Đấu giá quyền sử dụng đất - phương thức tăng thu NSNN
Tăng cường việc giao đất, cho thuê đất qua hình thức bán đấu giá là một trong những chủ trương, định hướng lớn trong chính sách, pháp luật về đất đai.
Kết quả bán đấu giá quyền sử dụng đất do các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản đã đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản, thực hiện hiệu quả pháp luật về đất đai, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách các địa phương.
Điểm sáng Cần Thơ
Một trong những địa phương đi đầu chủ trương chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất là TP.Cần Thơ. Từ khi Nghị định số 17 có hiệu lực, TP.Cần Thơ đã không còn Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất (được thành lập theo Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất).
Việc chuyển giao chức năng đấu giá quyền sử dụng đất từ Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất sang cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp được thực hiện theo Chỉ thị số 02 của UBND TP về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản.
Theo đó, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.Cần Thơ được giao tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất trong thành phố và Trung tâm này đã đổi mới cách thức tổ chức bán đấu giá.
Cụ thể, trước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, Trung tâm luôn có kế hoạch khảo sát thị trường để xác định mãi lực của tài sản. Các yếu tố về giá trị sử dụng, nhu cầu thị trường đối với quyền sử dụng đất bán đấu giá được Trung tâm ghi nhận, phân tích kỹ lưỡng làm cơ sở để quyết định hình thức tổ chức bán đấu giá (trả giá trực tiếp bằng lời nói, trả giá bằng phiếu không hạn chế số vòng đấu hay trả giá bằng phiếu hạn chế số vòng đấu) cho phù hợp.
Đối với quyền sử dụng đất tọa lạc tại các quận, huyện xa trung tâm thành phố, bên cạnh việc niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Nghị định số 17, Trung tâm còn phối hợp với đơn vị đại diện ký hợp đồng thực hiện việc đăng thông báo bán đấu giá trên đài truyền thanh, treo băng-rôn, niêm yết bản đồ quy hoạch từng khu đất bán đấu giá tại các địa điểm thích hợp để thông tin bán đấu giá quyền sử dụng đất được phổ biến rộng rãi, giúp người dân tại địa phương dễ dàng tiếp nhận.
Không những thế, để thuận lợi cho người dân, Trung tâm còn tăng cường tổ chức phiên bán đấu giá tại địa phương để người dân tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại, từ đó thu hút được nhiều khách hàng hơn.
Đối với quyền sử dụng đất phân lô bán nền với số lượng lớn, trên cơ sở thu thập và phân tích các thông tin cần thiết, Trung tâm chủ động tư vấn đề xuất cho đơn vị đại diện ký hợp đồng bán theo lô hay bán lẻ từng nền hoặc chia thành nhiều đợt bán để tăng mãi lực của quyền sử dụng đất nhằm bán được giá cao nhất, tránh làm thất thoát nguồn thu của ngân sách.
Nhờ những cách đổi mới ấy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Nhu phấn khởi cho biết, đến nay Trung tâm đã ký được 38 hợp đồng bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 1.600 tỷ đồng; hoàn thành được 17 hợp đồng với giá bán được đạt gần 913 tỷ đồng đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm trên 7,2 tỷ đồng.
Từ e ngại chuyển sang đồng thuận
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng mạnh dạn chuyển giao, đổi mới cách thức tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất để có được thành công khả quan như TP.Cần Thơ.
Do đó, ngày 21/12/2012, Bộ Tư pháp có Công văn số 9336/CV-BTP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh việc thi hành hiệu quả Nghị định số 17, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tại địa phương; chỉ đạo việc bán đấu giá quyền sử dụng đất phải được tiến hành thông qua các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp theo quy định của Nghị định số 17.
Đặc biệt, Công văn nhấn mạnh không thành lập hoặc duy trì hoạt động của Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện trái với quy định hiện hành.
Nhờ vậy, hiện nay đa số UBND các tỉnh đã nhận thức đúng và đồng thuận thực hiện chủ trương chuyển giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất từ các Hội đồng bán đấu giá sang cho các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp. Theo thống kê chưa đầy đủ, các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp đã bán đấu giá quyền sử dụng đất thu được hơn 14.218 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm khoảng 2.008 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhận định, một số cơ quan, tổ chức liên quan ở một số địa phương chưa nhận thức đúng về chủ trương chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất. Để khắc phục tồn tại này, theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các Sở, ban, ngành rà soát các Quy chế bán đấu giá và các văn bản liên quan khác do địa phương ban hành để phát hiện, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định không phù hợp với Nghị định số 17 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với các Sở Tư pháp, cần chủ động, làm tốt vai trò tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong việc chỉnh sửa, ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản, Quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất và các văn bản quy phạm khác liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản. Về phần mình, Cục Bổ trợ tư pháp đề xuất sớm nghiên cứu, xây dựng Luật Đấu giá tài sản theo hướng quy định thống nhất về trình tự, thủ tục bán đấu giá đối với các loại tài sản bán đấu giá, trong đó có bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Yến Nhi
pháp luật Việt Nam
|