khoảng 400 triệu chiếc. Tôi chỉ tính nếu VN làm được, mỗi sạc pin lãi 0,5 USD, mỗi năm VN đã có 200 triệu USD. Đó là cơ hội lớn nếu nắm bắt được.
Điều quan trọng hơn, đó là cơ sở để phát triển nền sản xuất, gắn kết các doanh nghiệp VN vào chuỗi sản xuất toàn cầu, dần nâng cao công nghệ của đất nước... Hiện do CNHT của VN chưa phát triển, phải dựa vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) đã làm tăng chi phí sản xuất, tăng nguy cơ nhập siêu, tính cạnh tranh của sản phẩm thấp.
Vì vậy, đứng trước nhu cầu vô cùng cấp thiết phải phát triển CNHT, Bộ Công thương vừa trình dự thảo nghị định mới, với tư duy và cách làm mới, để phát triển được CNHT. Trước đây, đã có một quyết định của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ cho CNHT. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã ba năm, chỉ duy nhất có một dự án Kyocera ở Hải Dương được hưởng cơ chế này.
* Ông có thể cho biết cái khác cơ bản của cơ chế ưu đãi CNHT trong nghị định mới so với hiện nay?
- Cơ chế mới sẽ không chỉ ưu đãi mà còn hỗ trợ, giúp gây dựng năng lực để doanh nghiệp có thể làm CNHT.
Đặc thù sản phẩm CNHT là thường xuyên thay đổi thiết kế, mẫu mã để phù hợp với sự thay đổi của sản phẩm chính, trong khi năng lực thiết kế, thử nghiệm là thách thức rất lớn đối với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, vì cần đầu tư máy móc đắt tiền.
Do vậy, dự thảo nghị định Bộ Công thương có Chương trình quốc gia phát triển CNHT để thống nhất chỉ đạo điều hành, trong đó sẽ thành lập các trung tâm phát triển CNHT tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Các trung tâm này sẽ hỗ trợ chuyên gia, thiết kế mẫu mã, sản xuất thử nghiệm sản phẩm, kết hợp kiểm nghiệm và kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn để doanh nghiệp kịp điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn.
Đồng thời, trung tâm cũng giúp thúc đẩy kết nối mạng lưới tiêu thụ. Nghĩa là tất cả khâu khó, các trung tâm này sẽ giúp, làm giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tìm hiểu thực tế cơ chế phát triển CNHT của Hàn Quốc, chúng tôi thấy họ có mô hình này. Doanh nghiệp CNHT Hàn Quốc đã phát triển ở trình độ rất cao, xuất siêu linh kiện và vật liệu hằng năm 100 tỉ USD mà vẫn cần những trung tâm hỗ trợ. Doanh nghiệp VN năng lực còn hạn chế, nếu không có thì khó lòng làm được.
Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ 20 triệu USD nguồn vốn ODA để xây dựng vườn ươm công nghệ tại Cần Thơ. Vì vậy, hướng tới chúng tôi bước đầu có thể mời chính các chuyên gia Hàn Quốc làm giám đốc kỹ thuật các trung tâm, tiếp theo đưa chuyên gia của họ sang, rồi cùng chuyên gia của VN để hỗ trợ doanh nghiệp.
* Nghị định cũng đề ra quỹ hỗ trợ CNHT với số vốn 2.000 tỉ đồng?
- Chính nhờ phát triển tốt CNHT mà Trung Quốc đã tạo ra được nền tảng công nghệ, giảm giá thành sản xuất, xuất siêu rất lớn sang VN. Nhập khẩu sản phẩm CNHT dự kiến năm 2014 của ngành điện - điện tử, dệt may và da giày vô cùng lớn, dự kiến khoảng 53 tỉ USD.
Nên chúng tôi đề xuất lập quỹ, Nhà nước sẽ cấp dần, để có vốn 2.000 tỉ đồng mang tính chất vốn điều lệ. Thực tế nguồn vốn này vẫn là quá nhỏ so với nhu cầu sản phẩm ngành CNHT, có thể đến 70 tỉ USD năm 2016.
Vì vậy, bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước mang tính chất mồi, cần phải kêu gọi đề nghị các nước hỗ trợ vốn ODA và phi chính phủ để vốn nhà nước trong quỹ chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, hạn chế vi phạm các cam kết quốc tế. Quỹ này sẽ hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp CNHT...
Ngân hàng “để mắt” đến CNHT
Ngày 28-8, Hiệp hội doanh nghiệp ngành CNHT thành phố Hà Nội (HANSIBA) đã tổ chức hội thảo Giải pháp tài chính và hạ tầng phát triển ngành CNHT.
Ông Đinh Việt Cường, giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), đã thông báo triển khai gói tín dụng 1.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi từ 8% và đặc biệt là không phải thế chấp tài sản.
Ông Cường cho biết TPBank sẽ áp dụng chính sách linh hoạt với doanh nghiệp CNHT, chỉ cần có hợp đồng sản xuất, doanh nghiệp CNHT đã có thể được vay. Đại diện Ngân hàng Phát triển VN (VDB) cũng công nhận ngành CNHT đòi hỏi chi phí cho máy móc công nghệ lớn hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào. Tuy nhiên, để được vay ưu đãi, quy định hiện nay phải qua hội đồng thẩm định do các bộ, ngành thực hiện...
|
Phải kiên nhẫn...
Công ty ON Precision tại xã Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM là một trong rất ít doanh nghiệp Việt Nam sống khỏe với CNHT. Đơn vị này chuyên cung cấp linh kiện cơ khí chính xác cho nhiều công ty lắp ráp xe máy và ôtô của Nhật đang đóng tại VN.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, giám đốc công ty, cho biết để có được những khách hàng Nhật trong lĩnh vực này là cả một câu chuyện dài. Những ngày đầu mới lập doanh nghiệp năm 2006, ông đã tự gõ cửa từng doanh nghiệp Nhật để bày tỏ ý muốn hợp tác, cung cấp.
“Tất nhiên lúc đầu giữa tôi và họ không tránh được những khoảng cách nhất định. Song cái lợi của tôi là biết tiếng Nhật, và sản phẩm của tôi không nhiều ở VN, nên họ đã cho tôi một cơ hội với khối lượng ban đầu rất nhỏ” - ông kể.
Và để chào hàng được với người Nhật phải vô cùng kiên nhẫn bởi họ có thói quen tìm hiểu rất kỹ đối tác, thường mất 1-2 năm trước khi quyết định ký kết hợp tác, hợp đồng mua bán. “Như công ty của tôi, chưa có hợp đồng nào được ký sớm hơn sáu tháng kể từ sau khi tiếp xúc ban đầu. Trường hợp lâu nhất phải mất tới ba năm tìm hiểu, lập quan hệ rồi mới đi đến ký kết hợp đồng” - ông Trung bộc bạch.
Ông Trung cho biết nhiều công ty Việt không đủ kiên nhẫn và không đủ vốn để đợi đến khi có thể bán được hàng với quá trình lâu như vậy. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn bao giờ cũng là thử thách đầu tiên và không ít doanh nghiệp phải bỏ cuộc giữa chừng do hết vốn.
“Giai đoạn đầu khi đơn hàng chưa có tôi phải cầm cự, làm những đơn hàng nhỏ lẻ, khách đặt đơn hàng nhỏ mấy tôi cũng làm để lấy ngắn nuôi dài, chờ tới ngày có được hợp đồng lớn hơn. Mỗi cái thu về một chút rồi gắng thu xếp, cầm cự qua giai đoạn đơn hàng chưa nhiều” - ông Trung kể.
Doanh nhân này cũng chỉ ra điểm yếu thường gặp của doanh nghiệp trong ngành CNHT VN là không đạt được độ ổn định. “Có thể vài đơn hàng đầu đáp ứng đúng các yêu cầu, nhưng sau đó nhiều khi lại không đảm bảo trước sau như một. Với những khách hàng từ các nước phát triển, đây là điều không thể chấp nhận. Cung cấp cả hàng triệu sản phẩm, chỉ một sản phẩm hỏng coi như doanh nghiệp hỏng” - ông nói.
Hồng Qúy
|
Cầm Văn Kình
tuổi trẻ
|