Coi chừng lại có “bão” giá
Ngày 23.6.2014, xăng tăng giá thêm 330 đồng/lít, đẩy giá xăng A92 lên 25.230 đồng/lít. Dư luận còn chưa kịp “định thần” thì tối 7.7 - tức là chỉ sau 14 ngày - xăng lại tăng giá thêm 410 đồng/lít, đưa giá xăng A92 lên tới 25.640 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong giá xăng nêu trên, thuế và phí mỗi lít xăng là 10.743 đồng. Vậy mà các nhà quản lý xăng dầu vẫn cho rằng, mức tăng giá như thế là do được trích bù từ Quỹ bình ổn 500đ/lít, nếu không đợt này giá xăng phải tăng 918đ/lít. Còn theo bản tin tài chính VTV1 trưa ngày 10.7 đưa tin: Xăng A92 của Malaysia chỉ bằng nửa giá xăng của Việt Nam (?).
Xăng tăng giá, lập tức hàng loạt hãng vận tải đồng loạt lên tiếng sẽ tăng giá cước, bởi mức giá xăng dầu hiện tại, các doanh nghiệp vận tải phải chịu lỗ.
Các mặt hàng thực phẩm, trứng gia cầm, rau củ quả… cũng mượn cớ xăng dầu tăng giá nên “đồng lõa” tăng giá mạnh. Tại TPHCM, rau củ quả đã tăng giá hơn tuần trước. Điển hình là các mặt hàng rau Đà Lạt tăng từ 2.000đ – 5.000đ/kg; trứng gia cầm từ ngày 7.7 cũng tăng từ 3.000đ – 5.000đ/hộp (10 quả)…
Trong lúc xăng tăng giá còn đang làm dư luận “bốc hỏa”, thì chiều ngày 9.7, TP.Hà Nội đã đồng ý cho tăng giá 1.348 dịch vụ kỹ thuật y tế đối với cơ sở khám, chữa bệnh của thành phố quản lý. Theo đó, bệnh viện hạng I tăng giá từ mức 80% lên 100%; bệnh viện hạng II từ mức 75% lên 95%; bệnh viện hạng III, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh từ mức 70% lên 90%; trạm y tế từ mức 65% lên 85%.
Bổ sung giá 135 dịch vụ kỹ thuật y tế… điều này sẽ thêm lý do cho thị trường bấu víu vào để đẩy các loại giá cả lên một mặt bằng mới, tạo nên cơn “bão” giá là điều khó tránh. Nhất là khi đang có hàng loạt mặt hàng thiết yếu như than, điện, nước, sữa... cũng đang ngấp nghé đòi tăng giá tiếp.
Nền kinh tế mới chỉ có dấu hiệu phục hồi, thu nhập của người lao động chưa tăng, sức mua của người dân chưa mấy cải thiện mà các nhà quản lý đã “mở van” tăng giá ồ ạt thì làm sao mà kích được cầu tiêu dùng để kích thích sản xuất. Và khi mà giá cả cứ đua nhau tăng quá cao, người tiêu dùng càng thắt chặt chi tiêu hơn nữa thì chuyện thiểu phát tiếp tục kéo dài là khó tránh.
Đã nhiều lần, khi giá xăng thế giới tăng, Chính phủ cho giảm thuế nhập khẩu xăng để bình ổn mặt bằng giá cả trong nước. Thậm chí có những lúc thuế nhập khẩu xăng dầu còn được đưa về 0% để ổn định thị trường, vậy mà nay sao không làm như thế? Mong các nhà quản lý giá cả hãy cân nhắc khả năng chi tiêu của người lao động trước khi quyết định cho những mặt hàng thiết yếu thêm một lần tăng giá.
Công Thắng
lao động
|