Đảm bảo cân đối ngân sách để giữ an toàn nợ công
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 vừa qua, khi bàn về vấn đề nợ công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cho rằng nợ công vẫn đang ở mức giới hạn cho phép nhưng tình hình đã đến lúc lo ngại đến an ninh tài chính. Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) về vấn đề này.
* Nợ công và phần chìm của “tảng băng” doanh nghiệp nhà nước
* Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
* Chênh vênh như nợ công Việt Nam
Ông Hoàng Hải
|
Ông có thế cho biết những con số cụ thể về tình hình nợ công tính đến thời điểm hiện nay?
Trong báo cáo mới đây gửi đến Quốc hội, Bộ Tài chính đã nêu rõ, theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều. Tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 51,7% (2010), 50,1% (2011), 50,8% (2012), 54,1% (ước tính 2013) và hiện ở dưới mức theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội là 65%.
Sở dĩ, nợ công gia tăng trong thời gian qua là vì trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích lũy từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng.
Cụ thể về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm. Do vậy áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các Ngân hàng thương mại trong khi cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.
Bộ Tài chính đã có định hướng phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ tới năm 2020, một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu đó là kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ và nhiều nỗ lực đã được triển khai để đạt được mục tiêu này như khuyến khích việc tham gia đầu tư trái phiếu của các cơ quan bảo hiểm, tiếp tục tăng cường tính thanh khoản trên thị trường trái phiếu để khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư các công cụ nợ có thời hạn dài hơn.
Tiêu chí về nợ công vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến việc tính toán số nợ công cũng khác. Có ý kiến cho rằng nợ công của chúng ta chưa tính hết phần vốn vay của DNNN do Chính phủ bảo lãnh. Ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?
Hiện nay, trên thế giới chưa có tiêu chí chung về phạm vi nợ công áp dụng chung cho các quốc gia. Ở mỗi quốc gia tùy theo tình hình thực tế và mức độ phát triển để xác định phạm vi nợ công của mình. Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật Quản lý nợ công đã nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của nhiều quốc gia, cũng như là quan điểm của các tổ chức tài chính quốc tế trong việc xác định phạm vi của nợ công và có thể khẳng định phạm vi nợ công của Việt Nam về cơ bản là phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ công của Việt Nam bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.
Như vậy, nếu cho rằng nợ công của chúng ta chưa tính hết phần vốn vay của DNNN do Chính phủ bảo lãnh là chưa hoàn toàn chính xác vì nợ được Chính phủ bảo lãnh chắc chắn đã bao gồm nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh. Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Chính phủ cấp bảo lãnh mà không phân biệt các thành phần kinh tế và trên thực tế, bên cạnh các DN Nhà nước, Chính phủ cũng còn cấp bảo lãnh cho các DN ở khu vực tư nhân với điều kiện các dự án đó được đánh giá là khả thi về kinh tế và tài chính.
Cũng liên quan tới câu hỏi này, hiện nay có rất nhiều quan điểm cho rằng tất cả nợ của DNNN đều cần phải được tính vào nợ công, hiện nay DNNN hay DN tư nhân ở nước ta cùng hoạt động theo Luật DN trên cơ sở bình đẳng trong các hoạt động vay và trả nợ. DN là người trực tiếp chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ phát sinh của mình, đơn vị cho vay phải tự xác định rủi ro tín dụng khi quyết định việc cho vay, Chính phủ chỉ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nợ trong trường hợp các DN (không phân biệt thành phần kinh tế) được Chính phủ bảo lãnh vay đang gặp khó khăn và tạm thời không có khả năng trả nợ. Vì vậy mà các khoản tự vay tự chịu trách nhiệm trả nợ của các DN, bao gồm cả DNNN, không được đưa vào phạm vi nợ công. Đây cần được coi là nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng và minh bạch, là một mục tiêu mà DN thuộc mọi thành phần kinh tế đều mong muốn và là yêu cầu tất yếu khi các DN mở cửa và hoạt động theo các nguyên tắc của thị trường.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ làm gì để đảm bảo an toàn nợ công, thưa ông?
Để đảm bảo an toàn nợ công, giữ gìn an ninh tài chính quốc gia, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, từng bước giảm bội chi NSNN, chủ động bố trí nguồn để trả nợ trong nước, ngoài nước đến hạn hàng năm theo đúng cam kết; trong quá trình điều hành NSNN phấn đấu tăng thu để sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ.
Bên cạnh đó, có kế hoạch thực hiện cơ cấu lại nợ, phấn đấu tăng thời hạn đối với trái phiếu phát hành trong nước có kỳ hạn dài (5 năm, 10 năm, 15 năm); thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các khoản vay về cho vay lại, các khoản bảo lãnh cho DN; định kỳ kiểm tra, xử lý kịp thời những vướng mắc, vi phạm; tập trung xử lý các khoản nợ vay về cho vay lại trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN.
Việc phối hợp với các tổ chức quốc tế như WB, IMF cũng rất quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện các công cụ quản lý nợ như từ xây dựng và triển khai chương trình quản lý nợ trung hạn, phân tích nợ bền vững, cho tới xây dựng và hoàn thiện hệ thống đăng ký thông tin và cơ sở dữ liệu về nợ công, cũng như tiếp tục hoàn thiện mô hình hoạt động của cơ quan quản lý nợ …
Xin cảm ơn ông!
Trần Thắng (thực hiện)
hải quan
|