Phát hành cổ phiếu nửa đầu năm 2014: Chưa tới mùa?
Dù thị trường chứng khoán đã có bước tăng trưởng khá tốt trong 6 tháng đầu năm nhưng doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa cho rằng đây là thời điểm tốt để phát hành cổ phiếu. Minh chứng là chỉ có hơn chục doanh nghiệp đăng ký phát hành thêm cổ phiếu trong 2 quý qua.
Thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2014 đã đem lại cho nhà đầu tư khá nhiều cung bậc cảm xúc, vui mừng với khoản lợi nhuận lớn trong quý 1, đau tim khi tài khoản vơi dần vào giữa quý 2 và cảm giác hưng phấn trở lại khi thị trường phục hồi khá tốt ở cuối quý. Theo đó, xét nửa đầu năm 2014, VN-Index đã tăng ấn tượng từ mốc 500 điểm lên 580 điểm, ứng với mức tăng 16%; HNX-Index cũng không kém cạnh khi tăng từ 67 điểm lên 77 điểm, tức tăng 15%. Đồng thời thanh khoản cũng cải thiện rất nhiều, những phiên ngàn tỷ đã trở nên quá bình thường, bình quân toàn thị trường giao dịch hơn 2,500 tỷ đồng mỗi phiên.
Tuy nhiên, việc phát hành thêm vẫn chưa phải lúc. Theo thống kê của Vietstock, trong nửa đầu năm 2014 chỉ có hơn chục doanh nghiệp đăng ký phát hành thêm cổ phiếu. Một điểm khá đặc biệt là hầu hết các mức giá mà doanh nghiệp chào bán chỉ bằng mệnh giá hay nhỉnh hơn một chút trong khi thị giá có thể gấp đôi gấp ba lần. Còn kết quả phát hành cũng khá trầy trật, có doanh nghiệp tỷ lệ thành công chỉ dừng ở 6% và cũng có doanh nghiệp thông báo phát hành nhiều lần nhưng chưa có kết quả cuối cùng….
Giá hay chiêu trò quyết định?
Phát hành thêm cổ phiếu là cả một nghệ thuật đối với các doanh nghiệp niêm yết, không những phải định ra mức giá chào bán hợp lý để thuyết phục được các nhà đầu tư rằng giá chào bán cổ phiếu là hợp lý, phản ánh đúng giá trị thực cũng như những kỳ vọng mà doanh nghiệp có thể đem lại trong tương lai, mà doanh nghiệp còn cần phải biết cách tạo ra sức hút cho cổ phiếu của chính mình. Sức hút ở đây có thể là tiềm năng yếu tố cơ bản, sức tăng trưởng của cổ phiếu, hay thanh khoản, mức độ “nổi tiếng” khi mà nhắc đến bất cứ nhà đầu tư nào cũng biết…
Cùng điểm qua một số trường hợp phát hành rất thành công trong nửa đầu năm 2014.
Một trong những trường hợp có tỷ lệ phát hành thành công 100%, Y tế Danameco (HNX: DNM) đăng ký phát hành hơn 1 triệu cổ phiếu (ứng với tỷ lệ 3:1) cho cổ đông hiện hữu và người lao động. Theo đó, sau đợt chào bán, doanh nghiệp đã thu về hơn 11.5 tỷ đồng mà không mất bất cứ chi phí nào cho tổ chức bảo lãnh hay đại lý phân phối.
Tuy nhiên, mức giá mà DNM đăng ký chào bán chỉ 10,000 đồng, bằng ¼ thị giá cổ phiếu tính tại thời điểm thông báo phát hành. Có thể nói mức giá này là rất ưu đãi cho cổ đông hiện hữu cũng như người lao động trong doanh nghiệp. Bởi, tính đến cuối năm 2013, sức khỏe tài chính của DNM trong tình trạng an toàn (tỷ lệ đòn bẩy 58%), tiền và tương đương tiền ở mức 32 tỷ đồng; doanh thu đều đều trên 200 tỷ đồng và lợi nhuận có phần đột biến so với năm 2012 khi đạt 19 tỷ đồng, tăng 45%.
Bên cạnh DNM thì FLC, RDP, DTL cũng là những đơn vị có tỷ lệ phát hành thành công đến trên 95%. Trong đó, ngoạn mục nhất có lẻ là phương án phát hành 77 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC (HOSE: FLC), giá chào bán 10,000 đồng có tỷ lệ thành công 100% (cổ đông hiện hữu mua 88%).
Chưa biết lợi ích cổ đông sẽ ra sao sau phát hành nhưng nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu FLC thôi cũng đủ khiến nhiều nhà đầu tư ưa mạo hiểm hứng thú. Trong suốt thời gian phát hành giá cổ phiếu liên tục tăng theo hình dốc đứng nhưng khi phát hành xong giá rớt cũng theo hình dốc đứng “đẹp” không kém.
Dự báo trong thời gian tới thị giá FLC sẽ có nhiều biến động nữa bởi doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng vốn gấp đôi lên 3,750 tỷ đồng theo quy luật thường thấy tại cổ phiếu này.
Bên cạnh những trường hợp phát hành nhanh gọn như trên thì CTCP Việt An (HOSE: AVF) là một trường hợp khá nan giải. AVF liên tục có kế hoạch phát hành thêm cổ phần để tài trợ đầu tư phát triển hai vùng chăn nuôi ở Bình Thạnh và Phú Thuận kể từ giữa năm 2012. Song do thị giá của AVF trong hai năm trở lại đây luôn thấp hơn mệnh giá nên các phương án phát hành đưa ra đều thất bại. Kể từ đầu năm 2013, khi cửa cho các doanh nghiệp phát hành dưới mệnh giá được hé mở nếu đáp ứng điều kiện về bù đắp thiếu hụt vốn điều lệ sau phát hành thì AVF mới huy động được vốn.
Cụ thể, đợt phát hành vừa qua AVF đã bán thành công 13,980,000 cổ phiếu với giá 5,000 đồng/cp và thu về 70 tỷ đồng, cổ đông hiện hữu mua đến 80%. Đây là đơn vị duy nhất phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá trong nửa đầu năm 2014.
Bết bát quá hay chưa đủ hấp dẫn?
Nhà đất Cotec (HOSE: CLG) là điển hình cho thất bại trong việc phát hành thêm cổ phiếu ở nửa đầu năm nay. CLG đăng ký chào bán đến 20 triệu cổ phần với giá 10,000 đồng/cp. Tuy nhiên, với thị giá thấp hơn mệnh giá và tình hình kinh doanh không mấy khấm khá thì không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thành công ở mức cực thấp chỉ 6% (ứng với 1.1 triệu đơn vị được mua).
Trong kỳ họp Đại hội thường niên 2014 tới đây, CLG sẽ tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu nâng vốn điều lệ từ 211 lên 400 tỷ đồng để giải tỏa cơn khát vốn. Đối tượng phát hành trong đợt này là nhà đầu tư riêng lẻ.
Các đơn vị còn lại, C92, FCM, FIT, INN, KLF, SJ1, VHG thì mới đăng ký phát hành cổ phiếu và chưa có kết quả của đợt chào bán. Trong đó, cần nhấn mạnh INN và SJ1 khi hai doanh nghiệp này có thị giá cổ phiếu trên 20,000 đồng nhưng lại chào bán cổ phiếu với giá chỉ bằng phân nửa.
Đặc biệt, Thủy sản số 1 (HNX: SJ1) thông báo chào bán 1.9 triệu cổ phiếu với giá 12,000 đồng kể từ ngày 26/03 đến 23/04, song đến nay vẫn chưa có thông báo kết quả đợt phát hành. Mặc dù mức giá chào bán mà SJ1 đưa ra là khá hấp dẫn so với thị giá tại thời điểm thông báo (23,100 đồng), song dường như sức hút vẫn không đủ. Bởi lẽ sau khi kết thúc thời hạn đăng ký và nộp tiền mua đặt ra là 23/04, doanh nghiệp đã phải thông báo gia hạn đến 26/05 với lý do tạo điều kiện tốt hơn cho các cổ đông chuẩn bị nguồn tài chính. Và đến nay đã cuối tháng 6 doanh nghiệp vẫn chưa công bố thông tin về kết quả đợt phát hành.
Mỹ Hà
|