Doanh nghiệp tăng vốn mạnh, cổ đông “thủng túi”?
Trong những định nghĩa phổ biến nhất, thị trường chứng khoán (TTCK) có hai tác dụng chính là huy động vốn cho doanh nghiệp đồng thời là kênh tài sản sinh lời cho nhà đầu tư.
TTCK vận hành hiệu quả sẽ giúp nguồn vốn được phân bổ vào những doanh nghiệp tốt, những dự án hiệu quả, nhờ vậy giá trị được tạo ra, doanh nghiệp phát triển và nhà đầu tư hưởng lợi. TTCK khi đó phát huy tác dụng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Vùng sáng
Kể từ khi được thành lập tới nay, đã có những doanh nghiệp phát triển vượt bậc nhờ tham gia TTCK. Lãnh đạo các doanh nghiệp như VIC, REE, SSI, PVD, HAG... đã nhiều lần công nhận vai trò quan trọng của TTCK trong thành công của họ. Nếu chỉ phát triển dựa trên lợi nhuận để lại, các công ty này sẽ không thể chớp được những thời cơ mà thị trường tạo ra để đột phá, tăng quy mô tài sản lên nhanh chóng và vươn lên vị thế doanh nghiệp lớn đầu ngành.
Tuy có thăng trầm theo ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, số vốn các doanh nghiệp đã huy động được cho thấy TTCK phần nào đã làm được chức năng đầu tiên là kênh dẫn vốn tới doanh nghiệp.
Vùng tối
Nhưng ở vế còn lại, vốn huy động được sử dụng ra sao và đã mang lại lợi ích gì cho nhà đầu tư, là một bức tranh tối màu. Trong bảy năm qua, nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phiếu vào thời điểm doanh nghiệp phát hành và giữ tới hiện tại có hiệu quả đầu tư bình quân rất kém, thua xa tiền lãi gửi ngân hàng và thua mức sinh lời chung của VN-Index.
Vùng tối nhất nằm ở hiệu quả sử dụng vốn và diễn biến giá cổ phiếu của các công ty có những đợt tăng vốn mạnh với mức tăng vốn vượt 100% vốn điều lệ. Đa số các nhà đầu tư bỏ vốn vào các đợt phát hành này và giữ tới hiện nay đã thua lỗ hoặc thậm chí mất trắng khi cổ phiếu hủy niêm yết hay phá sản như trường hợp của VSP, PVA, DVD...
Đang tồn tại một nghịch lý trên TTCK, doanh nghiệp tăng vốn càng mạnh thì hiệu quả hoạt động càng thấp và cổ đông càng thiệt hại. Trong khi đó, những đơn vị làm ăn hiệu quả đồng thời là cổ phiếu sinh lời tốt nhất cho nhà đầu tư như VNM, HPG, FPT, DHG, BMP... không thường xuyên tăng vốn và tăng với tỷ lệ thấp.
Vì đâu nên nỗi?
Trong các năm bùng nổ của TTCK như năm 2007, 2009, 2010, việc tăng vốn được thực hiện khá dễ dàng và không ít doanh nghiệp đã tranh thủ tăng vốn gấp nhiều lần chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, quy luật khắc nghiệt của thị trường luôn là khi có quá nhiều tiền đầu tư thì cơ hội ít đi và rủi ro tiềm tàng.
Thực tế đã chứng minh, chỉ có rất ít trong số các công ty giỏi tăng vốn này biết cách sử dụng hiệu quả số vốn đã huy động. Đa số chỉ làm tốt việc chớp thời cơ huy động sau đó sử dụng tiền sai mục đích hoặc kém hiệu quả dẫn tới giá trị doanh nghiệp cũng như giá cổ phiếu tụt giảm. Hiện tượng này được giới đầu tư gọi với tên “in giấy lấy tiền”.
Việc tiền bị hút vào các đợt tăng vốn ồ ạt nhưng kém hiệu quả này tạo ra hai hệ lụy cho TTCK còn non trẻ và khan hiếm nguồn lực như Việt Nam.
Thứ nhất, lượng vốn lớn bị thu hút, ứ đọng, và mất đi trong những dự án phi thực tế được quản lý bởi các công ty không có năng lực. Trong khi đó, các doanh nghiệp tốt, các dự án hiệu quả bị cạnh tranh và không thu hút được đủ lượng vốn cần thiết. TTCK không làm tốt chức năng phân bổ nguồn vốn hiệu quả.
Điều này tất yếu dẫn tới hệ lụy thứ hai: TTCK đánh mất niềm tin của nhà đầu tư. Rất nhiều dự án với những kế hoạch kinh doanh hoành tráng được vẽ ra, vốn lớn được huy động, nhưng kết quả thực hiện thì sai lệch, yếu kém, đã làm mất đi giá trị khoản đầu tư cũng như niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK. Nhiều người coi TTCK là sòng bạc, gọi đầu tư là chơi cổ phiếu.
Để TTCK thực sự làm tốt hai vai trò cơ bản của mình là kênh huy động vốn và kênh đầu tư hiệu quả, những đợt tăng vốn cần được kiểm soát chặt chẽ hơn với những bắt buộc khắt khe hơn về công bố thông tin và kiểm soát quá trình sử dụng vốn sau huy động. Về phía mình, nhà đầu tư cần có cái nhìn thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi và hiệu quả sử dụng vốn của các đợt tăng vốn trên thị trường để tránh tái diễn cảnh doanh nghiệp mạnh tay tăng vốn còn cổ đông thì “thủng túi”.
Nguyên Đăng
TBKTSG
|