Ngân hàng dành cửa nào cho doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chiếm tỷ trọng khá lớn, hoạt động trên mọi vùng miền nhưng cũng gặp không ít khó khăn về vốn. Tuy nhiên, cửa ngân hàng hiện nay dường như đã mở rộng đối với nhóm doanh nghiệp này với hàng loạt những chương trình ưu đãi từ phía ngân hàng.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ là doanh nghiệp có vốn từ 20-100 tỷ đối với khu vực nông-lâm-nghiệp- thủy sản, công nghiệp - xây dưng hay quy mô vốn 10-50 tỷ đồng đối với khu vực thương mại dịch vụ. Đây là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số tại Việt Nam. Theo thông tin từ báo chí, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP.
Hiện Chính phủ đã để ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2011-2015 là thành lập mới 350,000 doanh nghiệp và đến ngày 31/12/2015, cả nước sẽ có khoảng 700,000 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, đầu tư của khu vực này chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo thêm 3.5-4 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2011-2015.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn để phát triển hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn vay. Nguyên nhân xuất phát từ chính quy mô, uy tín và thương hiệu của loại hình doanh nghiệp này, cửa vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có phần hạn chế hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn vấp phải những hạn chế khác về trình độ quản lý, vốn, tài sản thế chấp, năng lực sản xuất kinh doanh…Tuy nhiên, phân khúc khách hàng này hiện đang là “điểm nóng” của các ngân hàng. Tại nhiều ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, tỷ trọng cho vay các đơn vị này hiện đã chiếm phần lớn so với các loại hình khác.
Hàng loạt gói sản phẩm dịch vụ ưu đãi được đưa ra như tiện ích miễn phí hoặc miễn giảm dịch vụ, lãi suất…. được các ngân hàng dành riêng cho nhóm đối tượng này. Điển hình như Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) đã triển khai giai đoạn III dự án JBIC, JICA - chương trình tài trợ ưu đãi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất hiện hành từ 1-6%/năm, mức cho vay tối đa lên đến 25 tỷ đồng cho 1 dự á. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được tư vấn lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh/dự án đầu tư, tư vấn xúc tiến thương mại kèm theo nhiều tiện ích hỗ trợ giao dịch khác.
Bà Đặng Quỳnh Mai - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh Nghiệp Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) cho biết, đặc thù các khoản tín dụng dành cho phân khúc khách hàng SME thường là các khoản tín dụng có giá trị ở mức trung bình nên ngân hàng sẽ giảm tải sự tác động của rủi ro có thể gặp phải do khoản vay mang lại. Việc cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn trên thực tế mang lại hiệu quả với ngân hàng, tổ chức tín dụng, vì giá trị thực thu về cao, khả năng quay vòng vốn nhanh và ít có khoản nợ tồn đọng, khó đòi… Có thể nói, hoạt động tín dụng với nhóm khách hàng này tương đối ổn định và có tỷ lệ an toàn cao. Tính đến nay, dư nợ cho vay Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại OceanBank chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ cho vay. Đây chính là lý do vì sao OceanBank tập trung phát triển các sản phẩm cho vay với nhiều ưu đãi dành nhằm thu hút nhóm khách hàng này.
Về chiến lược của ngân hàng, bà Mai chia sẻ thêm OceanBank luôn xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là một phân khúc khách hàng quan trọng đối với sự tăng trưởng chiến lược dài hạn của ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp SME đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn để mở rộng phát triển sản xuất. Vì vậy, OceanBank đã dành nhiều chính sách ưu đãi nhằm giúp doanh nghiệp SME dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ như áp dụng mức lãi suất hợp lý chỉ 8%/năm, giảm phí các dịch vụ tài khoản, thanh toán, ngân hàng điện tử... Hơn nữa, một trong những vấn đề luôn được OceanBank chú trọng trong quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng là chủ động tiếp cận. Các chuyên viên của OceanBank đi đến từng khách hàng, trực tiếp hỗ trợ khách hàng hoàn thiện các hồ sơ thủ tục vay vốn để ngân hàng thực sự là người bạn đồng hành hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, OceanBank xây dựng các sản phẩm chuyên biệt dành cho nhóm khách hàng SME như cho vay bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, sản phẩm cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cho vay doanh nghiệp kinh doanh Đạm Phú Mỹ, cho vay mua ô tô Trường Hải, cho vay mua ô tô Hyundai Thành Công... với mức lãi suất cho vay thấp và được ưu đãi trong nhiều tháng. OceanBank kỳ vọng những sản phẩm cho vay này sẽ trở thành những giải pháp tài chính hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển ổn định và bền vững.
Trong năm 2014, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (STB) cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt chú trọng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ SXKD, tiểu thương. Như nhiều ngân hàng khác, OceanBank cũng triển khai gói sản phẩm ưu đãi dành cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều tiện ích miễn phí cùng với hàng loạt chính sách miễn/giảm phí dịch vụ và lãi suất.
Được biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Sacombank đã triển khai 13 gói cho vay ưu đãi trị giá 21,550 tỷ đồng và 90 triệu USD nhằm góp phần hỗ trợ cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân trên cả nước tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo tiền đề tiếp tục phát triển trong những năm kế tiếp. Trong đó, tại chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp theo chủ trương của UBND TP.HCM và NHNN - Chi nhánh Tp.HCM, Sacombank đã dành 585 tỷ đồng cho vay ưu đãi doanh nghiệp tại 9 quận huyện trên địa bàn Tp.HCM.
Ngân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank (CTG) cũng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn với lãi suất thấp, thời hạn vay dài. Hay tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), trong tháng 3 vừa qua, ngân hàng này vừa cho ra mắt sản phẩm thẻ VPBiz Card. Đây là loại thẻ rất mới tại Việt Nam bởi đối tượng là các doanh nghiệp. Thẻ được tích hợp các “module” định hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) như tách bạch chi tiêu cá nhân với chi tiêu doanh nghiệp, qua đó có thể theo dõi các chi phí kinh doanh, kiểm soát và làm các báo cáo tài chính rõ ràng. Ngoài ra, với ưu điểm tỷ giá hối đoái thường tốt hơn tỷ giá tại các điểm đổi tiền tại các nước sở tại, doanh nghiệp cũng có lợi thế khi thực hiện giao dịch ở nước ngoài qua thẻ.
Minh Hằng
công lý
|