Thứ Sáu, 27/06/2014 16:36

Tìm “bệ đỡ” tăng giá trị nông sản Việt

Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông Haysashi Yoshimasa, Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản vừa qua, đang từng bước cụ thể hóa việc đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Nông nghiệp và nông thôn là một trong những ưu tiên về chiến lược phát triển. Tuy nhiên, do điều kiện kỹ thuật còn lạc hậu, chất lượng nông sản chưa cao dẫn đến tình trạng bất ổn ở đầu ra. Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng. Tổng hợp 9 ngành (gạo, chè, cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, điều, thủy sản, gỗ) năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD, tăng 3,4 lần. Nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt tại các quốc gia và vùng lãnh thổ kể cả thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật, Trung Đông, Nga, Trung Quốc… Tuy nhiên nhìn chung, nông sản Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng vững trên thị trường vì từ trước đến nay chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, tươi mà chưa qua chế biến.

Thời gian vừa qua người nông dân liên tục điêu đứng hứng chịu cảnh trái cây được mùa mất giá như: dưa hấu, xoài, thanh long, vải thiều… Hè năm 2014 là một mùa trái cây buồn của tỉnh Đồng Nai khi xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt rớt giá thảm hại ngay khi vào mùa. Nhiều nhà vườn đau lòng khi cho trái cây rụng bỏ vì tiền bán nông sản không đủ để thuê nhân công thu hoạch.

Tại vựa trái cây lớn đồng bằng sông Cửu Long xảy ra tình trạng ế ẩm tương tự. Hẩm hiu hơn, là 2 tỉnh nổi tiếng về vải thiều song mùa vải năm nay Bắc Giang và Hải Dương gần rơi vào tình trạng "bế quan, tỏa cảng”, giá vải thiều thấp dưới 10 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá trái cây rớt thảm hại chủ yếu là vì nguồn cung quá cao trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp. Ngoài ra, đối với những trái cây xuất khẩu khi thị trường gặp khó khăn là rơi vào tình trạng đổ đống. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên chính là do khả năng chế biến thực phẩm trong nước chậm phát triển.

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống chế biến công nghiệp có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại. Cả nước có trên 5.500 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã đầu tư đổi mới công công nghệ, chế biến các sản phẩm có giá trị cao, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, số DN này vẫn chiếm vị trí khá khiêm tốn do yếu vốn và năng lực phát triển thị trường hạn chế.

Nói về việc chế biến vải thiều, đại diện tỉnh Hải Dương và Bắc Giang cho rằng: "Chính vụ giá trị quả vải rất thấp. Muốn tăng giá trị cho sản phẩm này nhưng gần như bế tắc bởi chúng ta chưa có công nghiệp chế biến tiên tiến. Họa chăng, cũng chỉ dừng lại ở chế biến nước ép vải thiều”. Trong khi đó, ở các nước khác như Thái Lan, Nhật Bản… công nghệ chế biến khác xa Việt Nam.

Nhằm nâng cao giá trị đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã duyệt đề án nâng cao giá trị gia tăng trong chế biến nông lâm sản và giảm tổn thất sau thu hoạch. Theo đó, tập trung sản xuất theo hướng tăng cường liên kết nguyên liệu – chế biến – tiêu thụ đảm bảo đầu ra. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản thuộc chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Việt Nam, Nhật Bản ký kết hợp tác nông nghiệp

Chiều 26-6 tại Hà Nội, Bộ NNPTNT phối hợp cùng Đại sứ quán Nhật Bản và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản tổ chức Hội nghị đối thoại Hợp tác Nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản lần thứ nhất.

Theo đó, trong thời gian tới, hợp tác nông nghiệp giữa hai bên sẽ tập trung nhiều vào hợp tác khoa học kỹ thuật, ứng dụng những công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ sinh học, chế biến và bảo quản sau thu hoạch; hợp tác nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lương thực và thực phẩm, từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản, lưu thông phân phối sản phẩm.

Ngay sau Hội nghị, Bộ NNPTNT Việt Nam và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản đã tiến hành ký kết biên bản hợp tác chính thức nhằm hiện thực hóa những ý tưởng thành các hành động cụ thể, thiết thực, phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam một cách toàn diện và bền vững theo hướng hiện đại hóa.


Thanh Giang

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Philippines nhập khẩu thêm 200.000 tấn gạo Việt Nam (27/06/2014)

>   Cuba muốn Việt Nam đầu tư và sản xuất lúa gạo tại nước này (27/06/2014)

>   Nhiều thị trường bỏ Thái Lan quay sang mua gạo Việt (27/06/2014)

>   Nhật sẽ giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp (26/06/2014)

>   Xuất khẩu cao su và gạo sụt giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm (25/06/2014)

>   Đề xuất cơ chế, chính sách phát triển công ty nông, lâm nghiệp (25/06/2014)

>   Trung Quốc tăng nhập gạo Việt Nam không phải vì thiếu gạo (25/06/2014)

>   Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo tại thị trường truyền thống (25/06/2014)

>   Bầu Đức: "Chặt vàng trắng cao su: Phụ thuộc một thị trường sẽ chết!" (25/06/2014)

>   Tìm đầu ra cho nông sản: Yêu cầu bức thiết (25/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật