Vụ Công ty Thủy sản Phương Nam: Những bóng mờ ở ngân hàng
Việc xét xử phúc thẩm hai vụ đại án Huyền Như và bầu Kiên còn chưa diễn ra, dư âm của phiên xử sơ thẩm còn chưa lắng xuống, lại có thông tin cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an gửi tống đạt, chuyển hồ sơ truy tố 27 bị cáo liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng ngàn tỉ đồng ở Công ty Thủy sản Phương Nam. Lần này có tới 25 bị cáo là cán bộ ngân hàng, từ ngân hàng quốc doanh, liên doanh đến ngân hàng cổ phần.
Bảy ngân hàng có chi nhánh ở Sóc Trăng và Bạc Liêu có “dính” đến vụ án bao gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPosstBank - LPB); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank); Ngân hàng liên doanh Việt - Thái (Vinasiam).
Theo hồ sơ điều tra, bằng cách dùng hàng tồn kho thế chấp, nhưng cùng một số lượng hàng hóa luân chuyển giữa các ngân hàng, cộng thêm việc lập báo cáo tài chính khống (kết quả kinh doanh có lãi, doanh thu cao), Công ty Phương Nam đã dễ dàng vay của các tổ chức tín dụng số tiền hàng ngàn tỉ đồng. Sự việc này khiến người ta nhớ lại cách đây không lâu, một kho cà phê cũng được doanh nghiệp thế chấp ở nhiều ngân hàng để vay tiền. Chỉ đến khi nợ xấu hiện hình, sự việc vỡ lở, các ngân hàng mới tranh nhau nhận tài sản thế chấp là của mình.
Thoạt nhìn câu chuyện của Công ty Phương Nam có những khía cạnh vô lý đến mức không ai tin được! Khi cho vay, theo các quy định về tín dụng cũng như quản lý rủi ro, các ngân hàng phải xuống tận nơi thẩm định tài sản thế chấp (nói như dân gian là “nhìn tận mắt, sờ tận tay”) để biết giá trị thật của nó, phải tìm hiểu về tình hình tài chính doanh nghiệp, xem xét kỹ báo cáo tài chính có kiểm toán... Ngoài ra, các ngân hàng còn phải làm việc với Trung tâm Thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước để xem lịch sử vay mượn của doanh nghiệp: họ đã từng vay (đang vay) ở đâu, vay bao nhiêu, đã trả nợ thế nào, thế chấp bằng gì...
Chưa kể bảy chi nhánh của bảy ngân hàng nằm trên cùng một địa bàn, họ nắm rõ các doanh nghiệp của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực thủy sản - nông sản. Chẳng lẽ Công ty Phương Nam “tài giỏi” đến mức biến hóa báo cáo tài chính qua mặt được cả từng đó ngân hàng, hay một số tài sản cùng được cầm cố ở từng ấy ngân hàng? Trình độ thẩm định, tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp, đánh giá khả năng tài chính của cán bộ ngân hàng yếu đến mức như vậy sao?
Nếu vụ án chỉ liên quan đến những nhân viên tín dụng bình thường, thì hẳn tính chất của nó đã là nghiêm trọng vì công tác tuyển dụng, đào tạo của những ngân hàng nêu trên có vấn đề. Đằng này nó trầm trọng, vì liên quan đến cả những người ở vị trí cao như giám đốc, phó giám đốc chi nhánh một số ngân hàng, bởi vay số tiền lớn tới hàng trăm tỉ đồng thì nhân viên tín dụng không có quyền quyết định. Ở đây phải chăng cán bộ cấp cao của các chi nhánh ngân hàng cũng không đủ trình độ đánh giá khoản vay, đối tượng vay, đến mức để bị lừa?
Nếu đúng như vậy, quả là đáng báo động về trình độ nghiệp vụ của cán bộ ngân hàng. Tuy nhiên trên thực tế, cán bộ ngân hàng không kém cỏi về mặt nghiệp vụ. Cái yếu kém chính là phẩm chất đạo đức. Và dư luận có quyền đặt câu hỏi về tính trung thực, không vụ lợi, không có tiêu cực trong vụ án này. Vì sao có những doanh nghiệp phàn nàn họ không thể tiếp cận vốn ngân hàng với hàng loạt thủ tục rườm rà mà việc thực hiện chúng mất quá nhiều thời gian, công sức?
Nếu những thủ tục rườm rà mà ngân hàng cho rằng cần thiết để bảo vệ đồng tiền mà họ huy động của dân, thì liệu Công ty Phương Nam có vay được hàng ngàn tỉ đồng hết năm này qua năm khác, từ hết ngân hàng này đến ngân hàng kia? Sự xuống cấp, biến chất về phẩm chất, đạo đức của cán bộ đã vô hiệu hóa những quy định có tính phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Với sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng, những ba-ri-e tưởng chừng có đủ sức mạnh, đủ độ cứng rắn đã trở thành nát vụn trước sức công phá của sự thỏa hiệp giữa người vay và người cho vay để rút ruột ngân hàng.
Gần đây sự mất tiền của ngân hàng ngày càng trở nên phổ biến, tinh vi. Hàng ngày mở báo ra đọc, bật ti vi lên xem, lên mạng tìm thông tin, cứ vài ngày lại có tin cán bộ ngân hàng nào đó bị khởi tố, bị điều tra. Những bóng mờ tiêu cực ở ngân hàng đã không còn là hiện tượng lẻ loi. Giám đốc một ngân hàng địa phương nhận xét, không ai hiểu đường đi, ngóc ngách của đồng tiền trong ngân hàng bằng chính những người làm ở ngân hàng. Nếu không có “tay trong”, nếu những quy định pháp luật được tuân thủ chặt chẽ, tiền không bao giờ có thể “không cánh mà bay” khỏi ngân hàng được.
Năm 2010-2011 những người chủ của Công ty Phương Nam trốn ra nước ngoài. Năm sau đó, các ngân hàng liên quan đã cùng ngồi lại với những tài sản “còn sót lại” của đơn vị này, và ba ngân hàng đồng ý chuyển một phần nợ thành vốn góp. Công ty đang được tái cơ cấu với hy vọng sẽ làm ra lãi để trả nợ. Câu chuyện “nuôi nợ để đòi nợ” chưa thể kết thúc ngay được.
Những vụ án đã và sẽ diễn ra đang làm xói mòn niềm tin của xã hội đối với ngành ngân hàng. Hơn bao giờ hết, ngành ngân hàng cần một đợt chấn chỉnh toàn diện cả về bề rộng lẫn chiều sâu đạo đức cán bộ, phẩm chất nhân viên - những đợt chấn chỉnh không phải để tuyên truyền, mà đi vào thực tiễn. Cho đến khi lãnh đạo cơ quan quản lý nhận thức được điều đó, sự chuyển biến của lĩnh vực ngân hàng mới thực sự bắt đầu!
Lưu Hảo
tbktsg
|