Thứ Ba, 29/07/2014 09:47

Nền kinh tế “chủ động”: Các chuyên gia hiến kế

Để khẳng định mình, Việt Nam phải nỗ lực để trở thành một mắt xích quan trọng không thể thay thê trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, cần biết cách chọn lựa “bạn chơi” để được chuyển giao công nghệ, như vậy mới là khôn ngoan.

Xây dựng một nền kinh tế chủ động luôn là mục tiêu mà bất kỳ quốc gia nào đều muốn hướng tới. Việt Nam không là ngoại lệ, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp tại Biển Đông cùng với những thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt khi ký kết các hiệp định song phương, đa phương.

Để khẳng định mình, Việt Nam phải nỗ lực để trở thành một mắt xích quan trọng không thể thay thê trong chuỗi giá trị toàn cầu

Không thể mãi đi dưới “cái bóng” của Trung Quốc

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhận định tại Hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” diễn ra mới đây rằng, quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc hiện nay đang quá sâu và “rất không bình thường”, trong đó lệ thuộc xuất nhập khẩu là nặng nề nhất.

Hiện khoảng 70% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là công nghiệp phụ trợ, trung gian. Một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng rất cao như: gạo, cao su, trái cây…nhưng lại bị phụ thuộc vào thị trường mua của họ.

Hay như câu chuyện tổng thầu, gần 90% các dự án của Việt Nam là do Trung Quốc làm tổng thầu. Họ là nước cung cấp “từ A-Z” các thiết bị. Trong các dự án đó, họ có quyền đưa vào Việt Nam từ “thượng vàng” đến “hạ cám” mà chúng ta không thể nào kiểm soát được.

Về cơ cấu xuất khẩu, các mặt hàng trung gian được đánh giá là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất, trị giá tăng cao. Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, đây là nhóm hàng chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp cho Trung Quốc, chứ sự đóng góp của các DN trong nước không đáng bao nhiêu. Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc cũng ít đi kèm với giá trị và việc gia tăng năng lực sản xuất trong nước. Điều này không giống như nhập từ các nước Hàn Quốc, Nhật…

“Đây là tình trạng không có trong quan hệ kinh tế với các nước khác. Nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đặt trong mối quan hệ với Trung Quốc bị chèn lấn, khó phát triển, đặc biệt là DN nhỏ. Điều này cho thấy nền kinh tế chúng ta đang tụt hậu so với các nước khác, không có vị thế trên thị trường quốc tế, khu vực và ngày càng bị lệ thuộc sâu hơn”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo bà Phạm Chi Lan là do lỗi của chính chúng ta đã không chịu thay đổi mà cứ hài lòng với việc làm gia công, làm thuê. Hay nói cách khác là chúng ta cứ “ngủ yên” trong đáy của chuỗi giá trị và mải chạy theo thành tích, số lượng một cách mù quáng.

Chia sẻ một cách thẳng thắn, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chúng ta nên nhìn sự kiện gây hấn ở Biển Đông của Trung Quốc không phải là sự kiện đơn lẻ, mà là một chuỗi và có thể kéo dài, để từ đó hiểu rõ và có đối sách xử lý. Hiện sự lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc là sự lệ thuộc về cấu trúc, chứ không đơn thuần là về từng mặt hàng nữa.

Mặc dù vậy, trên một khía cạnh khác, GS-TSKH Nguyễn Mại lại cho rằng, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã nảy sinh quan hệ “tùy thuộc” về thương mại, chứ không phải là biểu hiện sự lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc.

“Có chăng chỉ một phần trong mối quan hệ đó là lệ thuộc do tư tưởng và tập quán ỷ lại của một số doanh nghiệp Việt Nam”, ông Mại nói.

Phải thay đổi cấu trúc, cải cách và mạnh lên

Cần xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm chung mà nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình và chia sẻ.

TS Trần Đình Thiên cho rằng, không thể mãi đi dưới cái ‘bóng’ của Trung Quốc bởi nếu cứ lệ thuộc vào một thị trường là rất nguy hiểm.

“Vì thế, phải nhân cơ hội này để nhanh chóng thay đổi cấu trúc của nền kinh tế bằng cách thực hiện đúng lộ trình thị trường hóa, xây dựng kinh tế thị trường một cách triệt để, bằng sự đột phá thể chế, chứ không phải là bằng các ưu đãi con...”, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam phải nỗ lực để trở thành một mắt xích quan trọng không thể thay thê trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với việc đẩy nhanh quá trình ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương, Việt Nam cần linh hoạt chuyển hướng trên thị trường quốc tế, chủ động tìm nguồn cung và thị trường xuất khẩu mới.

Ngoài ra, DN phải có chiến lược dài hạn, không làm ăn chụp giật, biết người, biết mình, quản trị doanh nghiệp hiện đại… Và một yếu tố không kém phần quan trọng là con người. Theo đó, các bước: nhận thức, học hỏi, phấn đấu…là cả một quá trình dài cần phải được quan tâm đặc biệt.

Về khoa học công nghệ, phải tiếp cận được vốn, tạo nên sự khác biệt với các đối thủ, không nên cạnh tranh chỉ bằng giảm giá. Cùng với đó, phải đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, tạo ra khả năng lựa chọn để không bị phụ thuộc.

“Điều quan trọng là tập trung vào cải cách các vấn đề của nội tại nền kinh tế. Không có cách tự chủ nào khác là chúng ta phải tự cải cách và mạnh lên. Tuy nhiên, tính phụ thuộc lẫn nhau trong kinh tế là rất đáng chú ý. Một nền kinh tế tự chủ, độc lập không có nghĩa là “cô độc” mà phải hội nhập để phục vụ chính mình”, ông Doanh cho hay.

Cùng quan điểm trên, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, bài toán lớn nhất của tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau là phải tối đa hóa độc lập chủ quyền, nhưng đồng thời cũng phải tối đa hóa sự phát triển. Nhưng trong quá trình đó, mức độ hội nhập, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế là rất quan trọng. Không quốc gia nào có thể thoát khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau. Ngoài Trung Quốc, chúng ta còn phụ thuộc vào các thị trường khác nữa. Tuy nhiên, trong số đó, Việt Nam cần “biết cách chọn lựa bạn chơi để được chuyển giao công nghệ, như vậy mới là khôn ngoan.

“Một khi chúng ta đã chấp nhận hội nhập thì cũng phải chấp nhận rủi ro. Chẳng hạn khi chúng ta gia nhập TWO thì rủi ro chính là chống bán phá giá, nguồn gốc sản phẩm...Nhưng nếu chúng ta không hội nhập thì cũng sẽ mắc phải rủi ro khác. Không hội nhập thì không có nguồn lực để bảo vệ độc lập chủ quyền”, ông Thành nói.

Quỳnh Anh

tổ quốc

Các tin tức khác

>   Chênh vênh như nợ công Việt Nam (28/07/2014)

>   Năng suất lao động Việt Nam: Thấp do đâu? (28/07/2014)

>   Giá xăng tạo “động lực” cho CPI tháng 7 tăng 0,23% (24/07/2014)

>   Nhập siêu tháng 7 cao gấp 5 lần (23/07/2014)

>   CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh (22/07/2014)

>   Chuyên gia USAID: Người Việt lẽ ra phải có thu nhập 7.000 USD (21/07/2014)

>   Xem lại chủ trương "trải chiếu hoa" (21/07/2014)

>   CPI tháng 7 tại Hà Nội tăng 0,18% (21/07/2014)

>   Hướng đến hỗ trợ tăng trưởng (20/07/2014)

>   WB “mách nước” cho Việt Nam thành một nước hiện đại (18/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật