“Lãi suất ngược” cho nợ xấu
Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) lần thứ hai thông báo các mức lãi suất áp dụng cho các khoản nợ xấu mua lại.
Theo đó, các khoản nợ xấu mà VAMC mua lại và được chấp thuận điều chỉnh bằng VND và EUR sẽ tiếp tục được áp tương ứng 10,7%/năm và 5,7%/năm, tính từ ngày 1/7 - 30/9/2014.
Các doanh nghiệp vay vốn đều có nghĩa vụ nộp thuế như nhau và đều phải chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình
|
Trong lần điều chỉnh này, VAMC giảm lãi suất các khoản nợ xấu bằng USD, từ 5,2%/năm xuống 4,8%/năm.
Trước đó, trong quý 2/2014, công ty này đã có quyết định giảm rất mạnh lãi suất cho các khoản nợ xấu mua lại và trong diện được xem xét điều chỉnh. Đặc biệt, có những khoản vay bằng VND được giảm từ 15 - 18%/năm xuống chỉ còn 10,7%/năm.
Việc giảm lãi suất như trên thuộc thẩm quyền của VAMC, được quy định trong các văn bản pháp lý về khung hoạt động. Đây được xem là một trong những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp gặp nợ xấu giảm bớt gánh nặng chi phí, cũng như tạo điều kiện để có thể có khả năng trả nợ tốt hơn.
Giảm được lãi suất, tạo thêm hỗ trợ cho doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, nếu so sánh đơn thuần giữa các khách hàng vay vốn để sản xuất kinh doanh, có thể xem lãi suất mà VAMC vừa giảm và đang áp dụng cho các khoản nợ xấu là “lãi suất ngược”.
Bởi lẽ, hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, đang thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ nhưng vẫn phải chịu lãi suất cao hơn nhiều, từ 12 - 13%/năm, thậm chí tới 15%/năm; trong khi nghĩa vụ thuế của họ là như nhau và đều phải chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/5/2014, các khoản vay có lãi suất trên 15%/năm vẫn còn chiếm 5%, các khoản vay có lãi suất trên 13%/năm chiếm tới 15% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Minh Đức
vneconomy
|