Thứ Ba, 12/08/2014 08:39

Chính sách đồng bộ để thực hiện công nghiệp ô tô

Sau thời gian dài “thai nghén”, Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chính thức được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, chiến lược này ra đời trong bối cảnh có nhiều thách thức, nhất là khi thuế NK ô tô trong khu vực ASEAN về 0% vào năm 2018.

Có sản phẩm ưu tiên

Bản Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 25-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ) là bản quy hoạch thứ 2 của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tính cho đến thời điểm hiện nay. Bản quy hoạch vẫn giữ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước - trong bối cảnh 10 năm triển khai thực hiện nhưng không đáp ứng được hầu hết các tiêu chí đề ra tại bản Quy hoạch lần đầu.

Theo ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), một trong những điểm mới của bản quy hoạch lần này là chú trọng phát triển các dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn phù hợp với Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và nông dân Việt Nam. Quy hoạch cũng xác định “chú trọng phát triển các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, liên huyện và nội đô… phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành an toàn và tiện dụng”.

Điểm khác thứ hai của bản quy hoạch lần này được ông Giám chỉ ra là, bên cạnh chính sách cho sản xuất quy hoạch lần này có những chính sách kích cầu tiêu dùng. Theo đó, điều chỉnh chính sách thuế, phí theo hướng tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ô tô để đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô của nền kinh tế và của người dân, đồng bộ với phát triển của hạ tầng giao thông và yêu cầu bảo vệ môi trường. Cụ thể, sẽ áp dụng mức thuế thấp nhất đối với các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn từ 16 đến dưới 24 chỗ; áp dụng mức thuế suất ưu đãi đối với các loại xe thân thiện với môi trường; áp dụng mức thuế suất cao nhất đối với các loại xe chở người đến 9 chỗ, có dung tích động cơ trên 3.0 lít đồng thời ban hành phí môi trường cao đối với xe có dung tích động cơ trên 3.0 lít.

Quy hoạch lần này đã đặt trọng tâm vào việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu chế tạo được một số chi tiết quan trọng, trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Chính sách chưa cụ thể?

Như vậy, sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng các DN, nhà đầu tư cũng đã biết rõ ràng quan điểm của Chính phủ Việt Nam về phát triển ngành công nghiệp ô tô trong giai đoạn mới. Theo ý kiến của người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, để chiến lược thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, một yếu tố quan trọng nhất là phải phê duyệt được nhanh. “Các DN hay hỏi tôi bao giờ chiến lược mới được thông qua”, ông Giám nói. Tuy nhiên, chiến lược, quy hoạch phê duyệt xong mới chỉ xong được cái khung, các chính sách khác còn phải chờ, ví dụ như hệ thống chính sách cho nhà sản xuất và cho khu vực tiêu dùng.

Khi được hỏi “vì sao trong chiến lược không có kiến nghị cụ thể về chính sách thuế”, ông Giám lý giải, kiến nghị về chính sách thuế khi làm chiến lược rất rõ ràng nhưng do quy định của Việt Nam, những chính sách về thuế, một số nội dung Chính phủ được quyền điều chỉnh, một số do Quốc hội quyết. Do vậy, kiến nghị cụ thể về chính sách thuế, sắc thuế Chính phủ không đưa vào. Cụ thể, theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, thuế suất thuế NK ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ giảm về 0% nhưng lộ trình đó được “thả lỏng” cho Việt Nam tự điều chỉnh. Tuy nhiên, do chưa thống nhất ý kiến của các bộ, ngành và DN nên ban soạn thảo không đưa vào. Hoặc như việc điều chỉnh cách tính thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho xe NK và xe sản xuất trong nước sẽ xem xét trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014.

Theo nhận định của ông Giám, nếu những chính sách trên nhận được sự đồng thuận cao và trở thành hiện thực, có hiệu lực từ cuối năm 2014, xe sản xuất lắp ráp trong nước nhận được ưu đãi khá cao so với xe NK nguyên chiếc về thuế NK, thuế TTĐB và hoàn toàn cạnh tranh được với xe NK. “Việc ban hành quy hoạch mới chỉ thể hiện Việt Nam quyết tâm thực hiện chiến lược công nghiệp ô tô, còn việc thành công hay không phụ thuộc nhiều vào chính sách. Các chính sách đồng bộ về khu vực sản xuất là không vướng nhiều, nhưng chính sách cho khu vực tiêu dùng vẫn đang là một ẩn số. Nhà nước không chỉ hỗ trợ nhà sản xuất mà còn hỗ trợ trong việc tác động thị trường làm sao cho giá sản phẩm đến người mua hợp lý. Hai cái phải thực hiện đồng thời thì quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô mới thành công”, ông Giám khẳng định.

Diệp Anh

Hải quan

Các tin tức khác

>   Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi): Không ưu đãi kiểu “đại trà” (12/08/2014)

>   Da giày Việt Nam có cơ hội hưởng mức thuế bằng 0% (12/08/2014)

>   Hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng ì ạch (12/08/2014)

>   Lợi ích nhóm đang hạn chế năng lực cạnh tranh (12/08/2014)

>   Tổng công ty Đường sắt thoái vốn tại 10 công ty (11/08/2014)

>   Toyota Việt Nam có lượng xe bán ra cao nhất từ đầu năm đến nay (11/08/2014)

>   WTO đánh giá cao nỗ lực tự do hóa thương mại của Việt Nam (11/08/2014)

>   Nga bỏ lệnh tạm dừng nhập khẩu với 7 doanh nghiệp thủy sản (11/08/2014)

>   Tự do kinh doanh: “Quyền của anh, nhưng tôi phải biết” (11/08/2014)

>   Ngành nghề cấm đầu tư: Chờ mãi các bộ không trả lời! (11/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật