Thứ Bảy, 19/07/2014 16:14

Cà phê xuất khẩu giá rẻ vẫn ít người mua

Giá cà phê nội địa lượn lờ quanh mức 39 triệu đồng/tấn. Sàn kỳ hạn kéo giá lững thững suốt tuần do thiếu người tham gia mua bán vì đang dịp nghỉ hè. Nếu Brazil mất mùa, liệu sẽ có nguồn thay? Nhưng cung cầu nay xem ra chưa quan trọng, tính thanh khoản của sàn kỳ hạn mới là vấn đề.

Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta trong tuần qua

Mua bán bớt nhộn nhịp

Từ 39,5 triệu đồng/tấn cuối tuần trước, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên bùng nhanh lên chạm 40 triệu đồng/tấn ngày đầu tuần, nhưng rồi sau đó, mỗi ngày giá bị gọt mỏng dần, đến sáng hôm nay thứ Bảy 19-7, chỉ còn trên dưới 39 triệu đồng/tấn.

Trên sàn kỳ hạn cũng vậy, giá xuống mỗi ngày một ít, nên mua bán bớt nhộn nhịp, nhất là khi giá cà phê nguyên liệu xuống quanh mức 39 triệu đồng/tấn.

Một nông dân sống tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, cà phê hiện nay hầu hết đã chuyển qua tay các đại lý, tồn kho tại nhà người sản xuất chẳng còn bao nhiêu. Vả lại, một số thương buôn nội địa mua hàng vào khi giá cao trên 40 triệu đồng/tấn, nên không còn cách nào khác ngoài đợi giá lên để xuất bán.

Hơn nữa, theo giới kinh doanh, nhu cầu mua thực sự của các hãng rang xay nay yếu hẳn, một mặt do họ đã mua trước, nay chỉ còn chờ giao hàng, mặt khác thời điểm này là dịp họ đưa gia đình đi nghỉ hè nên lơ là giao dịch.

Chính vì thế, các hãng kinh doanh nước ngoài cũng không ký hợp đồng thêm vì chưa có đầu ra. Nếu cần xuất hàng, nhiều hãng chỉ lấy hàng đã mua sẵn để trong các kho nội, ngoại quan để giao. Hoạt động giao hàng lên tàu tại thời điểm này tại các thương cảng chủ yếu người mua đưa hàng qua các kho thuộc sàn kỳ hạn robusta Ice Liffe tại châu Âu để sẵn đó và chọn thời cơ tốt bán cho trong hay ngoài sàn để tối đa hóa lợi nhuận.

Giá xuất khẩu rẻ vẫn ít người mua

Giá chào xuất khẩu dựa trên chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn kỳ hạn và giá giao qua lan can tàu (FOB) cho loại 2,5% đen vỡ của Việt Nam đang ở mức trừ 55-65 đô la/tấn, so với giá cùng loại của Brazil là trừ 45-55 đô la/tấn.

Tuy giá xuất khẩu giảm 30 đô la/tấn so với trước vẫn ít người mua mới, hoạt động xuất khẩu cà phê bớt nhộn nhịp được phản ánh trong ước báo xuất khẩu tháng vừa qua.

Thống kê của Tổng cục Hải quan ước rằng xuất khẩu cà phê tháng 6-2014 của nước ta đạt 108.134 tấn, giảm 21% so với tháng trước nhưng tăng 18% so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu niên vụ bắt đầu từ 1-10-2014 đạt 1,32 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá kỳ hạn robusta Ice Liffe London đóng cửa phiên cuối tuần chốt mức 2.001 đô la/tấn, tăng 4 đô la/tấn so với cách đây bảy ngày nhưng giảm 22 đô la/tấn so với ngày 14-7.

Cà phê dồn về các kho thuộc phía tiêu thụ

Biểu đồ: Tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ đến hết tháng 6-2014

Sàn robusta Ice Liffe London cho biết từ ngày 2-7 đến 17-7, sàn này đã cấp giấy đạt chuẩn chất lượng cho 6.360 tấn cà phê Việt Nam trong tổng số 7.150 tấn của toàn thế giới. Lượng cà phê đạt chuẩn từ nước ta dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian sắp tới.

Hiệp hội Cà phê Nhân của Mỹ (Green Coffee Association – GCA) trong báo cáo thường kỳ mới nhất cho rằng tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ trong tháng 6-2014 tăng mạnh với 259.262 bao (60 kg x bao) so với tháng trước đó, đạt 5.656.004 bao (xin xem biểu đồ trên). Nếu như tiêu thụ tại vùng này hàng tuần chừng 500.000 bao, số lượng này thỏa mãn cho 11,5 tuần và chưa tính chừng 1 triệu bao đang còn trung chuyển hay ở tại các nhà máy chế biến.

Mỹ là nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Số liệu báo cáo tồn kho của Mỹ có ảnh hưởng nhất định đến thị trường.

Thế giới thiếu cà phê? Chưa chắc!

Bộ Nông nghiệp Indonesia ước sản lượng cà phê năm này đạt chừng 711.000 tấn, tăng 2,9% so với năm ngoái là 691.000 tấn. Indonesia là nước sản xuất cà phê lớn thứ ba trên thế giới. Tin này xua tan những đồn đãi trước đây cho rằng Indonesia sẽ mất mùa do thời tiết bất lợi.

Từ 1-2009 đến 6-2014, Colombia thay 3,05 tỉ cây cà phê; chừng 575.000 ha cà phê được tái canh tại Colombia, chiếm chừng 60% tổng diện tích toàn quốc. Nhờ vậy, tuổi đời bình quân của cà phê Colombia từ 12,4 nay xuống còn 7,3 năm. Dự kiến sản lượng cà phê của Colombia sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Trong khi đó, Ủy hội các nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) ước trong 12 tháng tới đây bắt đầu từ tháng 7-2014, Brazil sẽ xuất khẩu chừng 32,5 triệu bao. Nếu như tiêu thụ nội địa nước này hàng năm cần 20,5 triệu bao, Brazil sẽ cần có 53 triệu bao. Như vậy, nếu có thiếu, tồn kho tại Brazil có thể cung cấp đủ cho nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Đó là ý nghĩa của nhận định do Cecafe đưa ra.

Thanh khoản sẽ ảnh hưởng hướng giá sắp tới

Trên thị trường tài chính rộ lên tin đồn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ chấm dứt chương trình nới lỏng tiền tệ (QE3) vào khoảng tháng 10-2014 vì triển vọng hồi phục của nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu tích cực. Hiện nay, hàng tháng Fed bơm ra 35 tỉ đô la so với thời gian đầu là 85 tỉ đô la Mỹ.

Đây là yếu tố quan trọng đối với thị trường tài chính, đặc biệt với ngành hàng khá nhạy cảm như cà phê. Vì yếu tố này mà giá khó có cơ hội tăng mạnh nếu như không có gì đột biến mạnh từ phía cung-cầu. Trong tuần, sàn Ice New York đã giảm mức tiền quỵ xuống 5.200 đô la/lô cho người kinh doanh chốt giá bảo vệ (hedgers), giảm trên 2.000 đô la/lô.

Theo người có kinh nghiệm, đấy là dấu hiệu cho một thị trường yếu do giới đầu cơ rút vốn tạo nên tình trạng thiếu thanh khoản trên thị trường.

Nguyễn Quang Bình

tbktsg

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp dửng dưng khi gạo Việt sắp bị kiện? (19/07/2014)

>   Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường xuất khẩu (18/07/2014)

>   Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo từ năm 2015 (18/07/2014)

>   Doanh nghiệp Nhật muốn nhập nấm Việt (15/07/2014)

>   Các DN xuất khẩu gạo và cá tra sang Mexico đặc biệt lưu ý! (15/07/2014)

>   Doanh nghiệp gạo ngoài VFA kêu khó vì… VFA (14/07/2014)

>   Giải bài toán giảm chi phí sản xuất cho ngành mía đường Việt Nam (14/07/2014)

>   Bớt lúa, thêm bắp: đi tìm lời giải (14/07/2014)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu lo lỗ vì lúa gạo tăng giá (14/07/2014)

>   Cơ hội lớn bán gạo cho Philippines (14/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật