Thứ Hai, 14/07/2014 06:52

Doanh nghiệp Nhà nước ì ạch thoái vốn ngoài ngành

6 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước mới thoái vốn đầu tư ngoài ngành được 821,8 tỷ đồng. Dù kết quả này xấp xỉ giá trị đạt được của cả năm 2013, song vẫn là ì ạch so với tổng giá trị phải thực hiện đến năm 2015 là 22.000 tỷ đồng.

Mới đạt hơn 20% kế hoạch

Ngày 23/1/2014, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 4,25 triệu cổ phiếu BMI cho một đối tác nước ngoài, ước tính thương vụ này mang lại cho Vietnam Airlines khoảng 58 tỷ đồng.

Trước đó, cuối năm 2013, Vietnam Airlines cũng thu về 370 tỷ đồng từ thoái vốn khỏi ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank). Như vậy, tổng giá trị thoái vốn của doanh nghiệp này khỏi hai lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm xấp xỉ 430 tỷ đồng. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, đã có kế hoạch bán tiếp cổ phần tại 8 doanh nghiệp còn lại theo đề án được Chính phủ phê duyệt.

Nhằm kiểm soát việc đầu tư ra ngoài ngành, Nghị định về tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước vừa được ký ban hành, có hiệu lực từ 1/9/2014 quy định, nghiêm cấm việc kinh doanh những ngành nghề không liên quan.

Vietnam Airlines là một trong số ít các doanh nghiệp có kết quả tích cực trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành khi riêng “thương vụ Techcombank” đã chiếm trên 30% tổng giá trị của tất cả các tập đoàn, tổng công ty đạt được trong năm 2013.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, cả năm 2013, các tập đoàn, tổng công ty mới thoái vốn đầu tư ngoài ngành được 965 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2014, các đơn vị thoái thêm được 821,8 tỷ đồng, bằng với 85% giá trị đạt được trong cả năm 2013.

“Tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã được đẩy nhanh rõ rệt và sẽ tiếp tục tăng tốc trong nửa cuối năm 2014”, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến nhận xét.

Cũng theo ông Tiến, ngoài Vietnam Airlines, một số đơn vị khác đạt kết quả tốt như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (thoái được 120 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC (376 tỷ đồng), Lương thực miền Bắc (120 tỷ đồng), Xi măng Việt Nam (105 tỷ đồng), Lương thực miền Nam (83 tỷ đồng)...

Tuy nhiên, lũy kế từ năm 2013 đến tháng 6/2014, các tập đoàn, tổng công ty cũng mới thoái được gần 5.000 tỷ đồng trong tổng giá trị cần thoái đến hết năm 2015 là 22.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ hoàn thành hơn 20%.

Áp lực ngày càng tăng

Trong khi đó, mặc dù một số lĩnh vực của nền kinh tế đã xuất hiện tín hiệu phục hồi, song vẫn còn vô vàn thách thức. Bởi vậy, bản thân giá trị các khoản đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm… cũng trở nên kém hấp dẫn; mặt khác thị trường chứng khoán tiếp tục trồi sụt, thanh khoản thấp càng làm giảm cơ hội thành công cho các thương vụ chuyển nhượng.

Thêm nữa, lộ trình thoái vốn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đang ngắn dần lại, trong khi lượng vốn cần bán ra rất lớn, tới hơn 20.000 tỷ đồng dồn dập từ nay đến hết năm 2015, sẽ là một áp lực không nhỏ cho thị trường và mức độ cạnh tranh sẽ rất quyết liệt. Như đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng thừa nhận đang gặp khó khi thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội…

Nguyên nhân chính là khó tìm kiếm đối tác chấp nhận mua ít nhất bằng mệnh giá. Chẳng hạn, theo kế hoạch, từ 13/6 đến 8/7, Vinacomin sẽ bán 4 triệu cổ phiếu SHS để giảm tỷ lệ nắm giữ, song đến thời điểm này vẫn chưa bán được cổ phiếu nào. Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang có kế hoạch đến cuối năm 2014 thu hồi 917 tỷ đồng (giá trị sổ sách) trong tổng nguồn vốn đầu tư ngoài ngành hơn 3.400 tỷ đồng của tập đoàn này, nhưng kế hoạch này xem ra cũng đầy thách thức.

Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến nhận định, kết quả thoái vốn sẽ khả quan hơn trong quý III tới đây, con số dự kiến có thể lên đến 10.000 tỷ đồng, do Chính phủ đã bổ sung một số quy định giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp, trường hợp không thoái được sẽ chuyển sang SCIC, SCIC sẽ trả bằng giá vốn hoặc hai bên thỏa thuận để đưa ra mức giá thống nhất thông qua tư vấn độc lập.

Chính phủ cũng đã cho phép doanh nghiệp được thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư, do vậy, mặc dù giá bán đó thấp hơn giá trị sổ sách, nhưng có khoản dự phòng bù đắp thì vẫn bảo toàn được vốn...

Thảo Nguyên

Giao thông vận tải

Các tin tức khác

>   Cấp bù lãi suất thực hiện chính sách phát triển thủy sản (14/07/2014)

>   Xuất khẩu cá ngừ giảm mạnh (13/07/2014)

>   Nguồn cung sữa trên toàn cầu dư thừa, tạo áp lực giảm giá (13/07/2014)

>   Nhập khẩu bò Úc 6 tháng bằng cả năm 2013 (13/07/2014)

>   Lộ diện những khó khăn... (13/07/2014)

>   Thêm dự án nhiệt điện tỷ USD tại miền Trung (12/07/2014)

>   Chỉ số công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 5,8% (12/07/2014)

>   XK mực, bạch tuộc sang EU tăng trưởng khá (12/07/2014)

>   "Bài toán" giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc (12/07/2014)

>   PCI, chuyện của một tỉnh “đội sổ” (12/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật