Xử lý nợ xấu, nhanh nhưng phải đúng pháp luật
Ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp, điều phối viên về tài chính và phát triển khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ với phóng viên TBNH xung quanh vấn đề xử lý nợ xấu (XLNX).
Nhiều quan điểm cho rằng, cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho VAMC. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
Có thể nói đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã làm được nhiều việc, trong đó có việc mua vào nợ xấu. Tuy nhiên, rõ ràng cũng còn nhiều vấn đề vướng mắc cần tiếp tục giải quyết, nhất là liên quan đến hành lang pháp lý. Trong đó, cần thiết phải xây dựng các quy định để VAMC có thể hoạt động hiệu quả như việc hoàn thiện quy định về hướng dẫn xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB); các thủ tục pháp lý cần thiết để VAMC có thể giao dịch nợ xấu; vấn đề nhân lực và nguồn vốn của tổ chức này…
Về cơ bản, có hai cách để XLNX: Bán ra hoặc giữ lại rồi sau một thời gian (ví dụ 5 năm) thì lại chuyển giao trở lại cho các TCTD.
Trong đó, nếu theo phương án giữ lại thì cách này sẽ không có gì khác nhiều so với việc chính các TCTD tự xử lý. Lúc này, VAMC chỉ như là kho tạm trữ nợ xấu. Các vấn đề gặp phải là việc phải dành ra các nguồn lực để trông nom, quản lý các tài sản đó trong 5 năm. Trong thời gian ấy, giá trị các tài sản có thể hồi phục, nhưng cũng có thể tiếp tục giảm xuống rất nhiều. Và trong trường hợp này, liệu VAMC có nguồn nhân lực để trông coi, quản lý bằng các TCTD không? Chắc chắn là không. Và hệ quả là có thể dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh.
Nhưng nếu theo cách bán nợ xấu ra thì cũng có rất nhiều vấn đề phải tính tới: VAMC sẽ bán ra cho những đối tượng nào? Bán bằng cách chứng khoán hóa (CKH) hay cách nào? Cơ chế bán là gì?… Nghĩa là có rất nhiều vấn đề phải làm rõ. Bán ra nợ xấu là cách mà rất nhiều AMC của các nước trong khu vực đã làm. Tuy nhiên, để làm được điều này thì các khung khổ pháp lý liên quan phải được triển khai đầy đủ; cần đội ngũ những nhân lực có chất lượng cao để quản lý và xử lý các vấn đề liên quan.
Muốn bán nợ xấu, NĐT phải được “mục sở thị” tài sản, giá phải chấp nhận được...
Như vậy, có cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình bán nợ xấu?
Về lý thuyết, cần bán nợ xấu ra càng nhanh càng tốt, vì sẽ giúp tránh được tổn thất lớn hơn. Tuy nhiên, trong thực tế ở rất nhiều nước, không dễ làm như vậy. Bởi một mặt, như tôi đã nói ở trên, muốn bán được cần có hệ thống hành lang pháp lý liên quan rõ ràng để đảm bảo việc bán ra được thuận lợi và đúng pháp luật. Mặt khác, bản thân các TCTD có thể ngại bán đứt ra các khoản nợ xấu của họ. Đơn cử, với một khoản nợ xấu nhất định thì đằng sau nó luôn được đảm bảo bởi TSĐB và giá trị của TSĐB đó có thể lớn gấp 2 lần khoản nợ xấu đó.
Vậy thì, rất có thể TCTD sẽ nghĩ “ok”, chẳng có vấn đề gì cả, vì trong bất cứ lúc nào cũng có thể bán TSĐB đó ra để thu nợ về. Còn trong trường hợp TSĐB đó có giảm giá trị trong hiện tại thì TCTD lại tin rằng kiểu gì trong 5 năm tới, thị trường sẽ phục hồi và lúc đó TCTD vẫn có thể bán ra để giải quyết nợ.
Những gì VAMC có thể làm là đưa ra khung thời gian, yêu cầu và các quyết định về việc sẽ bán nợ xấu ra. Vấn đề đặt ra là VAMC cần phân tích và hiểu rõ bảng danh mục tài sản nợ xấu đang có, sau đó có sự kết hợp hợp lý giữa các khoản “nợ xấu tốt” và “nợ xấu xấu hơn” để từ đó có thể bán ra mọi thứ muốn bán. Tất nhiên, đấy là một quá trình rất phức tạp, nhưng muốn bán được thì vẫn phải làm.
Quan điểm của ông về sự cần có thị trường mua bán nợ xấu, như một số chuyên gia gợi ý gần đây?
Thị trường chủ yếu là do người bán, người mua mà ra. Vậy thì, việc tạo ra các cơ sở cho thị trường này là quan trọng. Nhưng, vấn đề quan trọng nhất là giá cả, mức giá nào để cả người bán và người mua gặp được nhau. Nếu bên bán nhất định không chịu hạ giá xuống và người mua thấy giá đó không thể với tới nổi thì sẽ chẳng có thị trường nào cả.
Một điều quan trọng khác là cần tạo tính hấp dẫn cho những gói nợ xấu muốn bán ra. Tôi nghĩ, từ góc độ NĐT, tính hấp dẫn ấy bao gồm:
Thứ nhất, NĐT phải được “mục sở thị” những tài sản đó. Tức là các thông tin liên quan phải minh bạch, rõ ràng và có thể đánh giá được.
Thứ hai, giá các tài sản đó phải được hạ xuống ở mức chấp nhận được, đi kèm với các ưu đãi cụ thể về thuế và các ưu đãi khác.
Thứ ba, quá trình bán nợ xấu là minh bạch.
Thứ tư, với các NĐT nước ngoài, liệu các khung khổ pháp lý cho họ tham gia đã đầy đủ chưa? Các chính sách nhằm khuyến khích đối với họ là gì? Họ có thể mang vốn vào, cũng như rút vốn ra thế nào?... Để có được những điều đó thì công tác chuẩn bị phải làm sao NĐT có được nhiều và đầy đủ thông tin nhất về các khoản nợ xấu muốn bán, thì cơ hội bán thành công cũng sẽ tăng lên.
Nhìn nhận của ông về khả năng CKH nợ xấu ở Việt Nam?
Đã có nhiều quốc gia tiến hành phương pháp này thành công. CKH giúp đóng gói các khoản nợ xấu bán ra thị trường và giúp cho dòng tiền chuyển động, các TCTD có thể tiếp tục cho vay ra. Bất động sản – tài sản chiếm một phần lớn trong các TSĐB của các khoản nợ xấu hiện nay, có thể là những khoản dễ CKH nhất, vì đây là những tài sản dài hạn. Tuy nhiên, muốn CKH được thì phải định giá được những tài sản đó. Vấn đề đặt ra, ai sẽ là người giúp VAMC định giá được các tài sản muốn CKH, đâu là mức giá mà các NĐT có thể chấp nhận mua…
Một điểm quan trọng khác là CKH nếu được triển khai thì ai sẽ là đối tượng mua? Tôi tin, với các NĐT nước ngoài thì họ rất hiểu về CKH, nhưng liệu NĐT trong nước có quan tâm không? Vậy, để CKH được thì VAMC cũng phải chuẩn bị rất nhiều thứ như đề cập ở trên. Bên cạnh đó, cần nhiều quy định liên quan để CKH có thể triển khai được.
Đỗ Lê
Thời báo ngân hàng
|