Ba kịch bản quan hệ kinh tế Việt - Trung sau vụ giàn khoan HD-981
Có một số kịch bản được dự báo sẽ xảy ra tới đây trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc sau sự xuất hiện của giàn khoan HD-981, song theo một số chuyên gia, kịch bản “vừa đấu tranh, vừa hợp tác” có nhiều khả năng xảy ra nhất.
Nhóm nghiên cứu về quan hệ kinh tế Việt – Trung do ông Nguyễn Quốc Trường và Ngô Hải Long chủ trì trong báo cáo công bố hôm nay với chủ đề “Vụ giàn khoan HD-981 và kịch bản hợp tác kinh tế Việt- Trung” đã đưa ra quan điểm trên.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Trung giai đoạn 2007-2013 (tỉ đô la Mỹ)
|
Nghiên cứu do Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam - Vietnam Report phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ kinh tế Việt Trung thực hiện.
Ba kịch bản
Nghiên cứu này đưa ra ba kịch bản chính về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới:
Kịch bản xấu: Trung Quốc tiến hành “trả đũa” mạnh mẽ Việt Nam về kinh tế, hoặc mức cao hơn là cắt đứt quan hệ kinh tế song phương, cấm vận kinh tế trong những năm tới, trong trường hợp tranh chấp ở Biển Đông leo thang.
Kịch bản trung bình: Quan hệ kinh tế giữa hai nước có các thay đổi sâu sắc, chuyển từ “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” sang trạng thái “vừa đấu tranh, vừa hợp tác”.
Kịch bản tốt: Sự căng thẳng trên biển Đông không ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ kinh tế giữa hai nước.
“Từ tham vọng và thực lực của Trung Quốc, cũng như tín hiệu từ những tuyên bố cứng rắn, bất chấp dư luận quốc tế của giới lãnh đạo nước này trong những ngày qua, khả năng Trung Quốc trả lại sự yên bình cho Biển Đông là khó xảy ra. Điều này đặt Việt Nam trước việc phải chấp nhận một thực tế là trong giai đoạn tới, đất nước sẽ phải phát triển kinh tế trong điều kiện không có có môi trường hoàn toàn thuận lợi do những lo ngại về bất ổn”, báo cáo viết. Vì thế, nhóm nghiên cứu cho rằng kịch bản (trung bình) “vừa đấu tranh, vừa hợp tác” có nhiều khả năng xảy ra nhất.
Kịch bản (xấu) cấm vận và trừng phạt kinh tế là khó xảy ra. Trong ngắn hạn Trung Quốc ít có khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đối với Việt Nam do bản thân Trung Quốc cũng bị thiệt hại cả về kinh tế và chính trị. Trung Quốc thiếu các công cụ hữu hiệu để trừng phạt và cấm vận kinh tế Việt Nam và sự trừng phạt và cấm vận kinh tế của Trung Quốc không đủ sức gây tác động nghiêm trọng và dài hạn tới nền kinh tế có độ mở cửa rất cao của Việt Nam…
Trong khi đó, kịch bản tốt, tức là quan hệ kinh tế Việt – Trung hoàn toàn không bị ảnh hưởng, cũng khó xảy ra bởi sự leo thang căng thẳng trên biển Đông chắc chắn sẽ dẫn tới các điều chỉnh chiến lược về kinh tế của các bên có liên quan.
Theo báo cáo này, kịch bản quan hệ kinh tế "vừa đấu tranh, vừa hợp tác” giữa Việt Nam và Trung Quốc có tiềm năng gây khó khăn cho kinh tế Việt Nam do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và các nhà thầu Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao trong các hợp đồng EPC tại các lĩnh vực quan trọng của kinh tế Việt Nam.
Khó khăn trước mắt
Về mặt chiến lược, Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong việc tận dụng sự trỗi dậy của cường quốc kinh tế Trung Quốc như một thị trường khổng lồ cũng như nguồn cung cấp vốn, công nghệ và đổi mới cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng xấu trong ngắn hạn. Trung Quốc chiếm vị trí số một trong các nước xuất khẩu tới Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nguyên vật liệu, máy móc đầu vào sản xuất. Các doanh nghiệp Việt Nam, vốn lệ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc (chẳng hạn, nhập khoảng 70% số giống lúa, 80% số nguyên liệu dệt may… từ Trung Quốc) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ đối mặt nhiều khó khăn lớn.
Căng thẳng trong quan hệ Việt Trung có thể có ảnh hưởng nhất định tới nguồn cung cấp các đầu vào này từ Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu như Việt Nam không có sự chuẩn bị trong tìm kiếm thay thế các đối tác thương mại khác, GDP có thể giảm tới 10 điểm phần trăm nếu như Trung Quốc cắt đứt quan hệ kinh tế với Việt Nam.
Do Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với nhiều nhiều nông sản của Việt Nam (cao su, gạo, sắn, hoa quả), sự gián đoạn bất thường của hoạt động nhập khẩu nông sản Việt Nam có thể gây ra những khó khăn trực tiếp tới những người nông dân Việt Nam – nhóm người có tính dễ tổn thương cao. Nếu không có các biện pháp chuẩn bị phù hợp, điều này có thể gây ra những bất ổn nhất định trong đời sống kinh tế xã hội của nông thôn Việt Nam.
Ngành du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng do lượng du khách từ Trung Quốc suy giảm. Trong giai đoạn 2007-2013, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng bình quân khoảng 22,8%; tăng từ mức hơn 557 nghìn lượt người năm 2007 lên 1,9 triệu lượt khách năm 2013. Trung Quốc luôn đứng đầu về lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trung bình chiếm khoảng 21-23% tổng số du khách nước ngoài vào Việt Nam.
Cơ hội
Nhìn chung, chính sách cấm vận của Trung Quốc (nếu xảy ra) mặc dù sẽ gây tổn thất đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên những tổn thất này chủ yếu có tính ngắn hạn và trên phạm vi của một số ngành nghề nhất định.
Tỷ trọng xuất nhập khẩu Việt - Trung trong tổng xuất nhập khẩu Việt Nam 2007-2013 (%)
|
Trên thực tế, trong khoảng hai tháng sau khi Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông và quan hệ Việt - Trung căng thẳng, ngoại trừ lĩnh vực du lịch, các lĩnh vực kinh tế khác của Việt Nam cơ bản vẫn ổn định. Theo nhận định của Tổng cục thống kê, Việt Nam lại có những chỉ báo về kinh tế khá tốt trong tháng 5 và tháng 6 năm 2014 với những dấu hiệu rõ rệt của việc nền kinh tế đã thoát đáy.
Có thể thấy, bên cạnh các khó khăn, thách thức nêu trên, vụ giàn khoan HD-981 cũng mang lại một số cơ hội cho Việt Nam, giúp Việt Nam đánh giá đúng tình hình quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, các mối quan hệ đối ngoại, để từ đó Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp đưa ra các quyết sách kinh tế mang tính chiến lược và dài hạn.
“Vụ giàn khoan HD-981 đã và đang góp phần tạo ra động lực, quyết tâm cải cách mạnh mẽ hơn với Việt Nam, nhất là trong giới hoạch định chính sách và doanh nghiệp. Một loạt chính sách lớn liên quan kinh tế biển, chính sách đối với ngư dân bám biển… đang được quan tâm, đề xuất”, nhóm nghiên cứu viết, “Trong trường hợp Việt Nam bị Trung Quốc trả đũa về kinh tế, thậm chí cắt đứt quan hệ kinh tế, thì trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ đối mặt những thách thức lớn với nền kinh tế, song về lâu dài, điều này có ý nghĩa quan trọng giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách, chuyển hướng và lành mạnh hóa nền kinh tế. Cơ hội lớn nhất của Việt Nam là khả năng tận dụng sức ép từ thay đổi quan hệ kinh tế Việt - Trung như là một động lực để thúc đẩy các cải cách tái cơ cấu kinh tế trong nước vốn đã không thể trì hoãn”.
Kịch bản “vừa đấu tranh, vừa hợp tác” là cơ hội để kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi “quỹ đạo” lệ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời tăng cường ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc vào Việt Nam, tăng cường kiểm soát lao động bất hợp pháp và các dự án đầu tư kém hiệu quả của nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm. Một số ngành nghề, như ngành đóng tàu, có thể hưởng lợi nhờ những việc gia tăng đơn đặt hàng.
Như vậy, nhìn tổng quan, những kịch bản thay đổi quan hệ kinh tế Việt – Trung sẽ vừa mang lại những thách thức, cũng như các cơ hội đối với triển vọng kinh tế vĩ mô, cũng như kinh doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thách thức và cơ hội lớn nhất của kinh tế Việt Nam là định hướng phát triển kinh tế Việt Nam sẽ phải có những thay đổi quan trọng thích ứng với tình hình mới, trong đó Việt Nam ngày càng khó tận dụng hơn những cơ hội khổng lồ từ sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc. Sẽ là thiếu thực tiễn và bỏ lỡ cơ hội nếu Việt Nam tìm cách hạn chế quan hệ kinh tế giữa hai nước. Thay vào đó, Việc Nam cần có một chiến lược hợp tác kinh tế quốc tế khôn ngoan hơn và cân bằng hơn.
Hơn nữa, những chuyển động gần đây của quan hệ kinh tế Việt - Trung cần được đặt trong bối cảnh rộng hơn, khi hàng loạt thay đổi mạnh mẽ về thể chế kinh tế, về cấu trúc kinh tế, về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, về chế độ sở hữu, về giá cả cạnh tranh, về hội nhập kinh tế quốc tế… đang được định hình, thảo luận và đệ trình tại Đại hội thứ XII của Đảng dự kiến tổ chức vào đầu năm 2016.
Hồng Phúc
tbktsg
|