Cuối năm 2014, ngành nào sẽ có lợi nhuận vượt trội?
Nhóm ngành nào đang có nhiều cơ hội “thắng lợi” trong nửa cuối năm 2014, khi bức tranh tổng quan của nền kinh tế đã “tươi sáng” hơn so với cuối năm 2013?
Nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng trong khó khăn
Báo cáo Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 của Tổng cục Thống kê cho thấy nền kinh tế đã đạt được những tiến triển nhất định trong bước đầu cải cách. Những nét chính nổi bật của nền kinh tế trong 6T/2014 gồm có:
GDP tăng trưởng trong nửa đầu năm 2014 với 5.2%, cao hơn mức tăng 4.9% của cùng kỳ năm 2013 (UBGSTCQG dự báo GDP năm 2014 tăng 5.7 – 5.8%). Xét về mức độ tăng trưởng của mỗi nhóm khu vực ngành qua các năm (thời kỳ gốc là năm 2010) thì ngành Thủy sản đạt mức tăng cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013, trong khi ngành Xây dựng lại có mức tăng thụt lùi, các khu vực ngành còn lại gồm Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Công nghiệp, Dịch vụ cũng đều có mức tăng cao hơn.
Cán cân thương mại xuất siêu với 1.3 tỷ USD, trong đó, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu với 8.5 tỷ USD, khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu 7.2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng 14.9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 11%. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như điện thoại các loại và linh kiện (17.1%), dệt may (18.2%), giày dép (21.9%), thủy sản (26.5%), cà phê (24.8%), dầu thô (10.8%), sắt thép (10.4%)…, trong khi cao su giảm 32.3%, than đá giảm 38.2%.
Tiêu dùng cải thiện. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay, sau khi loại trừ yếu tố giá, tăng 5.7% cao hơn mức tăng 4.9% của cùng kỳ năm trước. Mức tiêu thụ điện trong nửa đầu năm 2014 cũng tăng nhanh hơn cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ 1.38% so với cuối năm 2013, và tăng 4.98% so với cùng kỳ năm 2013 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tăng khá chậm rãi khi con số kỳ vọng của Chính phủ là 7%. Điều này cho thấy tổng cầu vẫn còn yếu.
Lãi suất giảm, cụ thể lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn 6 tháng đã giảm 8 điểm phần trăm, từ 7.2%/năm hồi đầu năm còn 6.4%/năm tại tháng 5/2014.
Tổng cầu còn yếu, nhất là cầu đầu tư, trong đó giá trị đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tính trên GDP trong 6 tháng 2014 giảm so với cùng kỳ năm 2013. Tăng trưởng tín dụng thấp, tính tới 20/05/2014, chỉ tăng 1.1% so với cuối năm 2013, thấp hơn mức tăng 2.1% của cùng kỳ năm 2013 (mục tiêu đề ra của Chính phủ là 12-14% trong năm 2014). Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm khi vốn đăng ký (cấp mới và bổ sung) giảm 35.3%, song vốn thực hiện lại tăng nhưng rất thấp chỉ 0.9% (cùng kỳ năm 2013 tăng 5.6%).
Chi phí đầu vào tăng cao, điển hình là trong tháng 5/2014, giá cả đầu vào tăng gấp đôi các tháng trước.
Riêng trong quý 02/2014, có những điểm đáng chú ý sau: (1) GDP tăng 5.6%, trong khi quý 1/2014 tăng 5.1% và cùng kỳ năm 2013 tăng 5.3%; (2) thị trường ngoại hối vẫn ổn định sau những biến động trên thị trường tự do trong tháng 5 và 6; (3) xét xử các vụ đại án diễn ra cùng với những căng thẳng trên biển Đông đã gây xáo trộn mạnh tới TTCK Việt Nam trong khoảng giữa tháng 4/2014 đến giữa tháng 5/2014; (4) giá xăng liên tục leo dốc và lập kỷ lục mới; (5) tỷ giá được điều chỉnh tăng 1% vào ngày 19/06, theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng lên 21,246 VNĐ/USD từ mức 21,036 VNĐ/USD.
Các ngành dự đoán có kết quả kinh doanh nổi bật cuối năm 2014
Số liệu về kim ngạch xuất khẩu và chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa đều tăng cho thấy một số ngành có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu lớn sẽ “thắng lợi” trong nửa cuối năm 2014. Có thể kể đến như Dầu khí, liên quan đến dầu thô (như PVC, PVD, PVS), Thủy sản (HVG, MPC, VHC, FMC, CMX,…), Sắt thép (HPG, HSG,…). Đây là những ngành mà các doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế.
Ngành Sản xuất và phân phối điện cũng được kỳ vọng có KQKD tốt khi sản lượng tiêu thụ điện tăng mạnh và giá điện vẫn ổn định (điển hình là TBC, NLC, BTP, VSH,…). Nhu cầu tiêu dùng cải thiện cũng đem lại KQKD tích cực cho ngành Sản xuất thực phẩm – đồ uống với các doanh nghiệp điển hình như VNM, MSN.
Tuy ngành Xây dựng và Bất động sản tăng trưởng thấp nhưng một số doanh nghiệp trong ngành vẫn có thể đạt KQKD tích cực hơn, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh nhà ở xã hội (như HQC, NBB, LCG,…) khi gặp thuận lợi nhờ các gói hỗ trợ của Chính phủ. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay giảm nhờ lãi suất huy động giảm giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí lãi vay, khách hàng cũng mạnh dạn vay vốn để mua bất động sản.
Kinh tế tăng trưởng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho TTCK phát triển. Khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trong 6 tháng đầu năm nay đạt 107 triệu trên sàn HOSE và 69 triệu trên sàn HNX, tăng tương ứng 80% và 32% so với cùng kỳ năm 2013; và tăng lần lượt 80% và 72% so với năm 2013. Các CTCK thuộc ngành Dịch vụ tài chính cũng sẽ có cơ hội cải thiện KQKD đáng kể. Các công ty nổi bật như SSI, HCM sẽ được hưởng lợi ở mảng môi giới và hỗ trợ dịch vụ tài chính.
Nhóm ngành nhiều khả năng kém khả quan
Nếu như nhóm công ty sản xuất sản phẩm từ cao su (DRC, CSM, …) được hưởng lợi từ việc giá cao su tự nhiên rớt giá mạnh thời gian qua, thì đó lại là bất lợi của nhóm công ty kinh doanh sản phẩm cao su tự nhiên (DPR, HRC, PHR, TNC, TRC).
Giá cao su xuất khẩu bắt đầu giảm nhanh và mạnh từ đầu năm nay khi cung vượt trội cầu trên thị trường thế giới. Giá xuất khẩu bình quân trong 5 tháng đầu năm nay là 1,842 USD/tấn, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2013. Thị trường xuất khẩu cao su theo đó cũng bị thu hẹp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 337,000 tấn cao su, giá trị thu về đạt 644 triệu USD, giảm gần 12% về lượng và giảm đến 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Mặt khác, Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn của Việt Nam. Những căng thẳng liên quan đến tình hình Biển Đông vừa qua nhiều khả năng đã ảnh hưởng đến lượng hàng cao su xuất khẩu.
Thu Hoa
|