Thứ Năm, 31/07/2014 08:52

Sức mua vẫn tăng chậm chạp

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, thị trường bán lẻ đang tăng trưởng chậm lại dù các nhà bán lẻ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu. Một khảo sát khác của Nielsen cũng cho kết quả tương tự.

Nhiều doanh nghiệp treo bảng giảm giá để thu hút người tiêu dùng.

Buôn bán lao đao

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 238,7 nghìn tỉ đồng, chỉ tăng 0,3% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng nhẹ ở mức 0,3%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 3%.

Trong khi đó, doanh thu dịch vụ lữ hành giảm 3,8%, chủ yếu do mùa du lịch hè của năm đã vào thời điểm cuối nên doanh thu du lịch của một số tỉnh ven biển giảm: Bình Định giảm 5,2%, Phú Yên giảm 3,2%, Hải Phòng giảm 2,7%, Đà Nẵng giảm 1,9%, riêng Hà Tĩnh giảm mạnh ở mức 55,1%.

Tính chung 7 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.655 nghìn tỉ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%.

Theo báo cáo, dù hầu hết các siêu thị và trung tâm thương mại thực hiện chương trình khuyến mãi và giảm giá nhiều sản phẩm hàng hóa nhưng sức mua chưa được cải thiện. Các nhà bán lẻ hiện đại cũng cho biết việc kinh doanh chưa khả quan mặc dù đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến bán hàng, khuyến mãi, thậm chí giảm giá bán sản phẩm.

Một số đơn vị bán lẻ hiện đại như hệ thống siêu thị cho rằng, doanh số tăng trưởng hiện nay chủ yếu là do hệ thống bán hàng tăng lên, thực chất doanh số riêng từng siêu thị, hoặc từng cửa hàng thì không tăng, thậm chí bị giảm.

Theo các doanh nghiệp bán lẻ, tình hình kinh tế khó khăn, mặt bằng thu nhập chung cũng bị ảnh hưởng nên người tiêu dùng vẫn có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn. Người tiêu dùng vẫn tập trung mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho gia đình, trong khi hàng thời trang hoặc những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu khác thì bán rất chậm.

Dự báo tình hình trong tháng 8 tới, theo các nhà kinh doanh, cũng sẽ không mấy khả quan vì tháng 8 này lại rơi vào tháng 7 âm lịch (dân gian gọi là tháng Cô hồn) mà nhiều gia đình xem đây là tháng kiêng mua sắm đồ đạc, xe cộ, đồ dùng gia đình…

Giảm tiêu dùng, tăng tiết kiệm

Một báo cáo mới đây Công ty Nielsen về niềm tin tiêu dùng và chi tiêu toàn cầu cũng cho thấy, chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam trong quí 2-2014 giảm nhẹ một điểm so với quí trước, xuống còn 98 điểm do số người lo lắng về tài chính và công việc trong 12 tháng tới tăng so với quí trước.

Chỉ 44% người được hỏi trực tuyến cảm thấy công việc sẽ tốt hoặc rất tốt trong thời gian tới trong khi hơn một nửa (53%) cảm thấy tích cực như vậy về tình hình tài chinh của mình, cả hai hạng mục này đều thấp hơn mức trung bình khu vực với lần lượt 65% và 62%.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, chỉ 38% người tham gia phỏng vấn cho biết thời điểm này tốt hoặc rất tốt để mua sắm, thấp hơn trung bình khu vực với 42% và các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan (47%), Philippines (50%), nhưng cao hơn Singapore (37%) và Malaysia (29%).

Cũng theo khảo sát, ba hành động mà người tiêu dùng Việt Nam đang dùng đến để tiết kiệm chi phí gia đình gồm có cố gắng tiết kiệm chất đốt và đèn điện, hạn chế mua sắm trang phục, cắt giảm chi phí vui chơi giải trí.

“Kết quả khảo sát trong quí mới nhất cùng với sự sụt giảm đáng kể của thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam trong 6 tháng vừa qua đã cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về cách người tiêu dùng phản ứng với tình hình kinh tế trong thời gian qua. Tâm lý e dè vẫn còn đè nặng trong quí 2-2014, nhưng chúng ta vẫn có cơ sở để tin vào sự phục hồi trong những tháng cuối năm” – ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam được trích lời trong thông cáo được gửi đi từ công ty này hôm 30-7 cho biết.

Ngoài ra, tại tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, tiết kiệm đang là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng trong cách sử dụng tiền nhàn rỗi. Trong đó, tám trên mười người được hỏi tại Việt Nam (79%) chọn tiết kiệm tiền thừa sau khi đã trang trải sinh hoạt phí thiết yếu, mức cao nhất trong ba năm qua và cao hơn nhiều so với trung bình khu vực với 62%.

Khảo sát toàn cầu về niềm tin tiêu dùng và ý định chi tiêu được thực hiện từ ngày 12 tháng 05 đến ngày 30 tháng 05, thăm dò ý kiến của hơn 30.000 người tiêu dùng trực tuyến trên 60 quốc gia trên khắp Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu, Châu Mỹ Latin, Trung Đông, Châu Phi và Bắc Mỹ.

T.Thu - Q.Hùng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Nielsen: Người Việt vẫn chuộng kênh tiết kiệm (30/07/2014)

>   Chính phủ sẽ không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra (30/07/2014)

>   Nợ công và phần chìm của “tảng băng” doanh nghiệp nhà nước (30/07/2014)

>   Moody's bất ngờ nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lần đầu từ năm 2005, triển vọng “ổn định” (29/07/2014)

>   Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu? (29/07/2014)

>   Nền kinh tế “chủ động”: Các chuyên gia hiến kế (29/07/2014)

>   Chênh vênh như nợ công Việt Nam (28/07/2014)

>   Năng suất lao động Việt Nam: Thấp do đâu? (28/07/2014)

>   Giá xăng tạo “động lực” cho CPI tháng 7 tăng 0,23% (24/07/2014)

>   Nhập siêu tháng 7 cao gấp 5 lần (23/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật