“Bán nhà cho nước ngoài phải chống rửa tiền”
Tại phiên họp ngày 12/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận việc sửa đổi dự án Luật Nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết rằng đã có một số ý kiến lo ngại và đề nghị cần có quy định để phòng, chống rửa tiền thông qua việc mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Tại kỳ họp thứ 7 diễn ra hồi tháng 6, qua thảo luận, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định của dự án Luật Nhà ở sửa đổi về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài
|
Tránh bị lợi dụng
Tại kỳ họp thứ 7 diễn ra hồi tháng 6, qua thảo luận, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định của dự án Luật Nhà ở sửa đổi về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên, cần đánh giá việc thực hiện chính sách đã ban hành cũng như nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong khu vực để bảo đảm tính khả thi.
Là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nêu quan điểm của Ủy ban là quy định cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong dự thảo luật đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thi hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 năm 2008 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Quy định này cũng đã tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan..., ông Lý nói.
Mặt khác, với quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở là chỉ áp dụng cho các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam; chỉ cho phép mua nhà ở thương mại trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm người nước ngoài cư trú, đi lại; chỉ được mua loại nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ... thì sẽ không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước, đặc biệt là không ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở.
Đồng thời, với các quy định chặt chẽ như vậy, thì vấn đề quốc phòng, an ninh vẫn được bảo đảm và cũng không nên quy định thêm về điều kiện cư trú.
Tuy nhiên, “Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu và bổ sung quy định chặt chẽ về phương thức thanh toán để phòng, chống việc rửa tiền, cụ thể là việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam”, ông Lý nhấn mạnh.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, cần lưu ý quy định cụ thể cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở để dễ quản lý, vì quy định điều kiện trong dự án luật này chưa rõ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nói, việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở là hợp lý, nhưng phải quy định chặt chẽ, tránh bị lợi dụng.
Duy trì nhà công vụ
Giải thích về luồng ý kiến đề nghị chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp dụng chế độ này cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác, theo Ủy ban Pháp luật, thời gian vừa qua để thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ của Đảng và Nhà nước, rất nhiều cán bộ đã được điều động, luân chuyển từ trung ương về địa phương hoặc từ địa phương lên trung ương, từ địa phương này đến địa phương khác công tác, trong đó không chỉ có các đối tượng là cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh.
Nếu quy định chỉ bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao có yêu cầu bảo vệ an ninh hoặc chỉ bố trí cho các cán bộ tại khu vực vùng sâu, vùng xa mà không bố trí nhà ở công vụ cho các cán bộ tại các thành phố lớn thì việc thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên thực tế.
Việc quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho những người này yên tâm công tác, đây cũng là một trong những chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước đang được triển khai trên thực tế theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành.
Mặt khác, trong điều kiện hiện nay chưa thể áp dụng chế độ nhà công vụ cho tất cả đối tượng cán bộ, công chức đang thực hiện công vụ, đồng thời việc đưa tiền thuê nhà ở công vụ vào tiền lương là phá vỡ mặt bằng chung về chế độ tiền lương và khó khả thi.
Nguyên Mẫn
vneconomy
|