Thứ Sáu, 01/08/2014 08:51

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2014

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong hai ngày (30-31/7), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2014.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ cho rằng, trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, kinh tế-xã hội tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng; nổi bật là lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp, giá cả thị trường ổn định, cung-cầu hàng hóa được bảo đảm; lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi qua từng tháng; sản xuất nông nghiệp được duy trì và phát triển tốt; khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao; an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 7/2014

Các thành viên Chính phủ cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế cần đặc biệt quan tâm, tập trung khắc phục, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức cao; tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ; tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước còn chậm; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn…

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, cải cách TTHC, đa dạng hóa thị trường

Trên nền tảng kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, lạm phát được kiểm soát, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng… đề xuất phải phấn đấu, nỗ lực cao nhất để đạt cho được mục tiêu tăng trưởng của năm 2014 là 5,8% bằng việc triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư; tăng tổng cầu của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; quan tâm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa ở cả trong và ngoài nước, tăng xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác nhất định; ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực có lợi thế trong khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để kích thích tăng trưởng của các khu vực này; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI, vốn ODA; tập trung mạnh cho công tác chống buôn lậu ở khu vực biên giới…

Cho biết dư luận và nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan về công tác quản lý và cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan vừa qua, một số ý kiến đề xuất cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, rà soát, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các công trình trọng điểm quốc gia, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, gây thất thu thuế…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là rà soát, cắt bỏ các thủ tục gây phiền hà, nhũng nhiễu; quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu ở khu vực biên giới, nhất là buôn bán lậu thuốc lá, rượu, thuốc bảo vệ thực vật; quyết liệt, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, chấn áp các loại hình tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Sớm công bố phương án tổ chức kỳ thi quốc gia

Về lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, thực hiện Nghị quyết của Trung ương, thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo triển khai nhiều đổi mới trong việc tổ chức dạy học, trong thi cử. Các kỳ thi của năm 2014 này đã có những thay đổi lớn trong cách ra đề thi, chấm thi, tổ chức thi theo hướng không kiểm tra và không khuyến khích việc học thuộc lòng của học sinh; gắn đề thi với những vấn đề của đất nước; gắn thi với việc hình thành năng lực, phẩm chất của học sinh… Các mục tiêu đề ra cho kỳ thi tốt nghiệp PTTH và thi tuyển sinh đại học năm 2014 đều đạt được.

Hiện các chuyên gia trong ngành và dư luận xã hội đều khẳng định về khả năng tổ chức 1 kỳ thi quốc gia thay cho 2 kỳ thi (tốt nghiệp PTTH và thi tuyển sinh đại học). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức công bố dự thảo thay đổi phương thức thi, tổ chức một kỳ thi thay. Bộ đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của dư luận để thảo luận sâu hơn, hoàn thiện phương án báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định và nếu được thông qua, sẽ sớm công bố và triển khai từ năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng 3 phương án và công bố lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về kỳ thi này. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận xã hội, hoàn thiện phương án cuối cùng, sớm công bố phương án chính thức để có thể áp dụng vào năm 2015.

Bảo đảm an toàn cho người lao động tại Libya

Liên quan đến vấn đề người lao động Việt Nam làm việc tại Libya, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, năm 2013, chúng ta đã đưa lao động sang Lybia làm việc với thu nhập tương đối tốt. Có 13 doanh nghiệp đưa lao động của Việt Nam sang Libya làm việc và đã đưa được hơn 1.500 lao động sang làm việc tại nước này.

Trước những diễn biến của tình hình Libya, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, doanh nghiệp để xây dựng các phương án bảo vệ an toàn cho người lao động Việt Nam tại Libya. Hiện có 206 người lao động Việt Nam đã ra khỏi Libya và đã có 79 lao động Việt Nam về nước. Bộ LĐTBXH đang theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng, các cơ quan hữu quan của Việt Nam ở nước ngoài trong thực hiện các phương án với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho người lao động Việt Nam ở Libya.

Thủ tướng giao Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến tình hình, chuẩn bị các phương án nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền và ý kiến của một số thành viên Chính phủ cũng đề xuất cần tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo; rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách đối với người có công; triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nhất là lao động nông thôn; tập trung hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, các hộ gia đình chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ để sớm ổn định sản xuất và cuộc sống… Đồng thời không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động nắm bắt tình hình, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước mọi tình huống liên quan đến an ninh, quốc phòng; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành chức năng tiếp tục quan tâm chấn chỉnh nạn khai thác cát lậu, đồng thời đề xuất Chính phủ cho phép Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp làm Đề án đánh giá sự hài lòng của người dân đối với bộ máy công quyền.

Phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tình hình trên các lĩnh vực trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tốt. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý: “Có một điều nổi lên là nếu chúng ta phấn đấu không quyết liệt thì khó đạt được tăng trưởng 5,8%”.

Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trên tinh thần không điều chỉnh bất cứ mục tiêu, chỉ tiêu nào đã được đề ra cho năm 2014, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra từ đầu năm.

Theo đó, phải phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng; Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành Trung ương rà soát từng lĩnh vực để thúc đẩy phát triển sản xuất; thúc đẩy những lĩnh vực còn dư địa để tăng trưởng, để phát triển như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; rà soát, đẩy mạnh đầu tư, tạo thuận lợi để thúc đẩy đầu tư toàn xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; khuyến khích đầu tư tư nhân và tăng cường thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); cố gắng đẩy mạnh vốn đầu tư công theo đúng nguyên tắc, quy định.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục phát huy những kết quả tốt đạt được trong thực hiện kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô; quan tâm tăng tổng cầu để thúc đẩy nền kinh tế bằng các kênh như tăng dư nợ tín dụng, tăng đầu tư công, tăng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài…

Tiếp tục thực hiện chặt chẽ, quyết liệt tái cơ cấu, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước ở những tập đoàn kinh tế lớn, tái cơ cấu ngân hàng, tập trung vào những ngân hàng thương mại yếu kém; tái cơ cấu đầu tư công. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về tái cơ cấu đầu tư công để tiếp tục chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính, trong tâm là cải cách thủ tục hành chính. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát để bãi bỏ, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là các thủ tục về thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, đất đai, xây dựng. Các bộ, ngành liên quan đánh giá về mô hình thủ tục hành chính một cửa để triển khai áp dụng sớm trong phạm vi cả nước. Giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án về chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân đối với bộ hành máy chính các cấp; đồng thời sớm hoàn thành Nghị định về đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức.

Sẽ ban hành Nghị quyết về các giải pháp về thuế

Hoan nghênh Bộ Tài chính trình Chính phủ các giải pháp nhằm giảm hơn một nửa số giờ nộp thuế và số lần nộp thuế của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ nhất trí sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm quyết định theo thẩm quyền đối với một số giải pháp như gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng máy móc, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước mà ngân sách nhà nước chậm thanh toán; bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi phúc lợi cho người lao động nếu có hóa đơn, chứng từ hợp lệ... đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tới đối với các giải pháp như bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN; bổ sung ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ...

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách, kinh phí thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai, bão lụt; chú ý đến công tác di dân ra khỏi vùng nguy hiểm trong mùa mưa bão, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra; kịp thời hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai ổn định cuộc sống, sản xuất. Tập trung cho công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn; bảo đảm trật tự an toàn xã hội và trật tự an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ...

Cuối cùng Thủ tướng cũng lưu ý đảm bảo tốt quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc

chính phủ

Các tin tức khác

>   Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng điểm (01/08/2014)

>   Niềm tin người tiêu dùng : Kẻ nói tăng, người bảo giảm (31/07/2014)

>   Giám sát nợ công khó đến mức nào? (31/07/2014)

>   Uy tín của Việt Nam được nâng lên (31/07/2014)

>   Hãy quên GDP, nhớ chỉ tiêu tạo việc làm (31/07/2014)

>   CPI tháng 8: Dự báo tiếp tục tăng nhẹ (31/07/2014)

>   Sức mua vẫn tăng chậm chạp (31/07/2014)

>   Nielsen: Người Việt vẫn chuộng kênh tiết kiệm (30/07/2014)

>   Chính phủ sẽ không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra (30/07/2014)

>   Nợ công và phần chìm của “tảng băng” doanh nghiệp nhà nước (30/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật