Thứ Hai, 14/07/2014 06:27

Giải pháp đột phá khơi dòng tín dụng

Sau sáu tháng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,52% so với năm 2013. Mặc dù so với chỉ tiêu định hướng cả năm thì mức tăng trưởng này chưa được như kỳ vọng. Nhưng với dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô có nhiều cải thiện, sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi thì nhiều khả năng cả năm 2014 tín dụng sẽ tăng trưởng đạt mục tiêu định hướng đề ra. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Ðồng Tiến (trong ảnh) đã khẳng định như vậy khi trao đổi ý kiến với phóng viên (PV) Báo Nhân Dân quanh vấn đề tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống.

PV: Thưa đồng chí, nhìn lại hoạt động ngân hàng trong sáu tháng qua, đồng chí đánh giá như thế nào về những kết quả mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như toàn hệ thống ngân hàng đạt được?

Phó Thống đốc Nguyễn Ðồng Tiến: Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngay từ những tháng đầu năm 2014, NHNN đã chủ động điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết lượng tiền cung ứng hợp lý nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô; điều hành linh hoạt tỷ giá phù hợp cung cầu ngoại tệ trên thị trường, thực hiện tăng 1% tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng nhằm hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, đẩy mạnh các giải pháp xử lý nợ xấu.

Nhìn chung, trong sáu tháng, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục diễn biến tích cực, ổn định, theo đúng định hướng điều hành chính sách của NHNN. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, đến tháng 6 tăng 1,38% so với đầu năm, tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2013 và là mức tăng thấp nhất của tháng 6 trong 13 năm gần đây. Thanh khoản của hệ thống TCTD được bảo đảm và cải thiện, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013 và tương đương với mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006.

Tỷ giá, thị trường ngoại hối, thị trường vàng ổn định, một số thời điểm tỷ giá có biến động tăng trước diễn biến tình hình trên Biển Ðông chủ yếu do yếu tố tâm lý, đầu cơ nhưng đã ổn định trở lại, niềm tin vào đồng Việt Nam được nâng cao.

Sáu tháng đầu năm, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức kỷ lục 35 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối dồi dào một mặt làm tăng vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam trên trường quốc tế, mặt khác, tạo điều kiện để NHNN điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ một cách chủ động và hiệu quả hơn; các giải pháp xử lý nợ xấu thông qua VAMC đã có kết quả, trật tự kỷ cương trong hệ thống các TCTD tiếp tục được củng cố. Bên cạnh đó, nhờ tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN tiếp tục nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội.

PV: Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật, nhưng cũng không thể phủ nhận tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đến thời điểm này vẫn ở mức thấp. Vậy đồng chí nhìn nhận như thế nào về kết quả này?

Phó Thống đốc Nguyễn Ðồng Tiến: Trong những tháng đầu năm 2014, nền kinh tế mặc dù đã có những diễn biến tích cực, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và bảo đảm nâng cao chất lượng tín dụng.

Tính đến cuối tháng 6-2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,52% so với năm 2013, so với chỉ tiêu định hướng cả năm 2014 (12-14%) thì mức tăng trưởng này chưa được như kỳ vọng do có những nguyên nhân khách quan từ nền kinh tế như: Tính quy luật mùa vụ trong những tháng đầu năm, tổng cầu tăng chậm, nhu cầu vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp còn thấp do đầu ra khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp; tăng tổng cầu của nền kinh tế còn chậm, sức mua chậm phục hồi, hàng hóa tồn kho tiêu thụ chậm, lợi nhuận giảm, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất; không dám vay để mở rộng sản xuất...

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: Kinh tế thế giới chưa thật sự hồi phục cộng với bất ổn chính trị tại một số khu vực trên thế giới đã tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được cải thiện do bản thân năng lực quản trị, năng lực tài chính của các doanh nghiệp còn yếu dẫn đến việc thiếu các điều kiện để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...

Do vậy, để khơi thông dòng vốn tín dụng, qua đó tác động làm tăng tín dụng đối với nền kinh tế, bên cạnh việc triển khai tích cực các giải pháp của hệ thống ngân hàng, cần phải có sự phối hợp đồng bộ các chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tài khóa, đầu tư,... chính sách đối với doanh nghiệp thì mới có thể đẩy nhanh dòng vốn tín dụng, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, tín dụng đã có xu hướng cải thiện nhanh từ tháng 3-2014, đến ngày 30-6 tín dụng đã tăng 3,52% so với cuối năm 2013. Những diễn biến kinh tế vĩ mô gần đây như tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm 2014 đạt 5,18%, cải thiện hơn so với mức tăng 4,9% của cùng kỳ các năm 2012-2013, chỉ số sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đều tăng cao hơn cùng kỳ là những tín hiệu tốt cho thấy sản xuất kinh doanh đang phục hồi, đồng thời, theo tính quy luật hằng năm, tín dụng sáu tháng cuối năm thường tăng cao. Do đó, nhiều khả năng cả năm 2014 tín dụng sẽ tăng trưởng đạt mục tiêu định hướng đề ra.

PV: Ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó có một số giải pháp đáng chú ý như thí điểm cho vay liên kết bốn nhà trong lĩnh vực xây dựng, thí điểm cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp... Liệu rằng chúng ta có thể kỳ vọng đây như những giải pháp tín dụng đột phá nhằm giúp ngành ngân hàng đạt được mục tiêu tín dụng cả năm là 12 - 14%, thưa đồng chí?

Phó Thống đốc Nguyễn Ðồng Tiến: Việc triển khai thí điểm cho vay liên kết bốn nhà trong lĩnh vực bất động sản và chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Ðối với lĩnh vực bất động sản, chương trình sẽ giúp khơi thông dòng vốn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, hàng tồn kho vật liệu xây dựng... Ðến nay, đã có bốn chuỗi liên kết được khởi tạo trong lĩnh vực xây dựng và giao thông với tổng mức đầu tư là 7.778 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng (BIDV, SHB, Vietinbank) cam kết cho vay 6.149 tỷ đồng, chiếm 79,44% tổng vốn đầu tư.

Ðối với lĩnh vực nông nghiệp, chương trình cho vay thí điểm sẽ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tính đến nay, đã có mười doanh nghiệp với 11 dự án đầu tư đủ điều kiện được lựa chọn tham gia chương trình với số tiền các ngân hàng (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, MHB, Bắc Á) đã cam kết cho vay là hơn 2.700 tỷ đồng.

Có thể nói, việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng liên kết bốn nhà trong lĩnh vực xây dựng, thí điểm cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ là một trong những giải pháp mang tính đột phá mà ngành ngân hàng thực hiện, không chỉ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra trong năm 2014 mà còn là định hướng xuyên suốt trong việc thực hiện các chính sách tín dụng của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trong bối cảnh tín dụng tiền đồng không tăng được thì tín dụng ngoại tệ tăng trong sáu tháng đầu năm là dấu hiệu đáng mừng. Ðiều này cũng không đáng lo vì các ngân hàng đang duy trì trạng thái ngoại tệ âm. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động duy trì trạng thái ngoại tệ thấp hơn mức cho phép của NHNN; đồng nghĩa với việc các ngân hàng không lo ngại về việc thiếu ngoại tệ trong tương lai, không cần cất trữ, để dành. Hay nói cách khác, tín dụng ngoại tệ tăng còn là dấu hiệu cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào năng lực ổn định tỷ giá của NHNN.

TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Hồng Anh thực hiện

Nhân dân

Các tin tức khác

>   Cấp bù lãi suất thực hiện chính sách phát triển thủy sản (14/07/2014)

>   Thị trường ngân hàng: Những gam màu sáng (13/07/2014)

>   Bảo hiểm tiền gửi được gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng (13/07/2014)

>   Cánh cửa “hiểm nghèo” tín dụng ngoại tệ (12/07/2014)

>   NHNN đề nghị Bộ Công an điều tra sàn giao dịch Bitcoin (12/07/2014)

>   Giao dịch liên ngân hàng giảm mạnh (11/07/2014)

>   Lãi suất điều hành dự tính không giảm thêm (11/07/2014)

>   Mặt trái của mức tăng dự trữ ngoại hối (11/07/2014)

>   TS. Cấn Văn Lực: Không hạ chuẩn vì tăng trưởng tín dụng (11/07/2014)

>   Hỗ trợ lãi suất đến 100% nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (11/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật