Cạnh tranh niềm tin người tiêu dùng
Nếu bạn có một khoản tiền nhàn rỗi và dự định đầu tư vào chứng khoán. Rồi bạn nhìn thấy Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam (Vietnam Consumer Confidence Index) đang ở mức thấp, liệu bạn có ngần ngại khi mua cổ phiếu?
Bạn là nhà sản xuất, muốn mở rộng công suất nhà máy, bạn sẽ chọn thời điểm Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng hay giảm để giải ngân?
Người tiêu dùng và niềm tin của họ là một trong những động lực tăng trưởng/suy yếu của nền kinh tế. Chỉ số này vừa chính thức được ngân hàng ANZ Việt Nam công bố sau khi đã thực hiện khảo sát ở bảy thành phố lớn trên cả nước kể từ đầu năm nay.
Vì sao ANZ lại thuê Công ty Nghiên cứu Roy Morgan khảo sát niềm tin người tiêu dùng Việt Nam? Ông Glenn Maguire, Kinh tế gia trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ANZ, lý giải: “Sự hình thành tầng lớp trung lưu đang diễn ra tại Việt Nam với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào ở châu Á. Để nghiên cứu quá trình vận động này và theo dõi chính xác các cơ hội dành cho các khách hàng của chúng tôi, ANZ đã hợp tác với Roy Morgan để khảo sát niềm tin người tiêu dùng Việt”.
Thì ra vậy. Các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng một công cụ để tìm kiếm và đo lường cơ hội kinh doanh của chính họ. Với Chỉ số niềm tin người tiêu dùng, các ngân hàng như ANZ sẽ biết rõ xu hướng thị trường nhằm tập trung hoạt động kinh doanh của họ vào lĩnh vực kinh tế nào. Trong khi các ngân hàng nội địa còn đang “rối bời” với nợ xấu cho vay bất động sản, nợ xấu cho vay doanh nghiệp nhà nước không hoặc chưa đòi được như Vinashin, Vinalines và băn khoăn với tín dụng yếu, khó khăn đầu ra, thì các đồng nghiệp ngoại của họ đã và đang chuyển mình. Cơ hội là ở tín dụng tiêu dùng!
Các tổ chức tín dụng nội địa hiện nay đều có định hướng vào ngân hàng bán lẻ, nhưng các nghiên cứu nhằm bổ trợ cho hoạt động bán lẻ vẫn chưa được đầu tư thích đáng, thậm chí là chưa nghĩ đến.
|
Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam, cho biết 18 tháng qua ANZ đã tập trung vào bán lẻ và doanh số của mảng dịch vụ bán lẻ đã chiếm 25% tổng doanh số của ngân hàng. Không nghi ngờ, tài trợ cho tiêu dùng có khả năng bùng nổ nay mai và đó sẽ là cuộc chiến khốc liệt.
Điều này được khẳng định không chỉ bởi cơ cấu trẻ của dân số, trình độ học thức và tiếp cận thông tin (qua Internet) của những người trong độ tuổi lao động; khoảng cách sự gia tăng thu nhập giữa nông thôn - thành thị; mà còn bởi các cuộc “đổ bộ” có thể nhìn thấy hàng ngày trên đường phố Sài Gòn của các nhà phân phối tiêu dùng nước ngoài. Chuỗi cửa hàng tiện lợi, thức ăn nhanh, nhà hàng, quán cà phê, điện máy, điện tử, hàng hiệu giày dép, quần áo, túi xách... xuất hiện ngày một nhiều.
Thị trường tiêu dùng Việt Nam đang bị (hay được?) nước ngoài “tấn công” và dĩ nhiên đứng sau trào lưu tiêu dùng bao giờ cũng có các ngân hàng với các khoản tín dụng được thiết kế đa dạng cả về giá trị, thời hạn, lãi suất, thậm chí không cần thế chấp, cầm cố cho người ta lựa chọn.
Không chỉ gia tăng chóng mặt về số lượng, một phần nhờ thu nhập ở các đô thị lớn đã tăng khoảng 10%/năm trong những năm gần đây, theo khảo sát của Roy Morgan, người tiêu dùng Việt Nam còn có tâm lý dễ dàng chấp nhận và bị chinh phục bởi các trào lưu hàng hóa mới. Không phải ngẫu nhiên các hãng xe hơi nổi tiếng thế giới đều mở cửa hàng trưng bày ở Hà Nội, TPHCM. Các trung tâm thương mại tràn ngập các nhãn hiệu thời trang quốc tế và không phải là chúng không bán được. Người Việt Nam có tỷ lệ sở hữu điện thoại di động, điện thoại thông minh tới 90%.
Khảo sát của Roy Morgan chỉ ra có 10,8% người tiêu dùng Việt dự định mua điện thoại thông minh trong 12 tháng tới; 9,1% dự định mua iPad; 8,4% dự định mua máy tính cá nhân... Có lẽ hầu hết các nhà sản xuất đều hài lòng với một tỷ lệ mua sắm cao như thế.
Trong khi đó, chỉ 1,2% người tiêu dùng đang có các khoản vay mua nhà, bất động sản và 0,2% trong số họ dự định vay để mua nhà hay bất động sản trong 12 tháng tới. Có thể hiểu tín dụng bất động sản sẽ còn tiếp tục chật vật và giá cả của khu vực này sẽ khó mà biến chuyển theo chiều hướng có lợi cho các chủ đầu tư.
Vào tháng 6-2014, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của ANZ đứng ở mức 131 điểm (gốc là 100 điểm, dưới mức này tức là niềm tin tiêu dùng có vấn đề), nó phục hồi khá mạnh từ mức 123,3 điểm của tháng 5 - thời điểm diễn ra sự kiện giàn khoan Trung Quốc đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng vẫn chưa bằng mức 136,4 điểm của tháng 2 và tháng 3. Người tiêu dùng nói chung đã tỏ ra nhạy cảm trước diễn biến trên biển Đông và nó ngay lập tức tác động đến nhận thức về tài chính gia đình. Chi tiêu gia đình trong tháng 5 có thể đã giảm sút và tiết kiệm dự phòng của người tiêu dùng có thể tăng lên. Rõ ràng những chi tiết đó có tầm quan trọng trong việc giúp các ngân hàng hoạch định hay thay đổi chiến lược kinh doanh. Chẳng hạn nếu tiết kiệm dự phòng tăng lên có thể dẫn đến việc gia tăng tiền gửi ở ngân hàng, đầu tư vào các tài sản có giá trị như vàng, ngoại tệ...
Các tổ chức tín dụng nội địa hiện nay đều có định hướng vào ngân hàng bán lẻ, nhưng các nghiên cứu nhằm bổ trợ cho hoạt động bán lẻ, như ANZ hay một số ngân hàng nước ngoài khác làm, chưa được đầu tư thích đáng, thậm chí là chưa nghĩ đến, chưa có trong chương trình nghị sự. Nếu cứ mãi theo đuổi những khoản tín dụng kếch sù cho những đối tượng vay hoành tráng, mà quên đi rằng người tiêu dùng, khách hàng cá nhân mới chính là mảnh đất tiềm năng cần khai thác, ngân hàng trong nước có thể sẽ còn gắn bảng “người thua cuộc” trên lưng dài dài trong cuộc cạnh tranh tài chính ngay tại Việt Nam.
Hải Lý
tbktsg
|