Tăng vốn điều lệ: Quá khó
Giá cổ phiếu Ngân hàng (NH) sụt giảm, trong khi nhu cầu tăng vốn của ngành NH gia tăng những nằm gần đây, nhất là trước làn sóng hợp nhất, sáp nhập và đẩy mạnh tái cấu trúc. Vì thế, không ít kế hoạch tăng vốn điều lệ của nhiều NH đã phải trì hoãn trong 3-4 năm liền.
Mặc dù vốn điều lệ đã được tăng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2012, nhưng với kỳ vọng nâng cao tiềm lực tài chính, sức cạnh tranh bằng phát hành cổ phiếu tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng, nhưng để thực hiện được kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng cũng không hẳn dễ thực thi đối với Ngân Hàng TMCP Đông Á (DongABank).
Cụ thể, ngay sau ĐHCĐ năm 2012, HĐQT DongABank đã lập hồ sơ xin tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng theo đúng quy định và sau đó đã được NHNN và UBCKNN chấp thuận. DongABank đã tiến hành thông báo đến các cổ đông tiến hành đăng ký và nộp tiền mua cổ phần.
Song đến cuối năm 2013 (ngày văn bản cho tăng vốn của NHNN hết hiệu lực), tổng số tiền cổ đông đã nộp và cam kết sẽ nộp vẫn chưa đủ, nên cổ đông đã đề nghị HĐQT DongABank cho gia hạn thời gian nộp tiền mua cổ phiếu với tổng số tiền khoảng 700 tỷ đồng (trong đó tổng số đã nộp gần 90 tỷ đồng và cam kết sẽ nộp 610 tỷ đồng).
Theo lý giải HĐQT DongABank, năm 2013 nền kinh tế nước ta nói chung và ngành tài chính nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, việc mời gọi cổ đông tham gia góp vốn mua cổ phần gặp rất nhiều khó khăn nên chưa thể hoàn thành.
Việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay để thực thi được là rất khó, vì giá cổ phiếu giảm, việc phát hành khó có thể mang lại hiệu quả cao. Trong khi áp lực sáp nhập, hợp nhất giữa các NH nhỏ ngày càng nóng nên không dễ thu hút nhà đầu tư tham gia. Mặt khác, tăng vốn điều lệ cũng sẽ kéo theo áp lực cổ tức.
TS. Lê Xuân Nghĩa
|
Thế nhưng, ngày 23-4 mới đây, DongABank đã chính thức có thông báo đến cổ đông về việc hủy bỏ kết quả đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng nói trên, với lý do đợt phát hành tăng vốn điều lệ của NH đã không thành công theo kế hoạch dự kiến trong thời gian được phép tăng vốn theo quy định của NHNN.
Trước đó, ngày 25-3, DongABank đã gửi báo cáo đến cổ đông về việc hoàn trả tiền cho các cổ đông đã nộp trong đợt NH tăng vốn vừa qua, trường hợp các cổ đông không có nhu cầu hoàn trả, DongABank sẽ tính lãi suất có kỳ hạn tương ứng với thời gian các cổ đông đã nộp tiền.
Tuy nhiên, ngày 17-4, UBCKNN đã có Công văn 1538/UBCKNN-QLPL yêu cầu DongABank báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng gửi đến NH. Theo đó, yêu cầu DongABank phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư và ngày 15-5, DongABank phải tiến hành hoàn trả toàn bộ số tiền cổ đông đã nộp, kèm tiền lãi 7,2%/năm.
DongABank cũng là một trong những NH lên kế hoạch thu hút vốn ngoại trong nhiều năm qua, song đến nay vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp. Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank, NH có ý định niêm yết trước rồi thu hút vốn ngoại sau, nhưng việc niêm yết phải tìm thời điểm thích hợp mới thực hiện được.
Ngân Hàng TMCP Việt Á (VietABank) cũng nhiều năm không thể thực hiện được kế hoạch phát hành 40,2 triệu cổ phiếu (tương đương 402 tỷ đồng) để tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng từ việc chi trả cổ tức cho cổ đông, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cũng như quỹ dự trữ bổ sung tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, HĐQT VietABank dự kiến phát hành trên 12,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ lợi nhuận sau thuế của năm 2012 để chi trả cổ tức năm 2013; phát hành trên 10,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần; phát hành gần 6,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và nhà băng còn dự kiến phát hành trên 11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, các cổ đông chiến lược.
Lý giải về việc này, một lãnh đạo của VietABank cho biết, do NH đang trong quá trình tái cơ cấu nên phải dùng mọi nguồn lực để phục vụ cho đề án này. Vì thế, việc chi trả cổ tức cho cổ đông cũng phải được tính toán. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay giá cổ phiếu NH mất tính hấp dẫn, để huy động được 110 tỷ đồng (tương đương 11 triệu cổ phiếu) từ cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược rất khó.
Hiện giá cổ phiếu của nhiều NH chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, trong đó có cả nhà băng lớn chỉ cao hơn chút đỉnh so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Vì thế, muốn chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong lúc này là điều không dễ. Đồng thời, việc tăng vốn từ nguồn thặng dư, phát hành cổ phiếu thưởng, chi trả cổ tức cho cổ đông… của một số NH cũng không thể thực hiện.
Một chuyên gia cấp cao ngành NH cho rằng, các NH nhỏ sẽ khó thực hiện được kế hoạch tăng vốn năm nay, kể cả khi được phê duyệt đề án tự tái cơ cấu. Việc có nhiều NH phải sáp nhập hiện nay cũng xuất phát từ lý do trước đây NHNN đã cấp phép quá nhiều.
Cộng với áp lực tăng vốn tại Nghị định 141 của Chính phủ đã tạo ra sở hữu chéo giữa các NH bằng vốn ảo. Thêm vào đó, NHNN vừa đưa ra dự thảo thông tư xóa tình trạng sở hữu tỷ lệ cổ phần vượt trần 5% của cá nhân và 20% tại một NH. Do đó, theo vị chuyên gia này, sẽ rất khó kỳ vọng nguồn tiền cổ đông rót vào kế hoạch tăng vốn.
Phương Anh
Sài Gòn đầu tư
|