Qua rồi thời đầu tư theo đám đông
Thành công sẽ chỉ đến với những cái đầu tỉnh táo khi biết nhìn vào bức tranh kinh tế tổng thể.
4 năm trở về trước, khi kinh tế tăng trưởng nóng và mọi kênh đầu tư cũng “hầm hập” theo, nhà đầu tư rất khó khăn đưa ra sự lựa chọn kênh đầu tư nào sinh lời cao nhất. Vào thời điểm này, cũng vẫn là sự lựa chọn khó khăn nhưng là để tìm ra một kênh đầu tư sinh lời, dù là sinh lời thấp. Song, cũng phải nhắc nhở nhau rằng, bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư (NĐT) không chỉ chọn kênh đầu tư sinh lời mà còn phải tính đến sự an toàn với “đồng tiền bát gạo” mà mình bỏ ra. Sự nôn nóng, chạy theo đám đông sẽ khiến NĐT chuốc lấy rủi ro.
Đầu tư gì là câu hỏi phổ biến nhất mà các chuyên gia nhận được hiện nay. Câu hỏi này không mới nhưng có vẻ đang trở thành áp lực khi tiền nhàn rỗi của người dân đang tăng lên mỗi ngày. Không sốt ruột như người hỏi, các chuyên gia cho rằng trước khi quyết định kênh đầu tư cần phải nhìn vào bức tranh kinh tế.
“Nền kinh tế đất nước đã có những chuyển biến tích cực sau nửa đầu năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng đã hồi phục. Xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng khá cao, cân bằng xuất – nhập khẩu và liên tục có xuất siêu kể từ đầu năm, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Tuy nhiên, tổng cầu hiện còn chưa cải thiện, thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng thấp, so với cuối năm trước CPI tháng 6 chỉ tăng 1,38%” - một chuyên gia phân tích.
Giới phân tích tài chính cho rằng, sẽ có hai kịch bản cho kinh tế nửa cuối năm. Kịch bản đầu tiên là kinh tế tiếp tục phục hồi nhưng khá chậm. Kịch bản thứ hai là kinh tế chuyển biến mạnh mẽ hơn và đạt tốc độ tăng trưởng GDP theo mục tiêu Nghị quyết Quốc hội là 5,8%.
Với kịch bản đầu, những tháng cuối năm kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi chậm, cộng với những diễn biến bất lợi trên Biển Đông liên quan đến một số nước trong khu vực cũng như những biến động chính trị, quân sự ở Đông Âu…
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, người có tiền muốn đầu tư trong ngắn hạn sẽ chọn kênh mua vàng, USD vì hiện thị trường BĐS chưa hồi phục. Những ai không sẵn sàng đối mặt với rủi ro thì tất nhiên sẽ chọn gửi tiết kiệm. Với những nhà đầu tư chứng khoán lời khuyên của TS. Nguyễn Trí Hiếu là nếu tăng trưởng không có sự đột phá sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán và lúc này dù nhà đầu tư có thể tìm, chọn lọc được những cổ phiếu có tiềm năng cũng vẫn phải chấp nhận sự rủi ro cao.
Với kịch bản kinh tế thứ hai, tăng trưởng mạnh hơn và GDP có thể đạt được mục tiêu thì thị trường chứng khoán và kênh tiền gửi NH được hưởng lợi nhiều nhất, còn BĐS chỉ hứa hẹn trong dài hạn. Bởi khi kinh tế hồi phục thì người gửi tiền vào NH để đầu tư ngắn hạn ít nhất vẫn hưởng được mức lãi suất 5-6%/năm. Trong khi đó, khi cầu tín dụng tăng trở lại sẽ khiến các NH phải chú trọng hơn đến khả năng huy động nguồn tiền nhàn rỗi.
Tuy nhiên, theo thông điệp được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 của ngành NH Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, mặc dù đầu năm chúng ta đặt ra mục tiêu lạm phát cả năm khoảng 6-7%, nhưng đến nay đang phấn đấu để đạt ở mức 5%. Có nghĩa khả năng NHNN nới lỏng tiền tệ là rất thấp, cho dù TTTD hiện khá khiêm tốn.
Về GDP, năm nay có khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng tối thiểu là 5,5-5,6% và nếu thuận lợi thì đạt đúng mục tiêu 5,8%. Đặc biệt, tại Hội nghị này, lãnh đạo các TCTD và cơ quan điều hành là NHNN đã thống nhất cao giữ mặt bằng lãi suất ổn định. Các NHTM cho rằng, giữ mức lãi suất tiền gửi VND chênh lệch với lãi suất tiền gửi USD như hiện nay đủ để tạo sự hấp dẫn cho gửi tiết kiệm VND.
Như vậy, với mức lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn ngắn là 6%/năm mà các NHTM đang huy động vẫn sẽ trở thành kênh sinh lời và an toàn nhất.
Chí Kiên
thời báo ngân hàng
|