76% ngân hàng thương mại Việt Nam lo ngại về nợ xấu
Ngày 13/08, Công ty kiểm toán Ernst & Young công bố Báo cáo khảo sát ngành ngân hàng tại các thị trường mới nổi.
* Công ty xử lý nợ xấu, một năm vừa đi vừa… lắp
* Ngân hàng sống nhờ trái phiếu: Nợ xấu đè nặng nền kinh tế!
* Nợ xấu địa bàn TPHCM vẫn tăng
Khảo sát này được thực hiện qua phỏng vấn hơn 50 lãnh đạo ngân hàng cấp cao và hơn 9.000 khách hàng ở 11 quốc gia.
Còn tại Việt Nam, có 17 ngân hàng tham gia khảo sát gồm các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài.
24% các ngân hàng Việt Nam tham gia cuộc khảo sát nghĩ rằng nợ xấu là vấn đề quan trọng nhất mà nền kinh tế đang đối mặt; 76% các ngân hàng Việt Nam tham gia cuộc khảo sát nghĩ rằng nợ xấu là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến ngành ngân hàng (so với 17% tại Malaysia, 33% tại Indonesia và 0% tại các thị trường sơ khai khác).
Cũng theo báo cáo, 94% ngân hàng Việt Nam trông đợi cải thiện kết quả tài chính. Các ngân hàng cũng trông đợi cải thiện một phần tình hình kinh tế Việt Nam. Trong số 17 ngân hàng trả lời khảo sát, 13 ngân hàng trông đợi cải thiện một phần nền kinh tế. Tuy nhiên, họ vẫn quan ngại rằng nhu cầu tiêu dùng yếu và năng suất lao động thấp có thể ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế.
Ông Keith Pogson, Giám đốc Điều hành Dịch vụ Tài chính Ngân hàng Ernst & Young châu Á - Thái Bình Dương, các ngân hàng Việt Nam lạc quan nhất về kinh doanh ngân hàng bán lẻ và tiền gửi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, triển vọng cho vay nói chung kém tích cực hơn lần khảo sát trước của Ernst & Young, trong tất cả các nước tham gia khảo sát, ngân hàng Việt Nam kém lạc quan về cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa mà chỉ thích cho vay tài trợ dự án.
Lý giải về điều này, ông Keith Pogson cho biết, thực tế ở nhiều quốc gia khác khi ngân hàng gặp nợ xấu thì Chính phủ có biện pháp kiểm soát và ngân hàng buộc phải cho vay doanh nghiệp có chất lượng, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa rủi ro nhiều hơn nên đây cũng là lẽ thường.
“Xét về khía cạnh xã hội thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại tạo ra nhiều việc làm, Chính phủ phải khuyến khích cho vay. Nhưng hiện lại bị rào cản là tỷ lệ nợ xấu và mức tăng trưởng tín dụng nên các ngân hàng phải tìm địa chỉ cho vay ít rủi ro hơn,” ông Keith Pogson chia sẻ.
Cũng theo Ernst & Young, các ngân hàng ở Việt Nam trông đợi nhu cầu tăng mạnh nhất ở các lĩnh vực cho vay bán lẻ, sản phẩm tiêu dùng, dịch vụ thương mại và chuyên nghiệp. Cho vay dự án hạ tầng và lĩnh vực giao thông dự kiến cũng sẽ tăng mặc dù báo cáo khảo sát lần trước của Ernst & Young dự báo sẽ giảm. Cho vay lĩnh vực năng lượng cũng dự kiến sẽ tăng do Chính phủ có kế hoạch nâng cấp và xây dựng mới các nhà máy lọc dầu và đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ không cho vay nhiều lĩnh vực như xây dựng, bất động sản.
“So với năm 2013, các ngân hàng năm 2014 tập trung cho vay các doanh nghiệp có dòng tiền tốt hơn. Đây là sự thay đổi lớn so với cho vay truyền thống ở Việt Nam là cho vay dựa trên tài sản đảm bảo,” ông Keith Pogson cho biết.
Với các sản phẩm ngân hàng bán lẻ, Ernst & Young cho biết, các ngân hàng Việt Nam trông đợi nhu cầu cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng tăng nhiều. Cũng theo khảo sát, 41% khách hàng Việt Nam có kế hoạch mở hoặc chuyển sang dùng loại thẻ tín dụng khác trong năm tới. Tiết kiệm cá nhân và các sản phẩm tiền gửi cũng được dự kiến tăng cao.
Theo một phần khảo sát khác, các ngân hàng Việt Nam đánh giá ngân hàng Nhật Bản là những đối thủ lớn nhất qua thực tế một số ngân hàng lớn của Nhật đã trở thành đối tác chiến lược của những ngân hàng lớn tại Việt Nam.
“Tôi không đồng ý với đánh giá này vì sau này Việt Nam sẽ phát triển mạnh về bán lẻ trong khi các ngân hàng Nhật không mạnh về mảng này. Đối thủ của các ngân hàng Việt Nam phải là các ngân hàng trong khu vực ASEAN”, ông Keith Pogson nhận định./.
Minh Thúy
vietnam+
|