Vật liệu xây dựng tìm lối thoát
Triển lãm về ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội, ngoại thất Vietbuild 2014 đã bế mạc cuối tuần qua. Từ chia sẻ của các doanh nghiệp, có thể thấy trong khó khăn chung của ngành vật liệu xây dựng, đã có những doanh nghiệp linh động tìm được giải pháp thoát ra.
Thực tế khác xa báo cáo
Thống kê mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 5-2014, vật liệu xây dựng nằm trong nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá mạnh nhất, đạt mức 0,43%. Trong đó, các loại vật liệu xây dựng chủ đạo như xi măng, sắt thép, gạch ốp lát có nhu cầu tăng đột biến, lượng tiêu thụ hàng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013. Cùng thời gian này, một báo cáo khác của Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng cũng lạc quan cho rằng, sức mua tăng mạnh ở thị trường vật liệu xây dựng đã góp phần kéo theo sự tăng trưởng cho ngành vận tải và các dịch vụ khác.
Trong khi đó, ghi nhận tại triển lãm Vietbuild 2014, tổ chức tại TPHCM từ ngày 18 đến 22-6 lại không thấy được sự lạc quan đó. Phần lớn các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng được hỏi đều cho rằng, lượng sản phẩm bán ra của họ trong sáu tháng đầu năm nay đã giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, mà nguyên nhân chính là ngành xây dựng-bất động sản bị trì trệ đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ vật liệu xây dựng.
Theo ông Lê Văn Hoan, Phó phòng kinh doanh của Công ty cổ phần Xây dựng Thép Tiên Phong tại Tây Ninh, doanh thu mỗi năm của doanh nghiệp này khoảng 10 tỉ đồng nhưng năm nay, tình hình kinh tế vẫn khó khăn và bất động sản còn trầm lặng, dự kiến doanh thu sẽ giảm sút đáng kể và sẽ không đạt kế hoạch. Doanh nghiệp trong nước là thế, nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài cũng không khá hơn. Đại diện của Công ty TNHH Taicera Keraben (liên doanh với Tây Ban Nha) chuyên sản xuất gạch ceramic cho biết, dự kiến trong năm 2014, công ty giảm 40% sản lượng bán ra so với năm 2013. Vị đại diện này giải thích, các dự án nhà ở đang trong quá trình hoàn thiện trên thị trường không nhiều, lượng nhà ở bán được lại càng ít, nên nhiều vật liệu trang trí, gạch men và các sản phẩm gốm sứ bán chậm.
Ghi nhận thực tế từ các cửa hàng bán vật liệu xây dựng tại TPHCM, chúng tôi nhận được nhiều cái lắc đầu ngán ngẩm từ cửa hàng nhỏ bán cát, xi măng, gạch đá đến những đại lý lớn của các công ty gạch, gốm sứ có tiếng trong nước. Ông Nguyễn Nguyên Hoàng, một chủ cửa hàng bán vật liệu trang trí trên xa lộ Hà Nội, quận 2, cho biết rất hiếm người đến mua hàng. “Bây giờ người ta lo cái ăn đã đủ mệt rồi thì tính gì đến việc sang sửa nhà cửa”, ông Hoàng nói.
Khó khăn của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng hiện nay còn xuất phát từ việc họ phải tăng giá bán khi chi phí vận tải tăng lên. Mở đầu việc tăng giá này là các sản phẩm trong ngành gốm sứ. Thông tin từ Hiệp hội
Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA) cho biết các mặt hàng gạch ốp lát và sứ vệ sinh trên cả nước sẽ sớm đồng loạt tăng giá 10-15% so với trước đó.
Tìm hướng mới để thoát khó
Cũng tại Vietbuild 2014 tại TPHCM vừa qua, bên cạnh những doanh nghiệp than khó, vẫn có những doanh nghiệp bán được sản phẩm, thậm chí bán nhiều hơn mọi năm vì tìm được lối thoát. Chẳng hạn, trong năm 2014, Công ty cổ phần GRC Việt Nam, doanh nghiệp chuyên sản xuất những vật liệu xây dựng nhẹ, không nung cho các công trình cao ốc, khu nghỉ dưỡng lại có thể tăng 50% doanh số so với cùng kỳ năm 2013 do áp dụng công nghệ mới để tạo ra những vật liệu tiết kiệm chi phí, giá phải chăng. Một chủ doanh nghiệp tư nhân sản xuất gạch bông ở huyện Bình Chánh, TPHCM cho biết, sản phẩm của doanh nghiệp vẫn bán ổn định tại các vùng ngoại thành và các tỉnh lân cận. Giải thích điều này, chủ doanh nghiệp cho rằng đó là do nhu cầu xây nhà mới của người dân ở các tỉnh lân cận vẫn rất đều đặn, và vì công ty đã tập trung sản xuất các sản phẩm bình dân, giá rẻ nhắm đến đối tượng này.
Còn ông Christian Gross, đại diện quốc tế Công ty TNHH Cửa sổ Việt châu Á, thì đưa ra giải pháp mở rộng thị trường kinh doanh. Hiện tại, công ty này không chỉ hoạt động tại Việt Nam mà cả thị trường tại Campuchia và dự kiến sẽ mở thêm cơ sở tại những nước khác.
Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho rằng thị trường vật liệu xây dựng phụ thuộc khá lớn vào thị trường bất động sản - xây dựng, dù ngành này vẫn phục vụ cho các ngành giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng. Ông Huynh cho biết, sau ba năm khủng hoảng và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm kéo dài từ 2011-2013, thị trường vật liệu xây dựng trong những tháng đầu năm 2014 đã dần ổn định, tuy vậy vẫn chưa thể lạc quan. Ông Huynh dẫn chứng, năm 2011, sản lượng xi măng tiêu thụ thực tế trên cả nước là đạt khoảng 49 triệu tấn, đến năm 2012, 2013 chỉ đạt từ 45-46 triệu tấn và năm nay, sản lượng này tăng không đáng kể.
Còn ông Chu Văn Minh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng), đánh giá, một thời gian dài, bất động sản đã “sống ảo” so với thực lực của mình, khiến vật liệu xây dựng cũng bị cuốn theo chiều hướng đó. Ông Minh cho rằng, khi thị trường bất động sản trở về đúng giá trị của nó thì vật liệu xây dựng cũng định hình được vị trí của mình.
Theo ông Minh, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải tìm được hướng đi mới để thoát khó, chẳng hạn áp dụng công nghệ cao để tiết kiệm chi phí sản xuất, từ đó mới hy vọng có lãi.
Riêng ông Đỗ Văn Quất, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh, cho rằng đã đến lúc các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, các chủ đầu tư và thi công các công trình xây dựng nên ngồi với nhau để tìm ra giải pháp thoát khó. Theo ông Quất, sự liên kết này có thể đảm bảo khả năng tiêu thụ cho sản phẩm vật liệu xây dựng đồng thời tiết kiệm được chi phí xây dựng cho các công trình. Ở một khía cạnh khác, ông Trần Văn Huynh nhận định, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong nước cũng phải cạnh tranh khắc nghiệt với vật liệu xây dựng ngoại nhập. Do đó, ông Huynh khuyên các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước nên bắt tay hợp tác với nhau, khi đó họ mới đủ sức thắng được hàng ngoại.
Mạnh Tùng
tbktsg
|