Chủ Nhật, 13/07/2014 09:09

Sau 2 năm thực hiện Quy hoạch Phát triển ngành than đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Lộ diện những khó khăn...

Quy hoạch Phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 60/QĐ-TTg ngày 9 tháng 1 năm 2012 (Quy hoạch 60). Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện Quy hoạch 60 có nhiều khó khăn khiến việc thực hiện quy hoạch khó khả thi.

Nguyên nhân gặp khó

Để đạt được những mục tiêu trong Quy hoạch đề ra đòi hỏi phát triển ngành than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của các địa phương và các ngành kinh tế khác. Phát huy tối đa nội lực (vốn, khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước…) kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành; đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong ngành than trên cơ sở doanh nghiệp do nhà nước chi phối đóng vai trò chủ đạo; thực hiện kinh doanh than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước để phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Phát triển ngành than gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng trên địa bàn, đặc biệt là vùng than Quảng Ninh…

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn - cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện, có nhiều nguyên nhân khiến việc thực hiện Quy hoạch khó khả thi. Trong đó có 5 nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác các dự án còn chậm. Ví như đến thời điểm hiện nay, TKV mới chỉ được cấp 5 trên tổng số 33 giấy phép thăm dò than của giai đoạn đến năm 2015. Thêm vào đó, cơ chế chính sách cho đầu tư dự án phát triển mỏ như: vốn đầu tư, thủ tục đấu thầu, tự thi công… cũng gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, giữa Quy hoạch phát triển ngành đã được Thủ tướng phê duyệt với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn chưa đồng bộ. Phạm vi vùng cấm và hạn chế khai thác than trên địa bàn địa phương phát sinh thêm khá nhiều so với quy hoạch phát triển ngành. Bên cạnh đó, quy hoạch khu dân cư hay khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phục vụ du lịch của tỉnh… cũng tăng lên nên hạn chế nhiều khu vực khai thác theo Quy hoạch 60.

Thứ ba, về thị trường than trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2012 đến nay, nhu cầu than luôn giảm và giá than cũng giảm nhiều. Trong khi đó, giá thành sản xuất 1 tấn than ngày càng tăng do chi phí các yếu tố đầu vào tăng, ngành than ngày càng phải khai thác xuống sâu hơn, cung độ vận chuyển xa hơn. Chính vì vậy, ngành Than buộc phải điều chỉnh giảm sản lượng để đảm bảo cân đối tài chính, công ăn việc làm cho cán bộ công nhân và người lao động. Từ sản lượng 44 triệu tấn năm 2011 đến nay chỉ sản xuất dưới 40 triệu tấn.

Theo Quyết định 60/QĐ-TTg, mục tiêu sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành năm 2012 đạt 45-47 triệu tấn; năm 2015 đạt 55-58 triệu tấn; năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn; năm 2025 đạt 66-70 triệu tấn; năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn…

Thứ tư, năng lực thi công các mỏ mới của các đơn vị trong ngành cũng còn hạn chế, do hầu hết việc mở các mỏ than hiện nay phải sử dụng giếng đứng trong khi việc thi công giếng đứng là phức tạp đối với ngành Than Việt Nam hiện nay.

Thứ năm, các loại thuế và phí chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản xuất than. Đến thời điểm 2014, các loại thuế, phí chiếm trên 23% giá thành than trong nước và khoảng 30% giá thành than xuất khẩu. Chính vì vậy, ngành than không còn điều kiện để tích lũy tái đầu tư phát triển các dự án nâng cao năng lực sản xuất than, nâng cao được sản lượng đáp ứng theo yêu cầu Quy hoạch 60.

Đề xuất tháo gỡ

Để tháo gỡ những khó khăn trên, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Lê Minh Chuẩn, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của ngành Than, Chính phủ cần có những giải pháp, chỉ đạo các Bộ, Ban ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn trên. TKV cũng đã báo cáo Chính phủ và đề xuất một số kiến nghị:

Một là, để thực hiện phát triển ngành Than đúng Quy hoạch, đề nghị Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước thực hiện quy hoạch theo Quyết định 60/QĐ- TTg để có sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, hỗ trợ cho TKV thực hiện Quy hoạch.

Hai là, cần xem xét kỹ lưỡng mối liên hệ giữa Quy hoạch địa phương với Quy hoạch phát triển ngành do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xác định quy hoạch nào là quy hoạch được ưu tiên trước, quy hoạch nào ưu tiên sau. Việc xem xét này phải đảm bảo sự hài hòa và thống nhất giữa Quy hoạch của phát triển ngành với quy hoạch phát triển của địa phương và phải có tính ổn định, lâu dài. Mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia phải được coi là quy hoạch ưu tiên và các cấp, các ngành, địa phương phải có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp thực hiện.

Ba là, vấn đề điều tiết thị trường giữa các hộ tiêu thụ (các nhà máy nhiệt điện, xi măng…) với TKV rất cần sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Nên chăng cần có sự cam kết chặt chẽ giữa những hộ dùng than lớn như hộ điện, phân bón, đạm, xi măng với nhà sản xuất than là TKV. TKV có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này sẽ chịu trách nhiệm tổ chức các dự án sản xuất than để bảo đảm phù hợp giữa cung và cầu.

Bốn là, về nguồn vốn. Nhà nước nên nghiên cứu cơ chế chính sách để ngành Than có vốn tái đầu tư phát triển các dự án sản xuất, kể cả cơ chế, chính sách về thuế, phí. Thêm vào đó, có thể hợp vốn của các hộ dùng nhiều than, như EVN, PVN… cùng TKV thu xếp vốn phát triển các mỏ với sự cam kết dài hạn về sử dụng than lâu dài, để ngành than vừa có thể sản xuất trong nước, vừa làm tốt công tác nhập khẩu than.

Năm là, công tác tuyên truyền đến công chúng và các thành phần kinh tế khác cũng cần chú ý thực hiện tốt để tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện Quy hoạch, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

P.V

công thương

Các tin tức khác

>   Thêm dự án nhiệt điện tỷ USD tại miền Trung (12/07/2014)

>   Chỉ số công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 5,8% (12/07/2014)

>   XK mực, bạch tuộc sang EU tăng trưởng khá (12/07/2014)

>   "Bài toán" giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc (12/07/2014)

>   PCI, chuyện của một tỉnh “đội sổ” (12/07/2014)

>   Xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV trên kinh nghiệm Nhật, Hàn (12/07/2014)

>   Tây Ninh lập 2 KCN dệt may và công nghiệp hỗ trợ (12/07/2014)

>   Xuất khẩu gỗ sang Trung Đông nhiều hứa hẹn (12/07/2014)

>   Có nên “khai tử” ban kiểm soát công ty? (12/07/2014)

>   Biệt đãi Formosa: Thế giới cảnh báo Việt Nam cho nhiều quá! (12/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật