Những bí ẩn ở Ngân hàng Bảo Việt
Chấp thuận đề xuất tăng vốn lên 5.200 tỉ đồng đã thu hút sự quan tâm của thị trường đến một ngân hàng nhỏ như Bảo Việt. Nhiều người chắc hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết được ngân hàng có tuổi đời còn trẻ này lại có kết quả kinh doanh năm 2013 khá tốt trong khi nhiều ngân hàng nhỏ khác đang chật vật.
Rất có thể Tập đoàn Bảo Việt phải giảm tỉ lệ sở hữu ở Ngân hàng Bảo Việt.
|
Một ngân hàng đặc biệt
Sở dĩ gọi là trẻ vì Ngân hàng Bảo Việt (BaoVietBank) chỉ mới vừa được thành lập vào cuối năm 2008, thời điểm làn sóng đầu tư vào ngành ngân hàng ồ ạt hơn bao giờ hết. Ngân hàng Bảo Việt là một ngân hàng con của Tập đoàn Bảo Việt với tỉ lệ sở hữu 52%, thuộc nhóm ngân hàng có quy mô vốn và tài sản nhỏ nhất trong hệ thống. Năm 2013, hoạt động ngân hàng đóng góp 8% trong tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Bảo Việt, là mức khiêm tốn nhất trong số các hoạt động khác của tập đoàn này.
Theo báo cáo thường niên của Tập đoàn Bảo Việt, năm ngoái tình hình kinh doanh của Ngân hàng Bảo Việt khá tốt. Giống như nhiều ngân hàng khác, năm 2013 hoạt động cho vay của Ngân hàng Bảo Việt bị ảnh hưởng do tình hình chung của thị trường, trong khi đây là mảng đóng góp tới 76% doanh thu cho Ngân hàng. Tuy nhiên, nhờ chi phí trả lãi cho người gửi tiền giảm mạnh (38,2%) nên thu nhập lãi thuần (chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí trả lãi) đã tăng 21,16% so với năm 2012. Đây là kết quả khả quan so với mức giảm ở một số ngân hàng nhỏ khác như SCB giảm 38%, Sài Gòn Công Thương giảm 29%.
Năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Bảo Việt đạt 142 tỉ đồng, tăng 17,4% so với năm 2012. Trong khi đó, không ít ngân hàng khác lại chứng kiến lợi nhuận trước thuế giảm xuống như LienVietPostBank giảm 31,34% hay Sài Gòn Công Thương giảm 41,99%.
Một điểm đáng chú ý khác ở Bảo Việt là hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng này ở mức cao nhất trong hệ thống. Năm 2012, CAR của Ngân hàng Bảo Việt lên đến 42%. Cũng cần nhắc lại là hệ số CAR phản ánh quy mô vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản rủi ro. NCĐT từng có bài viết đề cập đến việc hệ số CAR quá cao cho thấy các ngân hàng đang có vấn đề. Một là vốn tự có ở mức quá cao, hai là tổng tài sản rủi ro ở mức quá thấp.
Mức CAR cao của Bảo Việt là vì vào cuối năm 2012, ngân hàng này đã có đợt tăng vốn mạnh từ 1.500 tỉ đồng lên mức 3.000 tỉ đồng (Bảo Việt là ngân hàng cuối cùng trong hệ thống hoàn tất yêu cầu tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước).
Thời điểm đó, khi nhận xét về mức CAR quá cao ở một số ngân hàng, Tiến sĩ Lê Hồng Giang cho rằng mức CAR quá cao chứng tỏ rằng ngân hàng đang có vấn đề: hoặc gần như không huy động nổi tiền gửi hoặc không thể/không muốn cho vay.
Sang năm 2013, CAR của Bảo Việt vẫn tiếp tục đứng ở mức cao: 37,3%. Con số này tính đến hết quý I/2014 là 37,5%.
Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở một số ngân hàng (*)
|
Tăng vốn, ai mua?
Kế hoạch tăng vốn của Ngân hàng Bảo Việt đã được thông qua tại Đại hội cổ đông hồi tháng 5 vừa qua. Một ngân hàng có nhu cầu tăng vốn là điều bình thường. Và trên thực tế, nhiều ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch tăng vốn trong năm nay như Ngân hàng Quân Đội (kế hoạch tăng 37% vốn điều lệ), SCB (16,2%), SHB (25%), Ngân hàng Đông Á (20%). Dù vậy, tốc độ tăng vốn điều lệ dự kiến của Ngân hàng Bảo Việt vẫn là cao nhất, lên đến 73%.
Vì sao các ngân hàng lại có kế hoạch tăng vốn vào lúc này? Có một nguyên tắc trong ngành ngân hàng là “muốn mạnh thì phải lớn”. Các ngân hàng có quy mô vốn lớn cũng đồng nghĩa có nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, còn có một lý do khác: dưới áp lực nợ xấu, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đang bị “cụt” dần và họ phải tăng vốn để bù đắp lại.
Trở lại với câu chuyện của Ngân hàng Bảo Việt, vẫn còn một câu hỏi đang bỏ ngỏ là ai sẽ tham gia vào đợt tăng vốn của ngân hàng này. Nhiều khả năng Tập đoàn Bảo Việt sẽ phải chấp nhận giảm tỉ lệ nắm giữ của mình. Ngoài xu hướng thoái vốn của các tập đoàn nhà nước khỏi các lĩnh vực ngoài ngành như ngân hàng, việc tập đoàn này tiếp tục bỏ thêm tiền để mua cổ phần ngân hàng là khá khó khăn (Bộ Tài chính sở hữu 71% Tập đoàn Bảo Việt). Nếu Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục duy trì tỉ lệ nắm giữ như hiện nay thì phải rót thêm 1.500 tỉ đồng. Trong khi đó, tập đoàn này vừa bỏ ra tới hơn 92% lợi nhuận sau thuế để chi trả cổ tức, tương ứng với giá trị hơn 1.000 tỉ đồng.
Vì vậy, đợt tăng vốn lần này của Ngân hàng Bảo Việt rất có thể sẽ có gương mặt khác tham gia. Theo báo cáo của Tập đoàn Bảo Việt, tình hình kinh doanh của Ngân hàng Bảo Việt vẫn tốt. Nếu đúng như vậy, việc phát hành tăng vốn của Ngân hàng Bảo Việt sẽ có nhiều khả năng thành công và Tập đoàn Bảo Việt có muốn thoái vốn cũng sẽ dễ dàng. Hiện tại, ngoài cổ đông là Tập đoàn Bảo Việt, còn 2 cổ đông khác có tiềm lực là Vinamilk (tỉ lệ sở hữu 8%) và Công ty Công nghệ CMC (9,9%).
Bí ẩn lớn nhất của Ngân hàng Bảo Việt vẫn nằm ở chỗ hệ số CAR rất cao. CAR cao có mang lại mức độ an toàn cho Ngân hàng vẫn còn là một dấu hỏi. Và nhìn rộng hơn, trên thị trường cũng có một số ngân hàng nhỏ có hệ số CAR cao như Ngân hàng Sài Gòn Công Thương có CAR là 22% tính đến hết quý I/2014.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng tiêu chuẩn trong Basel I và II đánh giá sự an toàn của ngân hàng dựa trên quy mô vốn, tức hệ số CAR. Thế nhưng, đến Basel III, việc đánh giá mức độ an toàn còn phụ thuộc vào chất lượng vốn tự có của ngân hàng chứ không chỉ đơn thuần là quy mô lớn. Ở Việt Nam, luật chưa quy định điều này. Trong khi đó, ai cũng biết tình trạng sở hữu chéo đã để lại hậu quả là vốn ảo ở nhiều ngân hàng.
Thanh Phong
Nhịp cầu đầu tư
|