Cánh cửa “hiểm nghèo” tín dụng ngoại tệ
Ít có doanh nghiệp nào phải thường xuyên quan sát sự biến động của tỷ giá đồng yen như Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC-Hose).
Lý do là PPC có khoản nợ 28,78 tỉ yen, nên chỉ cần tỷ giá đồng Việt Nam và yen “nhảy nhót” chút xíu, công ty đã phải trích thêm dự phòng rủi ro tỷ giá hàng tỉ đồng. Ngày 31-12 năm ngoái 1 yen bằng 201,6 đồng. Ngày 30-6 năm nay 1 yen tương đương 211 đồng. Tiền đồng mất giá 9,4 đồng/yen và PPC lỗ tỷ giá sáu tháng đầu năm 2014 khoảng 270 tỉ đồng.
Vay ngoại tệ chẳng khác nào con dao hai lưỡi. Nếu không chọn đúng đồng tiền, lãi suất hợp lý và kỳ hạn tốt, dễ đứt tay như chơi
|
Vay ngoại tệ chẳng khác nào con dao hai lưỡi. Nếu không chọn đúng đồng tiền, lãi suất hợp lý và kỳ hạn tốt, dễ đứt tay như chơi!
Sự ổn định của tỷ giá và sự điều chỉnh, nếu có, có thể dự đoán trước được, là nhân tố quyết định, kích thích doanh nghiệp tìm vay ngoại tệ. Vay đô la Mỹ lãi suất thấp hơn hẳn tiền đồng, giúp người vay có thể hạ chi phí tài chính, dẫn tới hạ giá thành sản phẩm. Các nhà xuất khẩu, có nguồn thu ngoại tệ thường xuyên, thường được ngân hàng ưu ái cho vay ngoại tệ với lãi suất chỉ bằng một nửa lãi suất vay tiền đồng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là lĩnh vực thủy sản, nông sản được áp dụng lãi suất vay đô la Mỹ khoảng 3-3,5%/năm (có kèm các dịch vụ như mở L/C, mua bán ngoại tệ cho ngân hàng...), bằng khoảng 40% lãi suất vay đồng nội tệ.
Xu hướng vay ngoại tệ đã dẫn tới tín dụng ngoại tệ tăng tốc và bỏ xa tín dụng tiền đồng trong những tháng gần đây. Ở nhiều ngân hàng, tỷ lệ cho vay/huy động ngoại tệ lên đến tối đa 100%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN)thừa nhận hệ số sử dụng vốn ngoại tệ của cả hệ thống hiện đã ở mức 99,5%. Trong khi tín dụng tiền đồng ì ạch (chỉ tăng 2,17%), tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 6-2014 đã đạt 12,03% so với cuối năm ngoái.
Ở đây có sự trái chiều. Huy động vốn bằng ngoại tệ của ngân hàng nhìn chung đã giảm và vẫn trong chiều hướng đi xuống do người dân dịch chuyển từ tiết kiệm ngoại tệ sang tiết kiệm nội tệ. Lãi suất tiết kiệm đô la Mỹ kịch trần hiện nay là 1%/năm so với 6%/năm (ngắn hạn) của tiền đồng và sự mất giá của tiền đồng tối đa khoảng 2%/năm (điều chỉnh tỷ giá được NHNN cam kết ở mức 1-2%/năm) làm cho gửi tiền đồng có lợi. Doanh nghiệp cũng không muốn gửi ngoại tệ hoặc giữ ngoại tệ trên tài khoản. Thay vào đó họ bán ngoại tệ cho ngân hàng lấy tiền đồng và gửi tiền đồng để hưởng lợi. Nhìn từ góc độ quản lý và điều hành chính sách tiền tệ, huy động ngoại tệ đi xuống là một dấu hiệu tích cực.
Giảm huy động ngoại tệ nên đi song song với giảm tín dụng ngoại tệ. Đây là sự song hành cần thiết đầu tiên để thu hẹp dần tình trạng đô la hóa nền kinh tế, tạo điều kiện cho tiền đồng “bành trướng” và trụ vững ở những vị trí đã chiếm lĩnh. Tiền đồng phải thể hiện sức mạnh của nó ở mọi bình diện trên lãnh thổ quốc gia. Một trong những khía cạnh của độc lập tự chủ nằm ở chính sự vững mạnh về mặt giá trị của tiền đồng.
Tuy nhiên, tín dụng ngoại tệ đã không giảm và NHNN đang cho phép các ngân hàng thương mại mở rộng loại hình tín dụng này nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung 12-14% năm nay. Lập luận của NHNN là tỷ lệ cho vay ngoại tệ/tiền gửi ngoại tệ khác cộng với nguồn vốn nước ngoài mới chỉ khoảng 50-60%. Trong khi các nguồn ngoại tệ khác (ngoài huy động) đang tạm thời dư thừa, thì nên tận dụng để cho doanh nghiệp vay nếu họ có nhu cầu. Việc cho vay phải tính toán về kỳ hạn sao cho phù hợp.
Cách giải quyết này mang tính “ăn xổi ở thì”, chẳng khác nào “đánh nhanh thắng nhanh” chớp nhoáng để có được con số tín dụng tăng trưởng như chỉ tiêu. Do không phải là giải pháp căn cơ, nó có thể đưa đến những cái vỡ bung ngoài dự toán. Người ta đã từng chứng kiến tín dụng tăng vọt vượt quá tầm kiểm soát những năm 2006-2007 ra sao. Người ta cũng đã từng tận mắt nhìn thấy các ngân hàng khi đó “khát khao” lợi nhuận và chạy đua tín dụng như thế nào. Bây giờ, áp lực lợi nhuận cũng đang tái diễn với không ít ngân hàng. Chỉ cần cánh cửa tín dụng ngoại tệ được phép mở rộng, họ sẽ chạy ra cửa đó. Cơ quan quản lý có thể nói: “Tôi giữ sự kiểm soát ở cửa. Tôi mở đến đâu, anh ra đến đó”. Được thế thì còn gì bằng. NHNN trước đây cũng đã từng đứng cửa kiểm soát thế rồi, mà tín dụng vẫn “phá rào” đó thôi!
Vẫn còn những cách thức khác để nâng đỡ tín dụng mà không cần đến cánh cửa “hiểm nghèo” tín dụng ngoại tệ. Thứ nhất giảm lãi suất đầu ra cho tiền đồng mạnh mẽ và dứt khoát hơn nữa thông qua giảm chi phí đầu vào kể cả hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn. Vốn huy động của toàn hệ thống nửa đầu năm 2014 vẫn tăng 6% so với cuối năm ngoái, chứng tỏ tiết kiệm vẫn là kênh hấp dẫn. Sự hấp dẫn có thể được kéo giãn ra như hạ trần huy động về 5%/năm và hạ trần tiết kiệm ngoại tệ xuống 0,5%/năm. Doanh nghiệp sẽ vay tiền đồng nếu lãi suất đầu ra của tiền đồng - ngoại tệ chỉ chênh nhau 2-2,5%/năm. Đằng này mức chênh lệch tới 4-4,5%/năm (lãi suất vay tiền đồng lĩnh vực ưu tiên của các ngân hàng hiện khoảng 7-8%/năm).
Những cuộc khảo sát nhỏ mới đây cho thấy lãi suất cho vay tiền đồng của các ngân hàng không những không giảm mà đang tăng. Một số ngân hàng nói lãi suất cho vay hiện tại bình quân chừng 10,5-10,8%/năm, cao hơn khoảng 0,3-0,5%/năm so với mặt bằng tháng 4-5. Các ngân hàng đang cố gắng tìm lợi nhuận cao hơn ở những khoản cho vay mới để bù đắp cho chi phí nợ xấu.
Thứ hai, phải giải quyết nợ xấu mạnh tay hơn, xác định đặt lợi ích nền kinh tế lên trên lợi ích ngân hàng. Ở đầu ra, việc thực thi cơ chế bán nợ của VAMC đang rất chậm chạp. Ở đầu vào, đã đến lúc phải bắt buộc các tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC. Nợ xấu không giảm, làm sao ngân hàng có thể hạ chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay?
Thứ ba cần nhìn thẳng vào tiền đồng và kiến tạo dòng chảy cho nó. Không thể nói lãi suất không còn là vấn đề của tín dụng. Doanh nghiệp sẵn sàng vay ngoại tệ vì lãi suất của nó thấp là minh chứng lãi suất đóng vai trò quan trọng trong quyết định vay vốn. Nếu ngân hàng cứ tiếp tục xoay xở với các giải pháp ngắn hạn, tín dụng không chừng sẽ còn tụt hậu xa.
Hải Lý
tbktsg
|