Thứ Ba, 15/07/2014 06:47

Thị trường điện cạnh tranh: Sân chơi của các ‘ông lớn’

Thị trường phát điện cạnh tranh đã tròn 2 năm đi vào hoạt động nhưng các nhà máy thủy điện nhỏ vẫn chưa được tham gia. Đây là một nguyên nhân khiến thị trường này chưa thực sự cạnh tranh.

Thủy điện Sông Miện, Hà Giang được xem là một thủy điện nhỏ chưa được tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh - Ảnh: Ngọc Hà

Thủy điện nhỏ bị gạt ra rìa

Thị trường phát điện cạnh tranh, cấp độ 1 chính thức vận hành từ 1.7.2012, đến nay theo ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn điện lực VN (EVN), số lượng các đơn vị tham gia đã có đến 48/100 nhà máy. Nhưng điều đáng nói là EVN mới chỉ cho các nhà máy có công suất trên 50 MW tham gia.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư năng lượng VN Trần Viết Ngãi cho rằng, điều này là không công bằng vì hiện nay, nhiều nhà máy thủy điện nhỏ của tư nhân cũng có vai trò rất quan trọng trong cung ứng điện ở cấp địa phương. “EVN nên cho các nhà máy điện có quy mô trên 30 MW tham gia thị trường phát điện, còn các nhà máy nhỏ hơn thì cũng nên mua cho họ với giá hợp lý để bổ sung nguồn cho hệ thống. Nếu các nhà máy thủy điện nhỏ được tham gia, ví dụ như ở khu vực phía bắc, sẽ giúp EVN giảm bớt việc lệ thuộc, mua điện từ Trung Quốc với giá khá cao như hiện nay”, ông Ngãi góp ý.

 Sau khi rà soát, chọn lọc lại những nhà máy có quy mô, sản lượng tốt, nằm trong quy hoạch, không ảnh hưởng đến môi trường... để họ tham gia hệ thống thì đây cũng là những nguồn điện rất tốt, bổ sung cho hệ thống điện quốc gia. Không lý gì chúng ta không cho họ tham gia thị trường điện.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư năng lượng VN

Ông Ngãi cũng cho biết, hiện có hàng trăm dự án thủy điện nhỏ ở 3 miền. Tổng công suất các dự án thủy điện nhỏ ở miền Trung lên tới 200 - 300 MW, phía bắc có khoảng 200 MW... “Sau khi rà soát, chọn lọc lại những nhà máy có quy mô, sản lượng tốt, nằm trong quy hoạch, không ảnh hưởng đến môi trường... để họ tham gia hệ thống thì đây cũng là những nguồn điện rất tốt, bổ sung cho hệ thống điện quốc gia. Không lý gì chúng ta không cho họ tham gia thị trường điện”, ông Ngãi trao đổi với Thanh Niên.

Một chuyên gia của Hội Điện lực VN phân tích, thời gian qua, các dự án thủy điện nhỏ bị nhiều tai tiếng về việc làm phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, phá rừng... Những dự án không đúng quy hoạch cần loại bỏ. Còn các dự án được đầu tư bài bản, không ảnh hưởng tới môi trường... cũng có vai trò rất lớn.

Theo Hội Điện lực VN, tham gia thị trường điện hiện chủ yếu là các nhà máy điện của EVN, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), còn các nhà máy thủy điện nhỏ, chủ yếu của tư nhân không được góp mặt. “Nếu cho các nhà máy có quy mô 30 - 50 MW tham gia, cũng là một yếu tố thúc đẩy cạnh tranh để hình thành mức giá điện hợp lý”, chuyên gia của hội này nói.

Bị ép giá

Theo chuyên gia trên, các nhà máy thủy điện nhỏ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, do bị các công ty điện lực địa phương của EVN o ép về giá (thường chỉ mua với giá 800 - 900 đồng/kWh, so với giá mua từ Trung Quốc hoặc các nhà máy nhiệt điện dao động khoảng 1.300 đồng/kWh), bị gây khó khi đấu nối vào hệ thống... Nếu không cho phép họ tham gia thị trường, được bán điện với giá cạnh tranh thì không ít nhà máy có khả năng “chết”. Điều này rất nguy hại vì rất nhiều thời điểm thiếu điện, nếu mất đi sản lượng ở các nhà máy nhỏ, càng khiến cho cung - cầu điện thêm căng thẳng.

Ông Lê Trường Thủy, Giám đốc Công ty CP thủy điện Mai Châu (Hòa Bình) cho rằng, hiện nay, chưa thể nói có thị trường điện cạnh tranh vì trên thực tế, người mua, người bán gần như chỉ định sẵn. “Chính phủ cho phép các thành phần kinh tế đầu tư vào thủy điện nhỏ nhưng danh sách các nhà máy điện tham gia thị trường điện, chủ yếu là các nhà máy của EVN và các tập đoàn nhà nước khác thì làm gì còn cơ hội cho các chủ đầu tư thủy điện nhỏ?”, ông Thủy nói.

Chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Nậm Khóa (Lào Cai), bà Dương Thị Lợi, Giám đốc Công ty CP Linh Linh cho biết, các nhà máy thủy điện nhỏ ở Lào Cai, Hà Giang đang gặp nhiều khó khăn do bị ép giá, phải giảm công suất phát điện vào giờ cao điểm. “Chúng tôi cùng ký đơn kiến nghị lên Bộ Công thương, EVN nhiều lần nhưng tình hình không được cải thiện, họ thậm chí chẳng trả lời, nói gì đến việc được tham gia thị trường điện”, bà Lợi nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong thời gian tới, EVN sẽ tìm cách tăng số lượng các đơn vị tham gia thị trường, đẩy mạnh cổ phần hóa các tổng công ty điện thuộc EVN, thu hút các nhà máy điện lớn đa mục tiêu tham gia để tăng cạnh tranh cho thị trường điện. Nhưng ông cũng chưa nói một câu nào về việc mời các nhà máy thủy điện nhỏ tham gia và thị trường điện cạnh tranh vẫn chỉ là sân chơi cho những nhà máy lớn.

Mạnh Quân

thanh niên

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu sang UAE 6 tháng đầu năm tăng 25% (15/07/2014)

>   Cần sự chuyển biến (15/07/2014)

>   Thị trường Úc chuộng thủy sản Việt Nam (15/07/2014)

>   Nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng (15/07/2014)

>   Đàm phán TPP: Bất đồng khiến "chưa có ánh sáng cuối hầm" (14/07/2014)

>   Hợp đồng dân sự vi phạm về hình thức vẫn có hiệu lực (14/07/2014)

>   Ba kịch bản quan hệ kinh tế Việt - Trung sau vụ giàn khoan HD-981 (14/07/2014)

>   Xuất khẩu của Đồng Nai sang Mỹ duy trì mức tăng trưởng cao (14/07/2014)

>   Giải bài toán giảm chi phí sản xuất cho ngành mía đường Việt Nam (14/07/2014)

>   Cần 2 tỷ USD để nâng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất (14/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật