Chủ Nhật, 29/06/2014 21:40

Xuất khẩu gạo quí 3: Kỳ vọng có thêm nhiều thị trường khác

Nếu như quí 2-2014, Philippines và Trung Quốc là hai đối tác trọng yếu nhập khẩu gạo của nước ta thì theo nhận định của một số người trong cuộc, sang quí 3, Việt Nam tiếp tục trở thành tâm điểm cung cấp gạo cho một số nước khác. Điều này sẽ giúp “khơi thông” tiêu thụ lúa hè thu 2014 đang bước vào thu hoạch rộ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tâm điểm của nhà nhập khẩu

Trong những ngày cuối quí 2 và đầu quí 3, xuất khẩu gạo Việt Nam liên tục giành được nhiều hợp đồng xuất khẩu mới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tuần trước phía Malaysia đã chính thức quyết định mua của Việt Nam 200.000 tấn gạo 5% tấm thông qua Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) với giá 410 đô la Mỹ/tán (FOB, giao tại cảng Sài Gòn).

Mới đây nhất, một số báo trong nước cho biết ngoài hợp đồng 800.000 tấn mà Philippines đã đồng ý nhập của Việt Nam vào ngày 15-4-2014, thì nước này vừa quyết định mua thêm 200.000 tấn gạo nữa.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về thông tin trên, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) - doanh nghiệp hội viên của VFA - khẳng định: “vẫn chưa có xác nhận nhập khẩu chính thức từ Philippines với cơ quan phía Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, khả năng Philippines chọn mua gạo của Việt Nam là rất lớn. “Bởi thứ nhất, hiện nay các nước châu Á đang bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, sản lượng lương thực bị giảm; thứ hai, Thái Lan đang tạm thời cấm xuất khẩu để kiểm tra các kho gạo vì nghi thiếu hụt một lượng rất lớn, vì vậy chắc chắn các nước nhập khẩu sẽ tập trung về phía Việt Nam vì chất lượng gạo Việt Nam tương đối tốt, giá cả hợp lý”, ông Tuấn cho biết.

Theo một số doanh nghiệp, xuất khẩu gạo quí 3-2014 của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn nhờ đẩy mạnh xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, cùng với sự gia tăng khối lượng ở các hợp đồng tập trung.

Ông Tuấn của Thịnh Phát cho biết nếu năm 2013 hợp đồng tập trung đạt chỉ khoảng 700.000 tấn, thì tới thời điểm này, Việt Nam đã có trong tay hợp đồng khoảng 1,2 triệu tấn, gồm 200.000 hợp đồng với Philippines được chuyển từ năm 2013 sang cộng thêm 800.000 mới ký hồi tháng 4 và 200.000 tấn vừa ký với Malaysia. “Đó là chưa nói đến dự kiến Philippines mua thêm 200.000 tấn, Indonesia, Sri Lanca, Bangladesh cũng đang có ý định mua. Như vậy, chắc chắn một điều là hợp đồng tập trung năm nay sẽ không dưới 1,5 triệu tấn”, ông Tuấn khẳng định.

Giá nội địa bật mạnh trở lại

Tín hiệu xuất khẩu khả quan đã kích thích doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy mạnh mua vào, làm giá lúa gạo nội địa bật mạnh trở lại, tăng khoảng 200-300 đồng/kg so với tuần trước.

Tại Đồng Tháp, ông Dương Văn Mến, thương nhân kinh doanh lúa gạo tại huyện Lấp Vò, cho biết hiện lúa IR 50404 tươi tại đây có giá dao động khoảng 4.200-4.250 đồng/kg, tăng bình quân khoảng 200 đồng/kg so với mức giá cách nay hơn 1 tuần; giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 cũng bật mạnh lên mức giá 6.600-6.650 đồng/kg, từ mức 6.350-6.400 đồng/kg.

Theo bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp Yến Ngọc, quận Tân Phú, TP.HCM, tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, hiện gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá 6.600-6.700 đồng/kg và 7.700-7.800 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu của các giống lúa hạt dài dùng chế biến gạo 5% tấm.

“Một phần do lúa hè thu thu hoạch chưa nhiều và một phần do mấy ngày qua mưa bão làm gián đoạn nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu thụ mạnh của doanh nghiệp là nguyên nhân kéo giá lúa gạo thị trường nội địa tăng mạnh trở lại”, bà Yến cho biết.

Ông Tuấn của Thịnh Phát dự báo giá lúa gạo sắp tới sẽ tiếp tục xu hướng vững giá và có thể tăng thêm. “Nhưng khó có khả năng tăng mạnh bởi nguồn cung sắp tới sẽ được bổ sung khá lớn khi vụ lúa hè thu vào thu hoạch rộ”, ông Tuấn nhận định.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo khả quan trở lại là nguyên nhân khiến doanh nghiệp tăng giá chào bán trong những ngày cuối tháng 6 này.

Cụ thể, gạo 5% tấm được chào bán giá 405-415 đô la Mỹ/tấn; gạo 25% tấm 355-365 đô la Mỹ/tấn và 575-585 đô la Mỹ/tấn đối với gạo thơm Jasmines, tăng bình quân khoảng 10 đô la Mỹ/tấn so với mức giá hồi đầu tháng 6.

Trong khi đó, từ ngày 1 đến 20-6-2014, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp hội viên VFA đạt gần 513.000 tấn, trị giá FOB đạt trên 217 triệu đô la Mỹ. Lũy kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 20-6 đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá FOB đạt 1,3 tỉ đô la Mỹ.

Trung Chánh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Sau 6 tháng, 20.000 ha cao su tại Tây Ninh bị đốn bỏ (29/06/2014)

>   Giá cà phê cuối tháng tăng tưng bừng (28/06/2014)

>   Bộ Nông nghiệp: Vinafood 2 không hối lộ bán gạo cho Philippines (28/06/2014)

>   Mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản (28/06/2014)

>   Tìm “bệ đỡ” tăng giá trị nông sản Việt (27/06/2014)

>   Philippines nhập khẩu thêm 200.000 tấn gạo Việt Nam (27/06/2014)

>   Cuba muốn Việt Nam đầu tư và sản xuất lúa gạo tại nước này (27/06/2014)

>   Nhiều thị trường bỏ Thái Lan quay sang mua gạo Việt (27/06/2014)

>   Nhật sẽ giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp (26/06/2014)

>   Xuất khẩu cao su và gạo sụt giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm (25/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật