Thứ Sáu, 18/07/2014 13:00

M&A theo sóng thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước

Từ đầu năm 2014 đến nay, với chủ trương nhanh chóng và triệt để thoái vốn doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, không ít tổ chức, cá nhân đã tranh thủ thâu tóm các doanh nghiệp thuộc danh sách thoái vốn của SCIC để phục vụ cho mục đích mở rộng hoạt động, tấn công một lĩnh vực mới hay đơn giản là củng cố vị thế tại doanh nghiệp.

Các ông lớn tài chính đang tranh thủ thâu tóm các doanh nghiệp thuộc danh sách thoái vốn của SCIC

Ông lớn đầu tư tài chính ra tay

Có thể nói, các đơn vị trên sàn đầu tiên nhạy cảm với làn sóng thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước là các ông lớn vốn đã đình đám trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Đó chính là nhóm Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI), Cơ điện lạnh (HOSE: REE) hay Đầu tư F.I.T (HNX: FIT).

Nhóm SSI có tham vọng “bá chủ” trong lĩnh vực nông nghiệp nước ta khi từng bước nâng tỷ lệ sở hữu và biến các đơn vị sản xuất nông nghiệp trở thành công ty con, công ty liên kết. Trong làn sóng thoái vốn của SCIC khỏi lĩnh vực này không thể thiếu sự “để mắt” của SSI, hay nói đúng hơn là PAN (nhóm SSI nắm trên 45% và ông Nguyễn Duy Hưng là cổ đông sáng lập) mà theo tuyên bố của ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT SSI (đồng thời cũng là PAN) rằng sẽ “chuyển những khoản đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp sang cho PAN”.

Thực vậy, khi Chế biến hàng XK Long An (HOSE: LAF) được liệt vào danh sách thoái vốn của SCIC thì PAN đã tranh thủ mua lại. Cụ thể, ngày 11/06 vừa qua, SCIC vừa thông báo thoái sạch 23.03% vốn LAF, đúng 1 tháng sau, Xuyên Thái Bình (HOSE: PAN) công bố đã mua đúng lượng cổ phần trên.

Theo số liệu công khai, hiện PAN cùng nhóm SSI đã nắm giữ gần 43% vốn của LAF. Trong đó, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI sở hữu 14.69% vốn và SSI nắm 5.24% vốn. Bên cạnh SCIC thoái vốn tại LAF thì một cổ đông lớn khác New-S Securities cũng giảm dần tỷ lệ sở hữu và không còn là cổ đông lớn.

Doanh nghiệp tiếp theo thuộc tầm ngắm của nhóm là Giống cây trồng Trung Ương (HOSE: NSC). Kể từ đầu năm 2014, giao dịch cổ phiếu của NSC khá sôi động với việc mua đi bán lại giữa các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn. Đặc biệt là các giao dịch của nhóm có liên quan SSI, PAN, SSIAM và Đầu tư Đường Mặt Trời. Trong đó, SSI, SSIAM và Đường Mặt Trời liên tục mua để trở thành cổ đông lớn rồi sau đó bán ra, còn PAN cho đến hiện tại vẫn chỉ mua vào. PAN dự định sẽ mua 40% vốn NSC với giá chào mua dự kiến 76,100 đồng/cp. Theo số liệu công bố, PAN đang sở hữu khoảng 24.63% vốn NSC.

Trong danh sách cổ đông lớn của NSC tính đến 12/03/2014, ngoại trừ SCIC và Quỹ Việt Nam Holding thì tất cả đều thuộc nhóm SSI. Song cho đến nay, SCIC đã hoàn tất thoái hết 11% vốn NSC (giao dịch được thực hiện vào 08/04), còn Quỹ Việt Nam Holding vẫn đang thoái dần.

Không chỉ nhóm SSI, Đầu tư F.I.T (HNX: FIT) cũng đóng góp vào làn sóng M&A theo sóng thoái vốn của SCIC bằng thương vụ thâu tóm TSC. Thương vụ bắt đầu từ việc SCIC thoái 42.1% vốn của CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (HOSE: TSC). Nhân cơ hội này, FIT đã từng bước thông qua các cá nhân có liên quan mua lại và nâng dần tỷ lệ sở hữu lên trên 60%. Đến nay tuy chưa công khai về tỷ lệ sở hữu của FIT tại TSC nhưng có thể thấy nhân sự chủ chốt tại TSC đã được thay thế bởi người của FIT. Cụ thể, cựu Chủ tịch FIT- ông Nguyễn Văn Sang hiện đang làm Chủ tịch TSC và Thành viên HĐQT FIT- ông Phan Minh Sáng là Phó chủ tịch TSC.

Ngoài ra, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2014, ông Sang, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Tổng Giám đốc FIT và ông Sáng cùng xuất hiện với tư cách đại diện cho hơn 62% vốn TSC.

Với phương án phát hành 7.5 triệu cp (chiếm 47% vốn sau phát hành) cho đối tác chiến lược là FIT của TSC đã được cổ đông thông qua tại Đại đội bất thường thì FIT coi như hoàn tất quá trình thâu tóm và nâng sở hữu lên khoảng 80% vốn TSC (tính toán dựa trên ước tỷ lệ sở hữu hiện tại là 62% - tỷ lệ đại diện nhóm cổ đông lớn tại ĐHĐCĐ thường niên).

Một doanh nghiệp khác cũng có tình cảnh tương tự, những ngày đầu tháng 4/2014, SCIC thông báo thoái hết hơn 15 triệu cp, ứng với 24% vốn CTCP Thủy điện Thác Bà (HOSE: TBC). Lúc này, có một cá nhân là ông Nguyễn Tất Thắng đã mua toàn bộ số cổ phần trên, tuy nhiên chỉ sau 3 ngày cổ đông này đã đăng ký bán 12.5 triệu cp TBC và không còn cổ đông lớn vào ngày 17/04. Đối tượng mua 12.5 triệu cp TBC rất có khả năng là Chứng khoán TP.HCM (HOSE: HCM) khi mà cùng ngày HCM trở thành cổ đông lớn với số lượng cổ phần nắm giữ tương tự.

Dẫu vậy, lượng cổ phần trên lại thêm một lần chuyển nhượng nữa mới đến chủ nhân cuối cùng, đó là Cơ điện lạnh (HOSE: REE) khi đơn vị này vừa hoàn tất mua thỏa thuận 12.5 triệu cp CTCP Thủy điện Thác Bà (HOSE: TBC) từ tay HCM vào ngày 26/05. Trước đó, REE cũng đã mua 9.2 triệu cp (14.5%) từ 5 cổ đông cũ của TBC là Lại Lệ Hương, Hoàng Thị Khánh Vân, Trần Kim Linh, CTCP Vĩnh Thịnh và ông Nguyễn Tấn Thắng.

Kết lại, dù qua tay nhiều lượt nhưng cuối cùng REE cũng đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ số lượng cp SCIC đã thoái cùng thu gom thêm từ các cổ đông cũ khác. Qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại TBC lên 58%, nắm quyền chi phối tại công ty .

Cá nhân cũng tranh thủ

Ở một khía cạnh khác, Tổng Giám đốc Địa ốc Đà Lạt (HNX: DLR), ông Ngô Phước cũng muốn tranh thủ việc SCIC thoái vốn mà tăng tỷ lệ sở hữu tại chính đơn vị mình đang công tác. Theo đó, đầu tháng 7 vừa qua, ông Phước đã có đơn đề nghị mua 20% vốn DLR do SCIC nắm giữ. Hiện, ông Phước đang sở hữu 8,888 cp DLR và SCIC nắm giữ 1.35 triệu cp, ứng với tỷ lệ 30% vốn DLR.

Tương tự, Ban lãnh đạo của Bao bì & In Nông nghiệp (HNX: INN) đã đồng loạt đăng ký mua cổ phần khi SCIC thông báo thoái 1,518,750 cp, ứng với tỷ lệ 18.75% vốn.

Hay 3 nhà đầu tư cá nhân là ông Trần Hoàng Tuấn, ông Lê Trường Sơn, ông Phan Ngọc Thuận cũng đã chi hàng tỷ đồng để mua tổng cộng 2,076,427 cp, ứng với 25.9% vốn Xây dựng 47 (HOSE: C47). Đây cũng chính là khối lượng cổ phần mà SCIC đăng ký bán để cơ cấu danh mục đầu tư.

Tương tự, cơ cấu cổ đông của CTCP Vải sợi May mặc Miền Bắc (HNX: TET) cũng có sự thay đổi lớn bắt đầu bằng việc SCIC thoái hết 28.65% vốn. Thay vào đó là 3 cá nhân gồm nhà đầu tư Lê Thanh Minh, bà Lâm Thị Thu Phương và bà Nguyễn Thị Thanh Hương đồng thời trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sỡ hữu lần lượt 9.55%, 10.42% và 9.87%. Trong đó, tất cả đều là cổ đông mới, ngoại trừ bà Hương (tỷ lệ sở hữu trước đây là 1.19%).

Ngoài ra, một trường hợp đáng chú ý, SCIC đã thoái hết 58% vốn của Điện nước Lắp máy Hải Phòng (HNX: DNC), trong cơ cấu cổ đông lớn xuất hiện những cái tên khá lạ lẫm là ông Lê Xuân Phòng, ông Nguyễn Trung Kiên và bà Mai Thị Thanh Hà với tỷ lệ sở hữu tổng cộng hơn 50% vốn. Song gần đây, chỉ sau 1 tháng trở thành cổ đông lớn, ông Lê Xuân Phòng và bà Mai Thị Thanh Hà đã lần lượt bán lại gần như toàn bộ cổ phần nắm giữ và không còn là cổ đông lớn của DNC. Hiện vẫn chưa xuất hiện bóng dáng cổ đông lớn đã tiêu thụ lượng cổ phần trên.

Mỹ Hà

Các tin tức khác

>   C47: Phát hành thành công 1.6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (16/07/2014)

>   C47: Phát hành thành công 1.6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (16/07/2014)

>   HPG lấy ý kiến phương án phát hành cổ phiếu ESOP (15/07/2014)

>   HHS: 23/07 GDKHQ mua cổ phiếu phát hành thêm và trả cổ tức 2013 (15/07/2014)

>   Lộ diện 3 nhà đầu tư đổ 100 tỷ vào Bến Thành Land (15/07/2014)

>   GHC: 21/07 GDKHQ mua 10 triệu cp giá 15,000 đồng/cp (14/07/2014)

>   FLC: Bản cáo bạch phát hành thêm cổ phiếu (14/07/2014)

>   NKG: Xuất hiện cổ đông mới nắm 25% vốn (14/07/2014)

>   FLC: Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng (14/07/2014)

>   Doanh nghiệp tăng vốn mạnh, cổ đông “thủng túi”? (13/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật