Ôm hàng tấn vàng nhưng vẫn nợ thuế
Mỗi năm khai thác và xuất khẩu hàng trăm ký vàng, thế nhưng hai công ty khai thác vàng của Tập đoàn Besra VN là Công ty TNHH vàng Phước Sơn và Công ty TNHH vàng Bồng Miêu vẫn chây ì nộp thuế, dù Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần gia hạn.
Công nhân Công ty vàng Phước Sơn làm việc bên trong mỏ - Ảnh: Tấn Vũ
|
Theo ông Lê Mai Khắc Hưng - phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này tổng số các loại thuế mà hai công ty của Besra VN vẫn còn nợ là 275 tỉ đồng. Điều bất thường là doanh nghiệp không hề thua lỗ.
Chây ì nợ
"Thật vô lý bởi nếu công ty thua lỗ, mất vốn hoặc hàng tồn kho không có khả năng tài chính để nộp thuế thì được. Đằng này họ kinh doanh không lỗ, hàng bán hết mà vẫn không chịu nộp thuế"
Ông LÊ MAI KHẮC HƯNG (phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam)
|
Trước tình hình trên, từ nhiều tháng trước Cục Thuế Quảng Nam phải áp dụng các biện pháp cứng rắn với Công ty vàng Phước Sơn. Lần thứ nhất vào tháng 9-2013, Cục Thuế Quảng Nam đã ra quyết định cưỡng chế dưới hình thức phong tỏa tài khoản ở các ngân hàng của doanh nghiệp này, thế nhưng sau đó UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên việc phong tỏa, cưỡng chế dừng lại. Gần đây nhất vào tháng 3-2014, trước số nợ 225 tỉ đồng của Công ty vàng Phước Sơn, Cục Thuế tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế qua ngân hàng. Tuy nhiên theo luật định, biện pháp này chỉ có hiệu lực trong vòng một tháng. Biện pháp tiếp theo được áp dụng là thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng với Công ty vàng Phước Sơn trong thời hạn một năm kể từ ngày 28-4.
Sau khi biện pháp trên được áp dụng, ngay lập tức Tập đoàn Besra VN bất ngờ phát đi thông báo về việc chính thức đóng cửa hai nhà máy này khiến 1.000 công nhân đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Ông Hưng cho rằng hành động trên là một trong những biện pháp gây sức ép với cơ quan thuế. Tuy nhiên việc cưỡng chế cũng vẫn phải tiến hành vì theo ông Hưng, chỉ có như vậy mới tạo môi trường sòng phẳng trong kinh doanh với các doanh nghiệp khác. “Doanh nghiệp trong nước nợ chỉ vài chục triệu đồng là tiến hành cưỡng chế rồi. Trong khi đó, doanh nghiệp khai khoáng, bán vàng, không thua lỗ vẫn không chịu nộp thuế thì rất khó hiểu” - ông Hưng nói.
Ông Hưng phân tích việc không nộp thuế của Công ty vàng Phước Sơn là đầy phi lý. “Vì doanh nghiệp này xuất khẩu 100% lượng vàng khai thác. Thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu trên sản lượng xuất khẩu, thế nhưng vàng đã bán ra nước ngoài mà doanh nghiệp vẫn không nộp” - ông Hưng bức xúc.
Ngoài ra, vẫn theo ông Hưng, khi xây dựng nhà máy, Công ty vàng Phước Sơn có trách nhiệm trừ khoản thuế xây dựng vào khoản phải thanh toán cho doanh nghiệp xây dựng để nộp cho Nhà nước nhưng công ty này vẫn không làm. Bên cạnh đó tiền thuê đất, phí môi trường... doanh nghiệp này vẫn chưa trả.
Địa phương “cháy túi”
Theo ông Hưng, chính việc không nộp thuế của hai công ty trên khiến hai huyện Phước Sơn (Nhà máy vàng Phước Sơn) và Phú Ninh (Nhà máy vàng Bồng Miêu) rơi vào cảnh điêu đứng vì không có ngân sách thu - chi. Năm 2014, huyện Phước Sơn dự tính thu 347 tỉ đồng, trong đó riêng Công ty vàng Phước Sơn hơn 200 tỉ đồng, nhưng đến nay huyện này chỉ thu được 73 tỉ đồng, Công ty vàng Phước Sơn chỉ mới nộp khoảng 20 tỉ đồng. Mọi hoạt động đầu tư của địa phương gần như đình trệ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-7, ông Đinh Văn Thu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết trên tinh thần cuộc làm việc giữa UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh và đại diện của Công ty vàng Phước Sơn, UBND tỉnh thống nhất kéo dài thời gian trả nợ thuế cho công ty vàng. Tuy nhiên, công ty phải cam kết trả nợ theo kế hoạch và nếu khai thác có sản lượng mới xuất khẩu thì tất cả khoản thuế đều phải nộp.
Ông Thu cũng cho hay khi Bộ Kế hoạch - đầu tư cấp giấy phép đầu tư cho Công ty TNHH vàng Phước Sơn năm 2003 quy định rõ việc thuế suất phải tuân theo chính sách thuế hiện hành của Nhà nước. Do vậy, việc thuế suất tăng hoặc giảm đều phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước nên khi sản xuất, kinh doanh, nhà đầu tư phải chuẩn bị cả các phương án này.
Theo ông Lương Đình Đường - phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, tại buổi làm việc với Công ty TNHH vàng Phước Sơn, công ty này nêu ra nhiều lý do dẫn đến việc chậm thuế như sản lượng vàng khai thác giảm, giá vàng thế giới biến động, giảm, chính sách thuế tài nguyên của VN cao nhất khu vực (15%), thời tiết xấu...
Besra đã bán hết số vàng khai thác được
Chiều 25-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tập đoàn Besra VN xác nhận: số nợ thuế bao gồm cả khoản phạt nộp chậm thuế tính đến tháng 6-2014 của Công ty vàng Phước Sơn là khoảng 230 tỉ đồng và Bồng Miêu khoảng 55 tỉ đồng. Lý do Besra không trả được các khoản nợ thuế là bởi ngành khai khoáng phải đầu tư lớn, thăm dò, phát triển hầm lò trước khi thu được sản phẩm cuối cùng, hàm lượng không ổn định; do thiên tai, bão lụt, giá vàng tụt dốc... Ngoài ra có đến 18 loại phí, thuế đang áp dụng cho ngành khai thác mỏ và đặc biệt là Phước Sơn rất cao...
Trước đó trong một cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Darin Lee - giám đốc điều hành sản xuất Besra VN - xác nhận: tính đến tháng 4-2013, Besra đã khai thác được 200.000 ounce (tương đương 6,22 tấn vàng). Và khoảng 80% trong số đó đã được xuất bán ra nước ngoài (toàn bộ số vàng này đều có nguồn gốc từ Phước Sơn - PV). Riêng 20% còn lại (chủ yếu là vàng của Bồng Miêu) được bán trong nước. Cũng theo ông Darin Lee, toàn bộ số vàng làm ra (6,22 tấn) hiện đã bán sạch.
Đăng Nam
|
Tấn Vũ
tuổi trẻ
|