Ổn định thị trường tài chính để giữ an toàn hệ thống ngân hàng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: Việc ổn định tài chính-tiền tệ cũng chính là bảo vệ người gửi tiền, an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô và qua đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại hội thảo “Vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với sự ổn định của hệ thống tài chính” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 30/5, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, vai trò của Ngân hàng Nhà nước đối với sự ổn định tài chính có 3 trụ cột chính là ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; trong đó hệ thống ngân hàng là một trong những lĩnh vực hết sức nhạy cảm, chịu những tác động của bản thân nội tại nền kinh tế và những tác động từ thế giới.
Chính vì vậy, vai trò của Ngân hàng Nhà nước có yếu tố hết sức quan trọng trong vấn đề tạo dựng cũng như thực hiện cũng như mục tiêu của ổn định khu vực tài chính của Việt Nam, trong đó trực tiếp là ổn định tiền tệ và ổn định hệ thống ngân hàng.
Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều viện dẫn đặc thù của Việt Nam là hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước quản lý chiếm hơn 90% tổng tài sản của các tổ chức tài chính. Do đó, chức năng và nhiệm vụ quản lý của Ngân hàng Nhà nước cũng là vai trò quan trọng để kiểm soát ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.
Một số đại biểu cho rằng, trong thời gian qua do yếu tố lâm lý nên có thời điểm giá vàng và tỷ giá đã có những biến động khó lường, nhưng với vai trò của mình, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt, đưa các các lĩnh vực này trở về trạng thái bình thường. Đặc biệt là tỷ giá, mấy năm trước đây, tỷ giá luôn là vấn đề gây đau đầu cho các nhà quản lý và doanh nghiệp, nhưng hơn 2 năm nay tỷ giá khá ổn định, tạo tâm lý tốt cho thị trường.
Khẳng định vai trò không thể thay thế của Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định hệ thống tài chính, tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề quan trọng để thực hiện ổn định này là tạo ra được cơ chế phối hợp thông tin. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cơ chế này còn nhiều hạn chế.
“Nếu như tất cả các cơ quan có liên quan mà đặt ổn định tài chính tiền tệ như là sự sống còn của quốc gia thì sẽ kết hợp với nhau rất tốt,” ông Ánh nói.
Cùng quan điểm này, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng khẳng định, không có mô hình ổn định tài chính, tiền tệ nào là siêu việt và lý tưởng, tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương ngày càng giữ vai trò quan trọng. Chính vì vậy, cần có cơ chế phối hợp chính sách nhịp nhàng giữa Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành có liên quan.
Ngoài ra, tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng đề xuất cần xây dựng một cơ chế bảo hiểm tiền gửi hiệu quả và minh bạch, phối hợp trong xử lý khủng hoảng; nghiên cứu thành lập Hội đồng tài chính tiền tệ quốc tế do Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối.
Tuy nhiên, các đại biểu tại hội thảo cũng khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sát sao nắm diễn biến của tổng thể hệ thống tài chính vì nhu cầu vốn của các thành viên thị trường tài chính có thể biến động bất thường khi gặp các cú sốc và mất cân bằng tài chính. Sự thiếu hụt thanh khoản có thể nhanh chóng lan rộng và ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống tài chính, trong đó có hệ thống các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính.
Thúy Hà
vietnam+
|