Giá cà phê cuối tháng tăng tưng bừng
Giá cà phê tại thị trường nội địa và sàn kỳ hạn tăng mạnh vào những ngày giao dịch cuối tuần và cuối tháng 6-2014. Nhiều người đang mong mức kỳ vọng 41 triệu đồng/tấn. Nhưng liệu mức này có đạt trong thời gian trước mắt?
Sôi nổi ở đoạn cuối
Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta trong tháng 6-2014
|
Đến ngày 30 mới hết tháng, song hôm qua 27-6 được xem là ngày giao dịch cuối tuần lẫn cuối tháng. Giá kỳ hạn robusta Ice Liffe tại London tăng lên mức cao nhất trong tháng, có lúc chạm mức 2.069 đô la Mỹ/tấn để rồi đóng cửa chốt mức 2.034 đô la/tấn, tăng 33 đô la/tấn so với tuần trước nhưng cả tháng tăng đến 83 đô la/tấn (xin xem biểu đồ trên).
Tại thị trường nội địa, giá cà phê nguyên liệu sáng nay 28-6 vượt qua mức 40 triệu đồng/tấn để giao dịch quanh mức 40,5 triệu đồng/tấn, tăng 1 triệu đồng/tấn so với cuối tuần trước.
Giá trong những ngày đầu tháng qua xuống thấp trên cả sàn kỳ hạn lẫn thị trường nội địa, chung quanh mức 38-39 triệu đồng/tấn đã làm sức bán ra khựng lại. Đấy cũng là một yếu tố giúp giá cà phê tăng mấy hôm nay.
Giá chào bán xuất khẩu tuần trước dựa trên mức chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn kỳ hạn và giá FOB giao tại cảng nước xuất khẩu ở mức bằng 0, trong khi bên mua chỉ trả mức trừ 60-65 đô la/tấn dưới giá kỳ hạn. Do giá London tuần qua tăng, các nhà xuất khẩu đang chào mức trừ 30 đô la/tấn dưới giá niêm yết. Tuy nhiên, mua bán vẫn chưa gặp nhau trong khi người còn hàng trong tay đang cố nâng giá kỳ vọng lên 41 triệu đồng/tấn sau khi nhanh chóng vượt mức kỳ vọng cũ 40 triệu đồng/tấn nhờ cú tăng bất ngờ trong những ngày giao dịch cuối tuần qua.
Gập ghềnh phía trước mặt
Tuy nhiên, “mức 41 triệu/tấn trước mắt không dễ gì đạt vì nhiều người đang hài lòng với mức hiện nay 40,5 triệu đồng/tấn. Họ sẽ chốt bán trong dịp cuối tuần này vì sợ giá kỳ hạn rớt lại do ảnh hưởng xấu mà giá kỳ hạn arabica mang đến,” một nhà phân tích thị trường nhận định.
Khuya hôm qua, giá kỳ hạn arabica Ice New York sụp đổ, giảm 8,30 xu/cân Anh (cts/lb) hay tương đương với 183 đô la/tấn, đóng cửa chốt mức 172,55 cts/lb. Như vậy, tính cả tháng, giá kỳ hạn arabica giảm 48 đô la/tấn trong khi giá robusta lại tăng.
Tin đồn Brazil mất mùa arabica do hạn hán nghiêm trọng xảy ra đầu năm nay vẫn không làm giá arabica trụ vững so với robusta, dù có nhiều nguồn tin đánh giá rằng robusta sẽ có sản lượng bằng hoặc tăng hơn so với niên vụ cũ.
Nhìn về mặt cung-cầu, cái cần tăng lại không tăng, mặt hàng đáng ra có giá giảm lại tăng cao. “Sự sụp đổ của sàn arabica là một chỉ dấu không hay cho giá kỳ hạn robusta trong những ngày tới. Trên thị trường tài chính, đây chẳng qua là một sự hoán đổi, luân chuyển vốn từ sàn này sang sàn kia mà đôi khi không cần yếu tố cung-cầu can thiệp,” nhà phân tích làm rõ thêm ý kiến.
Arabica là loại cà phê được tiêu thụ mạnh trên thế giới do có chất lượng thơm ngon; robusta thường được dùng để phối trộn với arabica.
Xuất khẩu giảm
Bộ phận thống kê thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (BNN&PTNT) ước xuất khẩu cà phê nước ta trong tháng 6-2014 đạt 109 ngàn tấn thu về 229 triệu đô la Mỹ. Lũy kế xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm đạt 1,04 triệu tấn với kim ngạch 2,12 tỉ đô la, tăng 31,7% về khối lượng và tăng 24,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 2.025 đô la/tấn, giảm 5,85% so với cùng kỳ năm 2013.
Đức và Hoa Kỳ vẫn là hai thị trường nhập khẩu hàng đầu trong khi đó Bỉ đang có tốc độ tăng mạnh nhất, gấp 2,73 lần về khối lượng. Do Bỉ là nước có các kho cảng trung chuyển lớn và lại là nơi được sàn kỳ hạn chọn làm kho chứa cho những lô hàng trữ thuộc sàn kỳ hạn Ice Liffe, nên hiện tượng tăng này lại một lần nữa xác nhận rằng đầu cơ tài chính đang đưa hàng về kho thuộc sàn để định làm “chuyện lớn” chăng?
Tồn kho tại các nước tiêu thụ tăng
Hiệp hội Cà phê Hạt Hoa Kỳ (Green Coffee Association) cho rằng đến cuối tháng 5-2014, tồn kho toàn Bắc Mỹ tăng thêm 159.144 bao so với tháng trước, đạt 5.396.742 bao, tương đương với 11,5 tuần tiêu thụ.
Tồn kho đạt chuẩn robusta London tăng (nguồn: SocGen)
|
Trong khi đó, tồn kho robusta đạt chuẩn thuộc sàn kỳ hạn Ice Liffe London tính đến hết ngày 23-6-2014 đạt 66.410 tấn, tăng từ mức 59.730 tấn so với hai tuần trước đó, báo cáo thường kỳ của sàn kỳ hạn này cho biết. Đây là lần thứ năm liên tiếp sàn London có lượng tồn kho tăng sau cả năm dài tính từ tháng 5-2013 đều có báo cáo giảm (xin xem biểu đồ 2).
Tồn kho arabica đạt chuẩn sàn Ice New York đạt trên 151 ngàn tấn tính đến hết ngày 26-6.
Rang xay thay đổi “cách chơi”
Từ ba, bốn năm nay, đầu cơ tài chính không ngừng tìm cách khuynh loát và lũng đoạn các sàn kỳ hạn hàng hóa, trong đó thị trường cà phê được chiếu cố rất mạnh nhưng lại là mặt hàng “nhu yếu” đối với nhiều nước tiêu thụ ở châu Âu và châu Mỹ. Một vài nhà đầu cơ đã ghim một lượng hàng trong tay cực lớn để làm giá mà không màng đến túi tiền người tiêu thụ. Cách chơi “đâu có tiền là ta cứ đi” của đầu cơ đã để lại hậu quả nặng nề ngay cho cả người sản xuất như khi thấy không còn tìm ra lợi nhuận tại một vùng sản xuất nào đó, họ để mặc cho đất đai khô cằn, nông dân khổ cực do giá xuống…sau khi đã khai thác triệt để lợi nhuận.
Đứng trước những biến động thất thường về giá, không bền vững trong sản xuất, có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng hàng hóa đầu vào để chế biến, Nestlé đã chủ trương mua nguyên liệu trực tiếp từ nông dân và các nước sản xuất thay vì mua qua trung gian. Đây là một quyết định táo bạo chưa có tiền lệ của tập đoàn công nghiệp thực phẩm này. Trước đây, Nestlé thường mua qua trung gian do sợ bấp bênh trong cung ứng.
Nay, Nestlé đã có quan hệ với 670.000 nông dân, là người sản xuất nông sản trực tiếp. Vì vậy tập đoàn này đang mưu cầu sự bền vững. Ông Peter Brabeck, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nestlé cho biết tập đoàn ông sẽ mua nông sản trực tiếp từ nông dân và các nước sản xuất với tỉ lệ 50% hàng đầu vào, chủ yếu cà phê và ca cao tại các nước châu Á. Hai thị trường tiêu thụ hàng của Nestlé đứng đầu là Hoa Kỳ và Trung quốc. Hàng năm, ước Nestlé mua chừng từ 250-300 ngàn tấn cà phê từ nước ta.
Nguyễn Quang Bình
TBKSG
|